Tuesday, July 2, 2024

VNTB – Không thể đánh đồng giá trị bằng cấp
Diệp Chi
02.07.2024 6:02
VNThoibao



(VNTB) – Không thể đánh đồng giá trị bằng cấp của người học thật, thi thật với những loại “bằng mua” hay “bằng cúng dường”

 Bằng cấp là một loại văn bằng được trao cho người đã hoàn tất một khóa học về một ngành nào đó. Bằng cấp thể hiện trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của người nhận bằng cấp. Có nhiều loại bằng cấp khác nhau tùy thuộc vào thời lượng, nội dung và cấp độ của khóa học.

Có thể nói, giá trị của bằng cấp (nhất là những bằng được những cơ sở giảng dạy; những tổ chức uy tín, trong đó có tổ chức chính phủ nước ngoài cấp…) là một minh chứng về sự cố gắng, khó có thể chối bỏ. Tuy vậy, có ý kiến lại cho rằng:

“Thời buổi tự học tự trao dồi kỹ năng, kiến thức là chính.

Trường lớp chỉ phổ cặp căn bản mà thôi.

Một kho kiến thức mở trên internet, chỉ một số ít công nghệ độc quyền đang còn đóng kín mà thôi.

Ví dụ các khoá học về Máy Học và trí tuệ nhân tạo có vài chục buổi học thì chỉ nắm được cái tựa hay những khái niệm còn để làm được thì cần đọc nhiều hơn và thực hành nhiều hơn, ít nhất là gấp 10 lần với những khoá học”.

Có thể thấy, quan điểm này vừa có đúng, vừa có sai. Internet là một thế giới phẳng, ở nơi đó, con người tuỳ theo quy định của từng quốc gia, có thể rộng mở chia sẻ hoặc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, cũng chính vì cái sự mở đó, khó có thể xác minh được đâu là kiến thức đúng, đâu là kiến thức sai.

Đó là chưa kể đến, cái kiến thức mở đó còn bị ảnh hưởng của kỷ nguyên hậu sự thật. Đây là tính từ liên quan đến các tình huống mà trong đó những sự thật khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân.

“Mình có tìm hiểu về khái niệm “la post-vérité” này. Dĩ nhiên, có thể không được đầy đủ tiếp cận các nguồn như theo mình thấy, thế giới mạng, có những trường hợp tương tự. Một khía cạnh luôn tồn tại hai khái niệm, có tốt có xấu. Nhưng khi một người “có tiếng nói” cất lên thì dường như các khía cạnh xấu đều đã được bỏ qua”, Thiên Minh, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Để xây dựng một căn nhà, cái nền móng là một thứ rất quan trọng, nếu móng không vững, việc xây cao, sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng. Việc học cũng vậy, nếu không nắm rõ, nắm đúng cái căn bản, sẽ khó có thể làm cái khó hơn. Bởi lẽ, căn bản là cái gốc rễ, cái cốt yếu quy định bản chất của sự vật.

“Hồi mới bắt đầu học ngoại ngữ, mình được học bảng chữ cái, cô mình nói là cô sẽ rất nghiêm túc trong cách phát âm. Nhưng phải làm vậy, khi các em lên trình độ cao hơn, sẽ đỡ hơn rất nhiều. Chính vì cái nguồn gốc căn bản đó, dĩ nhiên cũng có những từ ngoại lệ, điểm thi nói của mình cũng tạm ổn”, Thiên Minh chia sẻ tiếp.

Thêm nữa, đi học là cả một quá trình, quá trình tích luỹ kiến thức trong thời gian dài. Đó còn là sự cố gắng của học sinh, học viên để có thể đạt được thành quả xứng đáng. “Gieo nhân gì, gặt quả đó”. Và cái quả ấy, chính là cái bằng cấp cầm trên tay.

“Quan điểm của tôi, có bằng vẫn hơn. Có bằng, mức lương của bạn cũng khác đi. Dĩ nhiên không phải bằng cấp quyết định tất cả nhưng có bằng vẫn đỡ hơn. Mà hơn hết, nếu bằng cấp không có giá trị, biết bao người nông dân cố gắng làm lụng chờ được cái ngày con mình khoác tấm áo tốt nghiệp, tay cầm tấm bằng đại học, để làm gì? Chẳng lẽ họ sai à?

Đó là chưa kể đến việc đánh đồng. Không phải bằng nào cũng giống như bằng nào. Lấy ví dụ, như bằng Delf, là một hệ thống bằng kiểm tra khả năng Pháp ngữ của những người sử dụng tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ. Bài thi được điều hành bởi CIEP (Trung tâm Sư phạm Quốc tế) trực thuộc Bộ Giáo dục Pháp. Với những người không lấy được bằng, chẳng lẽ đi nguỵ biện rằng ôi mấy cái bằng đó cũng chẳng nói được gì. Trong khi gần như trên thế giới đều chấp nhận giá trị của bằng đó”, chị Ngọc, cựu sinh viên một trường đại học thuộc khối đại học Quốc gia chia sẻ.

Tựu trung lại, giá trị của tấm bằng là một điều hoàn toàn không thể chối cãi. Với một tấm bằng được học hành, thi cử đàng hoàng, đó là một thành quả đáng ghi nhận. Không thể đánh đồng giá trị bằng cấp của người học thật, thi thật với những loại “bằng  mua” hay bằng được “cúng dường”. Càng không thể nói bằng cấp thui chột nhân tài, bởi đã có tài, ngại gì đi thi!


 

No comments:

Post a Comment