Saturday, July 27, 2024

Nguyễn Đình Ấm - Những cái chết "lãng xẹt" ở Trường Sơn
samedi 27 juillet 2024
Thuymy


Tôi chiến đấu ở chiến trường 559 năm năm. Thiếu thốn, gian khổ, đói khát...thì khỏi nói, nhưng rất đau lòng trước những cái chết "lãng xẹt".

Trên đường đi lấy gạo cho đơn vị ở kho "ban 5" (kho hậu cần), lúc về quá mệt ngồi nghỉ ở rìa bãi bom B52 tràn ngập ánh sáng. Một tốp bộ đội đi qua, có mấy cậu trẻ măng từ ngoài vào tới, thấy chỗ có gốc cây to lại có ánh sáng mặt trời cũng ngồi nghỉ (ở Trường Sơn ít khi nhìn thấy mặt trời).

Nghỉ được một lát, cậu lính nước da trắng nõn, ăn vận bộ đồ Tô Châu còn mới có vẻ như thư sinh Hà Nội mới đi lính, đi vào trong rừng rậm có lẽ đi tiểu. Tôi định gọi cậu lại khuyên không đi khỏi đường nhưng không kịp. Ở những nơi bị nghi có quân đội hoạt động, phía bên kia thường rải mìn vướng, mìn lá, mìn cóc.

Cậu ta đi được cỡ hơn phút thì một tiếng nổ lộng óc, cây lá trút xuống xung quanh. Biết ngay cu cậu mắc phải mìn vướng (quả mìn thả từ máy bay, xuống đất nó bật ra nhiều sợi dây như sợi chỉ tóe ra xung quanh, bất kể cái gì vướng vào là mìn nổ. Khi phát hiện có mìn vướng, công binh thường đi phá những quả mìn trên đường, chắc cậu lính mới không biết đã đi ra ngoài không an toàn ...).

Tôi rẽ cây, chạy vào thì cậu ta còn tỉnh táo nhưng một bên đùi bị đứt lìa, lủng lẳng chỉ còn ít da, gân trắng hếu nối cái đùi và bắp chân. Tôi vội cởi áo lót quấn lấy chỗ chân bị bể nát nhưng máu vẫn tứa ra đầy tay ... Chỉ ít phút sau có lẽ cạn hết máu cậu ta tắt thở. Các bạn đồng đội cõng cậu ta đến trạm giao liên nghe nói gần đó.

Một lần hành quân chuyển địa điểm, do súc yếu tôi tụt lại cuối đơn vị. Ngồi nghỉ một chút, tôi đi về phía có tiếng róc rách kiếm nước uống. Khi làm bụng nước căng tròn và cái bi đông đầy, tôi trở ra thì bất chợt thấy một cái võng mắc vào hai cái cây không căng mái tăng thủng lỗ chỗ.

Trên võng không có người, nhưng ở giữa võng vải bị thụng xuống màu nâu thẫm, thoảng thấy mùi hôi. Tôi lại gần dùng cành cây đẩy một mép võng sang bên kia thì trong ánh sáng mờ ảo thấy có vẻ một bộ xương, sọ trắng hếu, xung quanh chân, tay, áo quần mối đã đắp gần kín. Cạnh đó, bên cái gốc cây một cái ba lô bị xẹp xuống, mối ăn gần hết vải trơ ra cái bát sắt, con dao găm, những hàng cúc áo, quần... "Anh này bị sốt ác tính rồi", tôi thầm nghĩ.

Gần 100 % lính Trường Sơn bị sốt rét. Có hai loại sốt, sốt thường thì kéo dài 1, 2, 3 tuần. Nếu sốt trên 2, 3, 4 tuần không chết thì khi cắt sốt chỉ còn da bọc xương, lại phải tập đi lại từ đầu. Sốt ác tính thì hôm trước vẫn ăn uống rất khỏe nhưng đêm đến đi ngủ mai không dậy nữa. Những anh lính  người thành phố sống an nhàn, sung sướng thường bị sốt ác tính.

Khi đến trạm giao liên tôi báo cho họ biết sự kiện đó để có thể làm chính sách với anh bộ đội nào đó...

Ở Trường Sơn những cái chết vì bom B52, tọa độ, AD 6, AC130, mìn cóc mìn lá... là chuyện thường xuyên ; nhưng chết vì sốt rét lại đói ăn, đói thuốc là nhiều nhất.

NGUYỄN ĐÌNH ẤM 27.07.2024

No comments:

Post a Comment