Cù Mai Công - Đức giám mục kiệt xuất Gioan Baotixita Bùi Tuần, nhà văn tột bậc khó nghèo vùng Ông Tạ về nước Chúa
samedi 27 juillet 2024
Thuymy
Các cháu của ngài xưa giờ vẫn gọi ngài là chú chứ không gọi đức cha. Có người nhăn mặt chỉnh: “Ngài là giám mục, phải gọi đức cha chứ”. Ngài gạt đi: “Bên giáo hội, tôi là giám mục, nhưng trong gia đình, tôi là con em. Phải để cháu tôi gọi tôi là chú”.
(…) Lễ tấn phong giám mục của ngài diễn ra trong tiếng súng đạn vang rền khắp nơi trưa 30-4-1975, bổ nhiệm làm giám mục phó Giáo phận Long Xuyên. Không kèn trống, đàn hát; không rước kiệu, quay phim, tiệc tùng; không diễn từ chúc tụng.
Ngài nhớ lại: “Lẽ ra là một ngày quan trọng nhất của đời người nhưng lại là ngày số phận run rủi đã đẩy tôi vào trước họng súng. Hôm đó, lực lượng quân cách mạng ập vào nhà thờ, chĩa súng vào người tôi, dọa bắt tôi và kết án tử hình. Họ cho tôi ba phút suy nghĩ trước khi họ hành động. Bỗng đức tin lại trỗi dậy trong tôi. Tôi tin những việc làm của tôi không có gì tội lỗi”.
Khi qua Rôma đưa Thư chung 1980 và lưu lại tại đó, Tòa Thánh dự tính chọn ngài làm giám mục phụ tá cho Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình. Trong bài “Tâm tình về Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình” trên báo Công giáo và dân tộc ngày 25-8-2015, ngài viết: “Một ngày nọ, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình gặp riêng tôi. Ngài nói với tôi: “Tòa Thánh có dự định đưa Đức cha về Sài Gòn làm phụ tá, dự phòng cho tương lai phức tạp. Sau một thời gian cân nhắc, tôi đã trình với Tòa Thánh là theo tôi dự kiến đó không thích hợp. Vì lý do sức khỏe, Đức cha nên ở lại Long Xuyên. Vừa sẽ có lợi cho Hội Thánh, vừa sẽ có lợi cho tất cả Đất Nước. Tòa Thánh đã đồng ý rút lại dự định”.
Năm 1997, ngài trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên. Năm 2003 ngài về hưu, trao giáo phận lại cho Giám mục phó Giuse Trần Xuân Tiếu. Đức cha Tiếu là nghĩa tử cha cố Antôn Trần Văn Bật, cựu chánh xứ Nam Thái - ngay ngã ba Ông Tạ. Cách đây đúng 50 năm, ngày 10-8-1974, tại nhà thờ Nam Thái, Đức Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình đã phong chức linh mục cho tiến chức Giuse Trần Xuân Tiếu.
Đức cha Bùi Tuần và Đức cha Trần Xuân Tiếu là hai trong 11 vị tổng giám mục, giám mục vốn là dân Ông Tạ/50 vị tổng giám mục, giám mục của cả nước hiện nay (hơn 22 %). Tất cả các ngài đều sống bình dị theo nếp nhà di cư 1954.
Riêng Đức cha Bùi Tuần một đời đạm bạc, đến kham khổ. Có lẽ lối sống ấy bắt đầu từ thuở khó nghèo thời thơ ấu. Ngài kể: “Quê tôi ở Thái Bình. Gia đình gốc nông dân nghèo lắm. Bố đi ở, mẹ đi ở. Bố không đủ tiền nộp thuế bị trói đánh ngoài đình. Thuở nhỏ tôi đã trải qua cảnh cơn bão lớn, nước dâng lên cao, mẹ ôm tôi trên mái nhà nhai gạo sống cho con ăn”.
Ngày 9-1-2016, trong dịp cải táng và gởi tro cốt bố mẹ ở nhà thờ Tân Thành (gần ngã tư Bảy Hiền), ngài chia sẻ: “Tôi nhớ Mẹ tôi! Tôi nhớ Bố Mẹ tôi nhiều lắm! Bố tôi hay khuyên tôi hãy tin tưởng vào Thánh Giuse và hãy lo cho những người nghèo. Mẹ tôi thường nhắc cho tôi là hãy nhớ Chúa trước mặt. Đừng quá lo cho gia đình nhưng hãy dùng sức lực lo cho ích chung của Hội Thánh. Những lời khuyên dạy đó vẫn dẫn dắt tôi cho đến bây giờ.”
Ngài dạy lại các cháu mình: “Phải sống khó nghèo”. Các cháu thăm, vào phòng riêng của ngài ở Long Xuyên, ngỡ ngàng khi thấy rèm cửa thủng rách, bàn ghế gỗ cũ kỹ, lung lơ… Ngài bảo: “Vẫn dùng được mà”. Ngài đi vắng, các cháu lẳng lặng thay mới cho ngài. Giáo dân xin lễ, ngài bảo ngay: “Cha không nhận tiền bạc gì đâu đấy”. Lễ xong, bà con giáo dân miền Tây kho nồi cá mang tới, ngài cười: “Cha thích canh chua ruột cá lóc”. Giáo dân nhiều người khó khăn, tìm đến ngài, ngày nào cũng ngồi đầy trước cửa phòng ngài. Còn bao nhiêu tiền trong người, ngài gởi bà con hết. Các chủng sinh phải lén cản bớt…
Ngài mê văn thơ, thích gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ. Hồi trẻ, khi còn là thầy giảng, ngày nào ngài cũng làm thơ, định gửi cho nhà thơ Xuân Diệu xin giúp đỡ. Ngài tâm sự: “Những quan sát khi làm thơ đã hỗ trợ cho tôi khi học Triết”.
Bộ "Thao thức" của ngài đồ sộ năm tập, 2.500 trang (Nhà xuất bản Tổng Hợp - 2007). Hôm phát hành (30-4-2007), chỉ trong một tiếng, số đăng ký lên tới 1.140 bộ. Theo bài “Đức giám mục, nhà văn Bùi Tuần” của nhà báo - nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15-5-2007, “Ngày còn nhỏ đi học thường dành tiền mua thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, không những học thuộc lòng, cụ còn diễn ra văn xuôi để tập viết câu”.
Chị Ngọc Hải viết thêm: Đức giám mục Bùi Tuần viết rất nhiều. Có người muốn biết đã có bao nhiêu tác phẩm tất cả? Như một cụ già hiền hậu và một thi nhân, Đức giám mục trả lời không nhớ. Có ba thứ cụ không bao giờ nhớ: số điện thoại của mình, tiền để đâu và sách viết ra. Vị giám mục về hưu này một đêm chỉ ngủ có 2 tiếng. Trong căn phòng nhỏ, không biết tác giả đã viết lách ở đâu. Không có vi tính, tất cả đều viết tay trên một tấm gỗ giấu bên dưới mặt chiếc bàn nhỏ có thể kéo ra, đẩy vào. Nó độc đáo đến nỗi nhà báo Khổng Thành Ngọc viết hẳn một bài báo đầy cảm xúc “Từ bàn viết của một cụ già”.
… Theo cáo phó từ Tòa Giám mục Long Xuyên và cô Mai Phương của tôi, Đức giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần sinh ngày 21-1-1927. Tối qua 26-7, ngài bảo mấy vị linh mục, các chú chủng sinh bên ngài: “Mai cha về với Chúa đấy”; bảo bác sĩ chăm sóc, cũng là giáo dân: “Tới giờ cha về với Chúa rồi, không cần chữa trị gì nữa”. Rất tỉnh táo, minh mẫn. Vài tiếng sau, ngực Đức cha phập phồng mạnh hơn một chút, rồi nhẹ nhàng đi”. Người Công giáo gọi đó là “chết lành”. Như một hồng ân Thiên Chúa. Nếu theo tuổi Tây là 97 tuổi, tuổi Ta là đại thọ 98 tuổi.
Cô giáo tôi - cháu ruột, bố cô là anh ruột ngài - bên Mỹ đang về Việt Nam thăm quê hương. Cô và Thanh Thủy đang theo tour đi Đà Nẵng, Hội An một tuần, tối qua nghe tin ngài hấp hối, bỏ ngay chuyến đi, lên máy bay bay gấp về Sài Gòn, rồi đi xe về Long Xuyên. Lúc 7 giờ 30 sáng nay 27-7-2024, cô và các cháu ngài đã dự lễ đưa chân (nghi thức tẩn liệm) ở nhà thờ Thánh Thomas - Đại chủng viện Long Xuyên, 9g30 thứ ba 30-7-2024 Thánh lễ An táng.
Chúa Jesus: “Ai muốn theo Ta thì vác Thánh giá theo chân Ta”. Ngài đã theo chân Chúa, sống một đời tột bậc khó nghèo, cho tới ngày về Nước Chúa, hưởng Nhan thánh Chúa. Theo di nguyện của ngài, Giáo phận Long Xuyên không nhận vòng hoa và phúng điếu, không sử dụng kèn trống và cho phép đặt thùng hiệp thông dùng để xin lễ và làm thiện nguyện để cầu cho cố giám mục.
CÙ MAI CÔNG 27.07.2024
No comments:
Post a Comment