Thursday, May 2, 2024

VNTB – Lá phiếu của người Mỹ gốc Việt
Thái Hóa Lộc
02.05.2024 7:37
VNThoibao



(VNTB) – “Điều quan trọng là lý trí hay cảm xúc của cử tri sẽ chiến thắng.”

 Gần nửa thế kỷ qua đi, 49 năm giăng mắc trôi qua kể từ ngày cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam 30-4-1975. Người Việt tại Hoa Kỳ không ai không một lần tự hỏi tại sao? Nhưng nguyên chính là do chính Đồng minh tháo chạy, mà một trong số tác nhân đó, từ các cuộc biểu tình chống chiến tranh, nhằm ép buộc chính phủ Hoa Kỳ cúp mọi viện trợ quân trang, quân dụng, để rồi phải buông sống đầu hàng, để rồi hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trong các trại học tập tù đày, trên đường vượt biên vượt biển tìm tự do… 

Nếu có thể cố gắng tóm lược lại một nguyên nhân quan trọng nhất, yếu tố có tính quyết định nhất, thì đó chính là việc … đại cường Hoa Kỳ thay đổi chính sách, quyết định ngưng việc hậu thuẫn cho sự sống còn của miền Nam. Phủi tay tháo chạy. Nếu là người Việt tỵ nạn thật sự không ngoài lý do gì khác thì điều này rất dễ hiểu tại sao  và cũng chính vì vậy khi cầm lá phiếu trên tay bước vào phòng phiếu vào ngày 5 tháng 11 phải có một sự cân nhắc cẩn thận. Cộng đồng Việt tỵ nạn bầu tổng thống ra sao, bầu cho ai, trên nguyên tắc là quyền của mỗi cá nhân, quyền tự do lựa chọn theo ý mình, theo quan điểm chính trị của mỗi người, chẳng có gì đúng hay sai, cũng chẳng có gì đáng bàn thảo. Người Mỹ gốc Việt trong vấn đề này, trên nguyên tắc cũng chẳng khác gì người Mỹ chính gốc, toàn quyền lựa chọn theo ý mình.

Như trước đây, cộng đồng chúng ta đã từng bầu cho các ông Reagan hay Carter, Bush cha hay Clinton, Bush con hay Gore, Obama hay McCain, Trump hay bà Hillary…Nhưng lần này với tâm trạng của người tỵ nạn cộng sản trong ngày Quốc Hận không thể không một chút bâng khuâng về lịch sử, số phận của Việt Nam Cộng Hoà bị bức tử tháng 4 năm 1975 và tự tìm hiểu tác động xa hay gần đưa đến thảm cảnh gần nửa thế kỷ trước đây cho miền Nam Việt nam. Những người Việt tỵ nạn cũng đã tự chọn cho mình một lá phiếu quyết định dành cho cựu Tổng thống Trump hay Tổng thống đương nhiệm Joe Biden!

Tuy nhiên đối với Việt có cách nhìn lịch sử khác và vô tư hơn như một người Mỹ bình thường cũng không tránh khỏi khó khăn khi quyết định lá phiếu của mình vào ngày 5 tháng 11 tới. Tình trạng giằng co trong cuộc đối đầu giữa TT Biden và cựu TT Trump ngang ngửa với nhau cho chúng ta nhận ra điều này. Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất của đài truyền hình CNN ngày 28/4 công bố kết quả thăm dò do Cơ quan Dịch vụ Dữ liệu SSRS tiến hành cho thấy, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa vẫn chiếm ưu thế so với Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, mặc dù ông Trump đang phải hầu tòa về các cáo buộc hình sự.

Kết quả thăm dò cho thấy trong cuộc tái đấu năm nay giữa hai ứng cử viên, ý kiến của người dân Mỹ về nhiệm kỳ đầu tiên của cựu Tổng thống Trump và đương kim Tổng thống Biden có các dấu hiệu cho thấy ông Trump đang được cử tri ưa chuộng hơn khi phần lớn cử tri coi nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump thành công hơn so với nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Biden. Cụ thể, sự ủng hộ của cử tri đối với ông Trump vẫn đứng vững ở mức 49% trong cuộc đối đầu trực tiếp với ông Biden, trong khi ông Biden chỉ đạt mức 43%, mặc dù tổng thống đương nhiệm từng đạt mức tín nhiệm 45% trong các các cuộc thăm dò hồi tháng Giêng năm nay.

Về tổng thể, 55% dân chúng Mỹ hiện nay cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là thành công so với 44% cho đó là thất bại. Điều này rất đáng chú ý nếu nhìn lại kết quả cuộc thăm dò hồi tháng 1/2021 trước khi ông Trump rời Tòa Bạch Ốc và chỉ vài ngày sau cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol cho thấy 55% người dân Mỹ coi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là thất bại.

Trong khi đó, đa số người dân Mỹ có cái nhìn tiêu cực về thành tích của Tổng thống Biden, khi 60% người Mỹ được hỏi không hài lòng với nhiệm kỳ tổng thống của ông chủ thứ 46 của Tòa Bạch Ốc và chỉ 40% hài lòng. Trong từng lĩnh vực quan trọng, chỉ 45% dân Mỹ chấp thuận các chính sách chăm sóc y tế của Tổng thống Biden và 44% đồng ý với chính sách xóa nợ cho sinh viên của ông, trong khi chỉ có 28% chấp nhận và có tới 71% không ủng hộ việc ông Biden ứng phó với cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang tiếp diễn tại Gaza.

Liên quan tới các vấn đề ưu tiên mà cử tri Mỹ quan tâm, kết quả cuộc khảo sát của SSR tiến hành từ ngày 18-23/4 cho thấy, có 58% cho rằng việc bảo vệ nền dân chủ Mỹ là quan trọng. Gần phân nửa dân Mỹ (48%) coi các vấn đề di dân, tội phạm và chính sách kiểm soát súng đạn là quan trọng, tiếp đó là chăm sóc y tế (43%), phá thai (42%) và đề cử nhân sự vào Tòa án Tối cao Mỹ (39%).

Cuộc bầu cử năm nay lại thêm sự xuất hiện ứng cử viên của ông Robert F. Kennedy Jr. tranh cử độc lập sẽ gây ra một tác động. Dư luận cho rằng ông Kennedy là ứng cử viên bên thứ ba được yêu thích nhất kể từ thời ứng cử viên Ross Perot ra tranh cử năm 1992. Tương tự như vậy, ứng cử viên độc lập của chu kỳ bầu cử này có thể thu hút những người ủng hộ bất mãn của cả hai đảng. Theo cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất từ NBC News, sự ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Donald Trump bị suy giảm bởi phiếu bầu cho bên thứ ba hơn là bởi Tổng thống Joe Biden, mà đặc biệt là do phiếu bầu cho ứng cử viên độc lập Kennedy. Tác động của các ứng cử viên còn lại vẫn nằm trong giới hạn sai số của cuộc thăm dò.

Trong một cuộc đua đối đầu, cựu Tổng thống Donald Trump dẫn trước Tổng thống Joe Biden 2%. Tuy nhiên, trong cuộc đua bao gồm các ứng cử viên bên thứ ba, Tổng thống Biden dẫn đầu với 39% phiếu bầu, tiếp theo là cựu Tổng thống Trump với 37%, và ông Kennedy với 13%. Ông Cornel West và bà Jill Stein sẽ lần lượt nhận được 2% và 3% số phiếu bầu. Ông Kennedy là con trai của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và là cháu trai của cố Tổng thống John F. Kennedy. Riêng đối với người Việt Nam chắc chắn ông Kennedy cũng nhận được một số phiếu bầu!

Robert F. Kennedy Jr.là một ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng We the People. Ông Kennedy nguyên là một thành viên Đảng Dân Chủ lâu năm, nhưng khi đảng này đi chệch khỏi các nguyên tắc cốt lõi của mình vào những năm 2010, thì ông ngày càng xa cách với đảng mà cha chú của ông đã đi theo. Vào ngày 09/10/2023, ông tuyên bố ý định tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ với tư cách ứng cử viên độc lập. Một số nhà phân tích đồng ý rằng chính các chiến dịch tranh cử sẽ định đoạt việc ông Kennedy ảnh hưởng như thế nào đến kết quả bầu cử tổng thống.

Ban vận động tranh cử của ông Kennedy tuyên bố họ đang nỗ lực để có được lá phiếu ở tất cả 50 tiểu bang và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Với tư cách là một ứng cử viên độc lập, ông đã có tên trên lá phiếu ở Utah và Michigan vào giữa tháng Tư. Những người ủng hộ ông Kennedy khẳng định rằng ông không tranh cử tổng thống để tạo lợi thế cho người khác. Theo những người tin rằng ông là một ứng cử viên thực thụ thì ông có cơ hội giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành chức tổng thống.

Ngoài Utah và Michigan, chiến dịch tranh cử của ông Kennedy báo cáo đã hoàn tất việc thu thập chữ ký ở bảy tiểu bang bang khác: Nevada, Idaho, Hawaii, New Hampshire, North Carolina, Nebraska, và Iowa.

Ông Rick Manning là chủ tịch của tổ chức Người Mỹ vì Chính phủ Giới hạn, một nhóm ủng hộ cựu Tổng thống Trump. Ông cho biết khi xét đến lựa chọn bỏ phiếu cho ông RFK Jr., những cử tri độc lập đã muốn bỏ phiếu cho ông Trump có thể sẽ bỏ phiếu cho ông Kennedy hơn. 

“Từ nay đến sáu tháng sau, hình thế bầu cử sẽ khác hoàn toàn,” ông Manning cho biết. “Khác với quan điểm về vaccine COVID-19, khi mọi người nghe những gì ông Kennedy nói về các vấn đề này, các cử tri có khuynh hướng bảo tồn truyền thống sẽ tìm đến cựu Tổng thống Trump vì họ không đồng ý với ông Kennedy về nhiều quan điểm chính sách của ông ấy.”. Ông Manning khẳng định rằng tỷ lệ bất tín nhiệm về cách giải quyết công việc của Tổng thống Biden trong nhiệm kỳ này không suông sẻ. Cuộc thăm dò gần đây của NBC cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden đạt 42%.

“Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu những người bất đồng với ông Biden và xem ông ấy kém năng lực hơn ông Trump có nghiêng về phía ông Trump hay không,” ông Manning nói. “Điều quan trọng là lý trí hay cảm xúc của cử tri sẽ chiến thắng.”- Còn riêng với người Việt tỵ nạn về quyết định lá phiếu có vượt qua cảm xúc của mình hay không lại là một điều tế nhị khác.


 

 

No comments:

Post a Comment