Wednesday, May 15, 2024

VNTB – Giáo dục chạy theo thành tích, bỏ qua sinh mạng con người
Chánh Thành
16.05.2024 2:20
VNThoibao



(VNTB) – Thay vì nhồi nhét kiến thức hàn lâm, thì cần phải tăng thời lượng cho trẻ học các kỹ năng quan sát, kỹ năng sinh tồn.

 Chỉ trong hơn 2 tuần đầu tháng 5, Việt Nam đã có hàng chục vụ học sinh đuối nước, trong đó có ít nhất 20 học sinh không qua khỏi. Sắp tới mùa nghỉ hè, các em học sinh sẽ có nhiều thời gian vui chơi, và cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Cần phải cảnh báo và giáo dục các em học sinh những kỹ năng sống cần thiết để có thể sinh tồn, trước khi giảng dạy kiến thức học thuật cho trẻ!

 

Những vụ đuối nước liên tiếp xảy ra

Ngày 13/05, do trời nắng nóng, hai cháu bé 7 tuổi ở Quảng Hòa (Đắk Nông) đi tắm ao gần nhà và thiệt mạng do đuối nước. Trước đó, ngày 09/05, ở Bắc Giang, hai em nhỏ xuống hố nước gần nhà và bị đuối nước, người ông nội xuống cứu, nhưng cuối cùng cả ba ông cháu đều không qua khỏi.

Còn ở huyện Núi Thành (Quảng Nam), ngày 10/05, sau khi thi học kỳ, một nhóm học sinh lớp 8 đã rủ nhau đi tắm biển. Bất ngờ 2 em bị sóng cuốn trôi, 1 em chạy ra cứu bạn, rồi nhiều người dân gần đó cũng chạy ra ứng cứu. Nhưng chỉ đưa được 2 em vào bờ, 1 em vẫn “mất tích”.

Những tai nạn thương tâm này cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh Việt Nam hiện nay. Ở một đất nước mà khắp nơi đều có sông suối, kênh rạch, đường bờ biển trải dài từ bắc xuống nam, thì việc bỏ qua kỹ năng bơi lội; hoặc không hướng dẫn học sinh cách nhận biết các khu vực nguy hiểm là vô cùng tắc trách.

Thế nhưng không phải chỉ khi học sinh đi chơi tự phát, mà ngay cả khi có mặt của giáo viên, học sinh vẫn bị đuối nước. Đáng chú ý nhất là trường hợp một nam sinh lớp 9 bị đuối nước, tử vong khi tham gia hoạt động trải nghiệm của trường ở vịnh Vĩnh Hy.

Cụ thể, ngày 31/3, trường THCS Trần Quốc Toản (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức cho 115 học sinh khối 9 đi trải nghiệm hệ sinh thái với chủ đề “một ngày với thiên nhiên” tại vịnh Vĩnh Hy, cách trường chừng 45 km. (1)

Trưa hôm đó, các em học sinh được hướng dẫn ra tắm trước bãi tắm của khu du lịch Vĩnh Hy. Lúc này, 4 học sinh bị đuối nước. Khi được mọi người đưa lên bờ, có hai học sinh cần sơ cứu, đưa đến trạm y tế. Sau đó, các em được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu, nhưng một học sinh đã không qua khỏi.

Điều đáng nói là với lượng học sinh đông như vậy, nhưng đi cùng đoàn chỉ có một phụ huynh và 18 giáo viên/nhân viên nhà trường để quản lý các em. Như vậy, vấn đề học sinh bị đuối nước do đi tắm biển, sông, suối, không chỉ do cá nhân, tự phát; ngay cả khi có nhà trường tổ chức và quản lý thì vẫn xảy ra những tai nạn thương tâm.

Có thể thấy rằng ngay cả giáo viên, nhân viên nhà trường cũng không có kỹ năng và nghiệp vụ xử lý các tình huống khẩn cấp. Tức là thầy cô cũng không được đào tạo về kỹ năng sống, chứ đừng nói gì tới học sinh. Cũng dễ hiểu vì giáo dục Việt Nam từ trước tới nay vẫn tập trung vào kiến thức học thuật hơn là thực tế.

 

Dạy trẻ sống trước khi muốn trẻ bay xa

Học sinh thì chạy theo điểm số, giáo viên thì coi trọng thành tích, còn nhà trường thi đua chạy theo danh hiệu, mà bỏ qua các yếu tố cần thiết để phát triển toàn diện cho trẻ. Vì vậy, khi nhìn vào điểm số thì thấy học sinh Việt Nam có thành tích rất cao, nhưng kiến thức về cuộc sống xung quanh, kỹ năng sinh tồn, nhận biết nguy hiểm thì hầu như không có.

Không chỉ bơi lội, mà trong cuộc sống hàng ngày tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ em. Theo một thống kê của Cục Quản lý môi trường hồi năm 2019, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn, thương tích; trong đó có 6.600 trường hợp tử vong. Và đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn đối với những trẻ từ 5-14 tuổi, độ tuổi hiếu động nhất.

Nếu đổ cho việc thiếu thốn cơ sở vật chất, hồ bơi để dạy học sinh bơi lội thì không đúng. Vì phòng tránh đuối nước, không phải chỉ là dạy các em kỹ năng bơi lội, mà cần phải dạy học sinh cách nhận biết và tránh xa khỏi những khu vực nguy hiểm, sử dụng áo phao đầy đủ.

Rất nhiều trường hợp cứ nghĩ biết bơi là không bị đuối, nhưng thực tế có những khu vực nước xoáy, dòng chảy ngầm, nước sâu trên biển, sông suối mà ngay cả người lớn cũng không tránh được.

Cho nên, thay vì nhồi nhét kiến thức hàn lâm cho các em học sinh từ nhỏ, thì cần phải tăng thời lượng cho trẻ học các kỹ năng quan sát, kỹ năng sinh tồn để có thể tự bảo vệ mình. Bởi vì cha mẹ thầy cô không thể lúc nào cũng bên cạnh quan sát, bảo vệ, thậm chí, đôi khi ngay cả phụ huynh và giáo viên cũng không thể xử lý khi có nguy hiểm bất ngờ xảy ra.

Nhưng cũng cần nói rõ là dạy kỹ năng sống thì không thể chạy theo thành tích và điểm số, vì đó là tính mạng con người. Nếu chỉ dạy cho có, dạy cho đủ số lượng, chấm điểm tuỳ tiện như là những môn phụ như học vẽ, học hát hiện nay thì lại càng nguy hiểm vì sẽ dẫn tới ỷ lại, rằng các em đã học rồi thì không sợ, nhưng thực tế là học nhưng không biết gì hết. Giáo dục thì phải để trẻ sống khỏe mạnh và an toàn trước khi dạy những kiến thức học thuật, hàn lâm cao xa…

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/nam-sinh-lop-9-tu-vong-trong-chuyen-trai-nghiem-4730197.html

 


 

No comments:

Post a Comment