Tuesday, May 14, 2024

Biden vừa phạm phải sai lầm lớn nhất của mình
Nguồn: Bret Stephens, “President Biden Just Made His Biggest Blunder,” New York Times, 
09/05/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
14.05.2024
NghiencuuQT


Khi tuyên bố rằng Mỹ sẽ tạm dừng việc chuyển giao 3.500 quả bom cho Israel, Tổng thống Biden có một động cơ đáng khen ngợi – ông muốn giải thoát những người Palestine vô tội khỏi những hậu quả quân sự vì Hamas đã chọn Rafah làm thành trì cuối cùng của mình ở Gaza. Tuy nhiên, vẫn còn một động cơ khác, ít đáng khen ngợi hơn – Biden cũng cần củng cố sự ủng hộ của những cử tri cấp tiến, những người cho rằng việc Israel sử dụng vũ khí của Mỹ có thể khiến người Mỹ dính đến tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, động cơ không phải là kết quả. Và nếu Biden không sớm đảo ngược quyết định của mình, thì hậu quả sẽ trái ngược với những gì ông dự tính. Tại sao lại vậy? Hãy để tôi giải thích.

Việc ngừng chuyển giao bom sẽ giúp ích cho Hamas.

Thảm kịch ở Gaza về cơ bản là kết quả từ những quyết định của Hamas: bắt đầu cuộc chiến theo cách tàn bạo nhất có thể, chiến đấu bằng cách ẩn náu phía sau và phía dưới dân thường, tấn công các cửa khẩu biên giới nơi hàng viện trợ nhân đạo được chuyển giao, và giam giữ một cách tàn nhẫn 132 con tin còn lại của Israel, dù họ còn sống hay đã chết. Bất kể việc cắt giảm vũ khí có giúp đạt được mục tiêu nào khác ở phía Israel, thì nó vẫn là một cuộc đảo chính tuyên truyền và là một chiến thắng về mặt chiến thuật của Hamas, xác nhận rằng họ đã đúng khi xem thường dân là lá chắn sống. Và nó sẽ khuyến khích Hamas tiếp tục chơi trò câu giờ – đặc biệt là trong các cuộc đàm phán về con tin – dựa trên cơ sở rằng nếu họ cầm cự được càng lâu thì khả năng sống sót càng cao.

Chiến tranh sẽ không kết thúc, mà còn bị kéo dài thêm.

Không có chính phủ Israel nào, ngay cả chính phủ do một thủ tướng ôn hòa hơn Benjamin Netanyahu lãnh đạo, sẽ đồng ý rời Gaza khi Hamas vẫn còn kiểm soát một phần bất kỳ của lãnh thổ này. Và nếu chính quyền Biden có ý tưởng nào để thực hiện điều đó mà không đụng đến Rafah, thì chúng ta vẫn chưa được nghe nó từ họ.

Nghĩa là, bằng cách này hay cách khác, Israel sẽ tấn công, nếu không phải bằng bom – chính quyền Mỹ cũng đang xem xét việc cấm các bộ dụng cụ dẫn đường chính xác – thì sẽ bằng đạn xe tăng 120 mm và đạn 5,56 mm kém chính xác hơn nhiều. Ngoài việc khiến quân đội Israel gặp rủi ro lớn hơn, phải chăng chính quyền Biden thực sự nghĩ rằng thương vong đối với người Palestine sẽ ít hơn sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng giao tranh từng nhà?

Nó làm giảm sức mạnh răn đe của Israel và là công thức cho một cuộc chiến mở rộng.

Một trong những lý do khiến Israel vẫn chưa tiến hành chiến tranh toàn diện ở phía bắc là vì Hezbollah cho đến nay vẫn bị chặn không thể tấn công toàn diện, một phần vì lo ngại kho vũ khí gồm khoảng 150.000 rocket và tên lửa của họ sẽ bị Không quân Israel tiêu diệt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm khủng bố Lebanon cân nhắc các báo cáo về tình trạng thiếu đạn dược của Israel, và quyết định rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để tấn công?

Nếu điều đó xảy ra, thiệt hại về nhân mạng ở Tel Aviv, Haifa, và các thành phố khác của Israel có thể là rất lớn. Biden sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép vận chuyển một lượng lớn đạn dược tới Israel – đảo ngược quyết định ông vừa đưa ra. Ngoài ra, Mỹ có thể phải hỗ trợ trực tiếp hơn nữa cho Israel về mặt quân sự.

Sẽ có những hậu quả chính sách đối ngoại không lường trước được.

Việc Israel nghi ngờ mức độ đáng tin của Mỹ trong vai trò đồng minh sẽ không khiến Israel trở nên mềm mỏng hơn. Thay vào đó, họ sẽ củng cố quyết tâm trở nên độc lập hơn trước ảnh hưởng của Washington, theo những cách mà người Mỹ có lẽ sẽ không thích. Thử tưởng tượng công nghệ mạng tối tân của Israel được trao cho Bắc Kinh? Hay một quan hệ chặt chẽ hơn giữa Israel và Moscow? Những người Mỹ cáo buộc Israel lợi dụng sức mạnh của Mỹ sẽ càng không thích khi Israel lựa chọn một chính sách đối ngoại độc lập hơn – Biden đáng lẽ phải học được bài học này khi cố gắng biến Ả Rập Saudi thành một quốc gia bị bài xích toàn cầu, chỉ để rồi phải bẽ mặt khi nhận ra vương quốc này vẫn có những lựa chọn chiến lược khác.

Tệ hơn nữa, thay vì làm suy yếu Netanyahu và các đối tác chính trị của ông ở phe cực hữu Israel, quyết định của Biden sẽ củng cố họ. Phe này sẽ chứng minh rằng chỉ có họ mới đủ can đảm để đứng lên chống lại một tổng thống theo chủ nghĩa tự do, người đã phải nhượng bộ trước áp lực từ những người biểu tình căm ghét Israel trong khuôn viên các trường đại học.

Nó là một món quà chính trị cho Donald Trump.

Các khẩu hiệu chống Israel tại các trường đại học nghe thật to tát, nhưng thật ra chúng không có ảnh hưởng đặc biệt: Rất ít cử tri Mỹ, kể cả những người trẻ tuổi, đặt cuộc chiến ở Gaza lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên chính trị của họ. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò gần đây của ABC News/Ipsos, phần lớn người Mỹ ủng hộ mức độ ủng hộ hiện tại của Mỹ dành cho Israel, thậm chí muốn ủng hộ thêm. Việc cắt giảm vũ khí sẽ càng khiến các cử tri ủng hộ Israel xa lánh Biden, nhưng chỉ xoa dịu một phần những người chống Israel, những người giờ đây sẽ tìm cách gây áp lực buộc tổng thống phải hành động hơn nữa.

Nói cách khác, đây là một trường hợp kinh điển về thế lưỡng nan. Nó cũng dẫn đến nhận thức rằng Biden là kẻ yếu – không thể bảo vệ cánh tả trong đảng của mình và cũng là một đồng minh yếu đối với những người bạn đang chiến đấu nơi chiến trường. Lần cuối cùng Mỹ bảo lãnh cho một đồng minh là ở Afghanistan, kết quả là một sự thất bại chính trị khiến tỷ lệ ủng hộ tổng thống rớt xuống mức không bao giờ phục hồi được. Tại sao Nhà Trắng lại muốn nhắc cho cử tri nhớ đến sự kiện đó?

Vẫn còn thời gian để Biden đảo ngược quyết định thiếu sáng suốt này. Netanyahu và các bộ trưởng của ông có thể giúp đỡ bằng cách chứng minh rằng họ đang thực hiện các bước đi ngay lập tức, rõ ràng, và có ý nghĩa để đưa thường dân Palestine ra khỏi tình trạng nguy hiểm. Nhưng việc cắt giảm vũ khí khiến Israel suy yếu khi phải đối mặt với kẻ thù trên nhiều mặt trận là điều không nên làm đối với tổng thống Mỹ, người mà sự ủng hộ kiên định và dũng cảm dành cho đất nước Do Thái vào thời điểm khó khăn nhất chính là – và nên mãi là – thời khắc huy hoàng nhất của ông.

Bret Stephens là người phụ trách chuyên mục Bình luận trên tờ New York Times, chuyên viết về chính sách đối ngoại, chính trị nội bộ Mỹ, và các vấn đề văn hóa.

No comments:

Post a Comment