ACB và ông Trần Mộng HùngHuy Đức
2-5-2024
Tiengdan
Rất ít người biết ông Trần Mộng Hùng mới thực sự là người sáng lập ngân hàng ACB [cùng các cổ đông khác, trong đó có hai ông Phạm Trung Cang và ông Trịnh Kim Quang… vào năm 1992]. Có lẽ do ông ít khi sử dụng siêu xe [của ACB] và tên ông không gắn với đội bóng [cũng của ACB]. Một đôi lần tôi thấy ông giữ mình lặng lẽ ở những chỗ đông người và, rất nhanh, kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống rồi rời đi trong chốc lát.
Phần lớn con đường học vấn của ông Trần Mộng Hùng được trang bị từ nền tảng giáo dục miền Nam. Dù, sau năm 1975, ông mới hoàn thành chương trình đại học.
Nếu không có những năm tháng Sài Gòn khánh kiệt bởi “cải tạo”, “đánh tư sản” và thay thế thị trường bằng “phân phối, quan liêu, bao cấp”, có thể ông Trần Mộng Hùng vẫn là một thầy giáo ở trường đại học. Ông từng là giảng viên trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng [1978-1980]. Ngày ấy, để có thể đứng được trên bục giảng, nhiều giảng viên khác như ông đã phải làm đủ nghề, từ nấu xà bông [từ xút và dầu dừa], đến làm nhựa tái chế và “nước giải khát có gaz”.
Chính sách thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng [đầu thập niên 1990s] đã giúp ông có một quyết định đúng đắn, chọn ngành kinh doanh đúng với chuyên môn của mình: Thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần [TMCP].
Trong gần hai thập niên sau đó, ở Sài Gòn có 3 ngân hàng TMCP hoạt động rất ấn tượng: ACB, Đông Á và Sacombank. Đông Á và Sacombank từng là những ngân hàng bán lẻ tốt nhất. Đông Á còn là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ ATM.
Tôi không chắc, việc Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy TP HCM có cổ phần trong ngân hàng Đông Á hay những sai lầm của ông Trần Phương Bình mới là yếu tố chính “giết chết” ngân hàng lừng lẫy một thời này. Nhưng, ở khu vực hoàn toàn tư, yếu tố minh bạch thường đảm bảo tốt hơn nơi công tư lẫn lộn.
Đáng tiếc nhất là Sacombank. Cổ đông sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành, bị suy yếu sau những thất bại của Sacomreal [khi thị trường địa ốc đóng băng sau khủng hoẳng 2008]. Gặp lúc phải đối diện với những âm mưu thôn tính bằng những công cụ phi thị trường, Sacombank, một ngân hàng đang cường tráng bị buộc phải trao cho một ngân hàng, khi ấy, đã “chết” trên thực tế.
Ông Trần Mộng Hùng là Tổng Giám Đốc đầu tiên và Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB từ năm 1994 đến 2008. Ông “điều hành ACB bằng sự thận trọng, đặt tính minh bạch lên hàng đầu”. Năm 2008, ACB đã tiên phong khi mời Cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá làm Chủ tịch bên cạnh Tổng giám đốc Lý Xuân Hải, một người trẻ tuổi, tài năng. Và, người có ảnh hưởng trong giai đoạn này phải công nhận là “Bầu Kiên”.
Trong giai đoạn này, ACB nắm bắt đúng cơ hội, tăng trưởng mạnh và đã có những bước đột phá. Nhưng giai đoạn này, “Bầu Kiên” cũng đưa ACB phát triển theo hướng gây băn khoăn, lo lắng.
Năm 2012, xảy ra vụ án “Bầu Kiên”; một vụ án mà về mặt pháp lý có rất nhiều vấn đề. Nhưng đối với ACB, đây là một tình huống không chỉ buộc ngân hàng này phải xử lý tốt khủng hoảng tức thời mà còn phải cải tổ để đưa ACB trở lại đúng với chiến lược phát triển của người sáng lập.
Con trai ông Trần Mộng Hùng, Trần Hùng Huy, năm ấy 34 tuổi, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, lên làm Chủ tịch. Ông Hùng quay trở lại HĐQT và khi ACB đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo, ông rời HĐQT về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Quản Lý Rủi Ro [2018 – 2023].
Vào những lúc mà thị trường đất đai đang sôi động nhất, ông Trần Mộng Hùng nói với tôi, ông nhận được rất nhiều lời chào mời kể cả những lời chào mời từ phía chính quyền, nhưng ACB vẫn kiên quyết không đầu tư vào địa ốc. Đây không chỉ là vấn đề nguyên tắc, đây là “sự đối lập giữa đạo đức kinh doanh và tinh thần liều lĩnh”.
Đã lâu, tôi không có dịp gặp lại ông Trần Mộng Hùng nhưng biết, ACB vẫn giữ được những giá trị cốt lõi ấy, vẫn là một ngân hàng kiên định với nghề ngân hàng chứ không sử dụng ngân hàng như một công cụ huy động vốn cho các công ty trong cùng “hệ sinh thái”.
Ông Trần Mộng Hùng ra đi thật đột ngột [chỉ vừa 72 tuổi]. Nhưng ACB không bị đặt trong tình huống bất ngờ.
Ông Trần Mộng Hùng không những nằm trong số không nhiều những nhà doanh nghiệp Việt Nam tạo được cho mình một đế chế mà còn nằm trong số rất ít người chuẩn bị cho đế chế ấy sự thừa kế; xét cả từ góc độ gia đình và xã hội.
Trong hơn 30 năm qua, thay vì liên tục bám trụ “ngai vàng”, có những thời gian ông đứng hẳn ra ngoài dành sân cho thế hệ khác. Nhưng dù đứng ở vị trí nào, ông vẫn được coi là một “người thầy nghiêm khắc”. Trước khi ra đi, vì thế, ông đã kịp xây dựng cho ACB một nền tảng quản trị hiện đại, hình thành được triết lý kinh doanh và về mặt con người, chuẩn bị được cho ACB một đội ngũ.
__________
Bài liên quan: Người sáng lập Ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng qua đời (TT). – Chân dung ông Trần Mộng Hùng: Giảng viên kinh tế, sáng lập ngân hàng và những triết lý đưa ACB thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam (CafeF).
No comments:
Post a Comment