Tuesday, July 9, 2024

VNTB – Thuận An: hễ mưa là ngập
Xuyến Chi
09.07.2024 5:29
VNThoibao



(VNTB) – Chuyện khu vực Lái Thiêu của thành phố Thuận An hễ mưa là ngập hoàn toàn không mới…

 Khoảng 15 giờ ngày 8.7.2024, những hạt mưa bắt đầu rơi nhiều hơn ở địa phận thành phố Thuận An (trước đó cũng đã có một ít, đủ để làm ướt đường). Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, nhiều con đường của khu vực Lái Thiêu, thành phố Thuận An tựa như những con sông.

Có đoạn thì “sông” nhỏ, có đoạn thì “sông” dài…

Không có gì là lạ trước tình cảnh này, với ông Tư Ếch thì ông cũng không hiểu, tại sao con đường bằng phẳng, đẹp đẽ, có nhiều đoạn gần sông, mà hễ mỗi lần mưa là ngập. Tình trạng này, có thể nói là hoàn toàn mới, nhưng theo quan sát của cư dân địa phương như ông Tư, năm nào cũng như năm nấy.

Chính phủ quy định, thành phố thuộc tỉnh được thành lập khi đạt 10 tiêu chuẩn. Cụ thể là các tiêu chuẩn: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 150.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ – du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ hai phần ba trở lên;…

Để thành lập thành phố thuộc tỉnh, chức năng đô thị của thành phố này phải đáp ứng tiêu chuẩn đô thị tỉnh lỵ trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh hoặc đô thị thuộc tỉnh, trung tâm chuyên ngành của vùng liên tỉnh, đầu mối giao thông, giao lưu của vùng liên tỉnh; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một vùng trong tỉnh, một tỉnh hoặc một số lĩnh vực đối với vùng liên tỉnh.

Theo đó, ngày 07/03/2017 Bộ Xây dựng  ra Quyết định số 114/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương là đô thị loại III.

Đến 01/02/2020, thị xã Thuận An được nâng cấp lên thành phố theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH14 ngày 10/012020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

“Cứ nghĩ lên thành phố đồng nghĩa với việc đường sá sẽ thay đổi. Thì đúng là đường phố ở khu vực Lái Thiêu ít ổ gà, ổ voi thiệt. Nhưng tình trạng ngập lụt, vẫn y như cũ, như cái thời chưa lên thành phố. Tin không, khúc nào ngập, tui đoán trúng y bóc, thậm chí, có thêm những khúc khác bị ngập nữa. Lách qua khúc khác thì lại ngập chỗ khác. Nước ngập đâu có ít, tràn lên vỉa hè, tràn vô quán cà phê luôn”, vừa mới chật vật băng qua những đoạn đường ngập nước, anh Minh Nguyễn, người tham gia giao thông lắc đầu ngao ngán.

Vừa dắt bộ, vừa cảm giác bực bội trước cảnh ngập nước, với chị Minh Ngọc thì: “Ngập hoài luôn, từ hồi còn cầu sắt, đã ngập. Mà có con đường cầu sắt thì còn né được cái khúc ngập từ khu vực bùng binh đi lên tới trạm thu phí. Cầu sắt thì tháo, giờ đâu còn lối thoát. Nó ngập không tưởng. Không lẽ chính quyền không biết? Họ biết mà để im vậy luôn đó hả? Không có biện pháp thoát nước phù hợp thì chí ít cũng cử những tổ lưu động sửa xe cho dân. Chứ vừa mưa, vừa tối, vừa ngập, người dân bị tắt máy xe, dẫn bộ mệt thấy bà”.

Câu chuyện khu vực Lái Thiêu của thành phố Thuận An hễ mưa là ngập hoàn toàn không mới, mà theo chia sẻ của anh Minh Nguyễn, chuyện đường ngập nước sau mưa vậy cũng đã hơn chục năm. Đã được lên thành phố trực thuộc tỉnh nhưng tình hình đường sá vẫn còn như ngày xưa, xem ra, có vẻ như tầm nhìn và trình độ quy hoạch đô thị của nhà cầm quyền địa phương không ổn chút nào…

 


 

No comments:

Post a Comment