Saturday, July 27, 2024

VNTB – Mua 2 chiếc xe đào/ủi, EVN đút túi 800.000 USD
Phương Ngô
28.07.2024 1:41
VNThoibao



(VNTB) – Ăn tàn phá hại rồi è cổ dân ra.

 Một gói thầu của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cao hơn giá thị trường đến 20 tỷ đồng. Chính là gói thầu số 105, được ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 ký Quyết định số 155/QĐ-NĐVT4 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 7/3/2022. 

Công ty TNHH Tuyết Nga trúng thầu với giá 33.874.500.000 đồng (hơn 33,8 tỷ đồng)

MST: 0100364480; địa chỉ trụ sở: D5c 55 lô D5 ngõ 679 Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Gói thầu 105 có 2 hàng hóa đó là Xe đào xích PC500LC-10R và Xe ủi có cày D85EX-15R của hãng Komatsu, năm sản xuất là từ 2021 trở về sau, mới 100%, xuất xứ Nhật Bản.

Xe đào xích PC500LC-10R có giá trúng thầu là 16.706.800.000 đồng. (hơn 16,7 tỷ đồng).

Xe ủi có cày D85EX-15R có giá trúng thầu là 17.167.700.000 đồng. (hơn 17,1 tỷ đồng).

Tổng giá trúng thầu của hai xe này là 33.874.500.000 đồng (hơn 33,8 tỷ đồng), bao gồm VAT.

Nhưng vào thời điểm năm 2022, giá thị trường của 2 xe này thấp hơn rất nhiều so với gia mà Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mua.

Như Xe đào xích PC500LC-10R có giá thị trường hơn 6,7 tỷ đồng, bao gồm VAT. Nhưng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mua với giá hơn 16,7 tỷ đồng, là cao hơn giá thị trường đến  9,9 tỷ đồng, thật kinh khủng!

Còn Xe ủi có cày D85EX-15R có giá thị trường khoảng 6,9 tỷ đồng, bao gồm VAT. Nhưng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mua với giá hơn 17,1 tỷ đồng, là cao hơn 10,2 tỷ đồng so với thị trường.  Như vậy, tổng tiền xe đào và xe ủi trên theo giá thị trường thời điểm đó sẽ là hơn 13,6 tỷ đồng, nhưng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mua với giá hơn 33,8 tỷ đồng, là nhiều hơn so với giá thị trường đến hơn 20 tỷ đồng.

Một phần nội dung trong báo giá từ đại diện bán hàng Komatsu tại Việt Nam cho cả hai thiết bị có model, nhãn hiệu, hãng sản xuất, năm sản xuất, xuất xứ giống với sản phẩm của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã mua, tổng giá trị hàng hóa là hơn 13,9 tỷ đồng.

Qua trao đổi, anh Q. cho biết: “Hầu hết thiết bị do Komatsu cung cấp đều vào hàng dự án, hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào mua thiết bị mới từ Komatsu mà đa số là nhập hàng đã qua sử dụng hoặc thuê lại”.

Sau khi tin tưởng, anh Q. đã gửi cho phóng viên báo giá 2 loại máy xúc và máy ủi có cùng kí hiệu, model, nhãn hiệu, hãng sản xuất, năm sản xuất, xuất xứ (là máy đào model: PC500LC-10R và máy ủi model: D85EX – 15R) giống với 2 mã hàng hóa mà nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đấu thầu mua sắm với giá lần lượt là 6.880.000.000 đồng (Bằng chữ: Sáu tỷ, tám trăm tám mươi triệu đồng) và 7.066.000.000 đồng (Bằng chữ: Bảy tỷ, không trăm sáu mươi sáu triệu đồng).

Giá này đã bao gồm thuế VAT 8% nhưng chưa có càng xới. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, anh Q. cho biết chiếc càng xới đi kèm với máy ủi model: D85EX – 15R có giá khoảng hơn 300.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba trăm triệu đồng).

Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí cho khách hàng, anh Q. tư vấn rằng, chiếc càng xới có thể xin đồng bộ theo một đơn hàng khác để “hỗ trợ”.

“Tôi có thể xin theo cái đồng bộ cũng đang đặt hàng cho Vĩnh Tân”, anh Q. khẳng định và nói sẽ trao đổi lại về việc này sau khi hợp thức hóa được các thủ tục giấy tờ liên quan.

Cũng theo lời anh Q., hàng hóa từ Nhật về Việt Nam sẽ di chuyển mất 2 tuần, ra hồ sơ thêm 2 tuần nữa là 1 tháng, sản xuất bình thường rơi vào khoảng 5-6 tháng. Như vậy, thời gian giao hàng sẽ dao động từ 6-7 tháng. Vì vậy, anh Q. gợi ý khách hàng chủ động đặt hàng cho kịp tiến độ vì “đơn hàng sản xuất hiện nay đang bị quá tải”.

Như vậy, chỉ trong một gói thầu số 105: Cung cấp xe đào và xe ủi, 100% hàng hóa mà nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có thể sẽ phải mua đắt hơn 19.928.500.000 đồng (Bằng chữ: Mười chín tỷ, chín trăm hai mươi tám triệu, năm trăm nghìn đồng).

Được biết, giá một hàng hóa thông thường có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí vận chuyển, bảo trì, bảo hành, xuất xứ, phần mềm đi kèm hay các tính năng phụ trợ khác… Tuy nhiên, chênh lệch 2 sản phẩm lên tới gần 20 tỷ đồng là một con số gây nhiều nghi vấn.

Bên cạnh việc tổ chức hoạt động đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm “tượng trưng”, nghi vấn về việc mua sắm “đội giá” hàng chục tỉ khiến dư luận có lý do để đặt câu hỏi về tính hợp lý trong việc sử dụng ngân sách nhà nước tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Đây chỉ là 1 trong nhiều gói thầu bị “thổi giá” kinh khủng tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Và nó bị tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng giá điện không?

EVN liên tục kêu lỗ, mà lỗ thì có hàng vạn lý do từ quản lý trong đó hành vi kê khống vật tư trong sản xuất và vận hành có thể là mấu chốt không hề nhỏ.

Ăn tàn phá hại rồi è cổ dân ra.

No comments:

Post a Comment