Thursday, July 18, 2024

VNTB – Giới thiệu sách của cựu TNLT Lê Anh Hùng
19.07.2024 12:43
VNThoibao


LTS – VNTB xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả chương cuối trong quyển sách ” Quyền Lực và Kiểm Soát Quyền Lực” của cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng.

Để có thể có được những nhận định trong chương cuối cùng, tác giả đã trình bày những quan điểm, khái niệm về quyền lực trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Cách trình bày khoa học và xuyên suốt giúp cho độc giả hiểu hơn về quyền lực và việc kiểm soát quyền lực trong xã hội hiện đại.

Mọi đánh giá, xin dành cho độc giả sau khi đọc xong công trình công phu này của Lê Anh Hùng.

Những người đã đọc qua sách của cựu TNLT Lê Anh Hùng đã nhận xét gì?

Một người bị coi là mắc bệnh tâm thần mà chưa đầy một năm sau khi ra tù đã viết được cuốn sách này thì quả đáng khâm phục.

TS Nguyễn Quang A

Quyền lực chính trị vốn rất khó trung tính và khách quan, tùy thuộc vào cá nhân hay tập thể giành giật và thực thi nó theo con đường nào, bá đạo hay vương đạo. “Quyền lực và vấn đề kiểm soát Quyền lực trong Xã hội” thời mạt pháp hiện nay đang thực sự là một thách thức lớn đối với giới nghiên cứu. Chúc mừng tác phẩm mở lối đầy ấn tượng! Hy vọng ở Việt Nam, “tăng đoàn” của Lê Anh Hùng sẽ ngày càng đông đảo và quan trọng nhất là sẽ không bị “giải tán”.

Đinh Hoàng Thắng

Tiến sỹ Khoa học Chính trị, Corvinus University, Budapest, Hungary (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan)

Vấn đề quyền lực ở Việt Nam hiện nay đang rất nóng, rất cần có sự lý giải cặn kẽ và hướng giải quyết đúng đắn. Tôi thấy cuốn sách “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội” có nội dung bao quát, có tính hệ thống rất cao. Tôi chưa thấy ở Việt Nam, sách tiếng Việt mà có được sự tổng hợp hệ thống như vậy.

Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, Hội Nhà văn Hà Nội (nguyên Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam)

Tôi biết Lê Anh Hùng là một dịch giả, là một nhà bình luận thời sự. Và tôi cũng biết anh đã bước đến cánh cửa nhà tù, thông qua việc điều trị “tâm thần” không hồ sơ, bệnh án. Nhưng với cuốn sách “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”, Lê Anh Hùng đã tự giới thiệu bằng một bức chân dung hoàn toàn thông minh, trí tuệ và luôn thao thức cho một xã hội có các công dân biết nhận thức đúng về thời đại mà mình đang sống.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh

Cuốn sách anh viết không tô màu cho những giá trị Tây phương, mà nêu vấn đề một cách khách quan để độc giả có thể tìm hiểu. Đây là cuốn sách về quyền lực rất đáng đọc không chỉ cho các quan chức Việt Nam, mà còn cho khối xã hội dân sự cũng như các hội nhóm khác đang mong muốn đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Nguyễn Viết Dũng, cựu TNL

*****

Chương 15 – Lựa chọn nào cho Việt Nam?

Hiện thực màu xám

Đối chiếu những gì mà nội dung cuốn sách đã bàn tới cho đến thời điểm này với thực tế ở Việt Nam, rõ ràng chính thể Việt Nam hiện nay đã vi phạm gần như tất cả các nguyên tắc cơ bản của kiểm soát quyền lực. Tất cả quyền lực trong xã hội hầu như tập trung trong tay một chủ thể độc nhất – đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng duy nhất không chỉ được phép tồn tại và hoạt động mà còn được hiến định là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (nghĩa là chính thể độc đảng, không đa nguyên đa đảng); nhà nước không được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập theo đúng nghĩa; người dân không được hưởng các quyền tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, v.v.; và hệ thống các tổ chức chính trị – xã hội và chính trị – xã hội – nghề nghiệp trên thực tế chỉ là “cánh tay nối dài” của Đảng Cộng sản (chứ không phải là các tổ chức xã hội dân sự theo đúng nghĩa), v.v.

Hậu quả của thực trạng trên có lẽ không cần phải nhắc thêm nhiều: một nền kinh tế chậm phát triển bất chấp tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn tương đối cao (tăng trưởng thiếu bền vững, thiếu thực chất) [1] ; một xã hội với nền tảng đạo đức ngày càng xuống cấp, suy đồi; tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng; xã hội ngày càng thiếu trật tự và mất an toàn; một dân chúng luôn bị đè nén, luôn phải sống trong sợ hãi, không dám mở miệng, và bất kỳ ai dám cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí trước hiện tình của xã hội và đất nước thì đều bị coi là một “tù nhân dự khuyết”…

Về mặt ngoại giao, với tiềm lực ngày càng bị Trung Quốc bỏ xa, Việt Nam luôn bị quốc gia láng giềng phương Bắc o ép đủ bề, trong khi ảnh hưởng đối với Campuchia và Lào thì ngày càng mai một, bởi hai quốc gia láng giềng phía Tây này (đặc biệt là Campuchia) đã đi theo quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là Việt Nam đang rơi vào tình cảnh bị Trung Quốc ngày một siết chặt các gọng kìm kiềm toả từ bốn hướng. Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy một cách đầy đe dọa đối với trật tự thế giới dựa trên luật pháp, Việt Nam – quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự trỗi dậy đó – không thể tồn tại và phát triển bên cạnh người láng giềng phương Bắc này nếu không thay đổi theo hướng dân chủ hoá, mở đường cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của nước nhà. Chỉ có dân chủ hoá đất nước quyền lực mới có thể được kiểm soát; chỉ có dân chủ hoá Việt Nam mới có thể trở nên hùng cường cả về kinh tế lẫn quốc phòng; chỉ có dân chủ hoá Việt Nam mới có thể thống nhất được lòng người, trong Nam và ngoài Bắc, trong nước và ngoài nước, và thực sự hoà giải, hoà hợp dân tộc; chỉ có dân chủ hoá Việt Nam mới nhận được sự tin tưởng, hợp tác và hỗ trợ thực tâm của các dân tộc tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh phương Tây. Đây là những điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể tồn tại và phát triển bên cạnh nanh vuốt của chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.

Thay đổi, nhưng theo cách nào?

Thay đổi thể chế chính trị của một quốc gia là điều hết sức không đơn giản. Một số người cho rằng cựu Tổng Bí thư Lê Duẩn từng có ý định duy trì hệ thống kinh tế ở Miền Nam trong những ngày tháng đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, làm tiền đề cho sự thay đổi hệ thống ở Miền Bắc.1 Tuy nhiên, ý định được cho là sáng suốt đó của ông cuối cùng đã không trở thành hiện thực. Có lẽ, dù ở cương vị lãnh đạo tối cao và với uy tín gần như tuyệt đối vào thời điểm đó, ông vẫn không vượt qua nổi sức ỳ của hệ thống, lực cản của các nhóm lợi ích trong bộ máy lúc bấy giờ, nhất là khi thực tiễn của đất nước nói riêng và của hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung vẫn chưa đủ giúp họ “sáng mắt sáng lòng” và bối cảnh quốc tế thì chưa thuận lợi.

Không giống như bối cảnh đất nước năm 1975, điều thuận lợi cho một sự thay đổi chính trị ở Việt Nam lúc này là tình hình khu vực và thế giới đã thay đổi, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, chỉ còn vài quốc gia theo chủ thuyết cộng sản, nhưng nước nào cũng “tiến lên chủ nghĩa xã hội” theo con đường của nước ấy, chưa kể một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã không còn che giấu dã tâm Đại Hán, mà luôn chực chờ tìm cách thôn tính một Việt Nam xã hội chủ nghĩa láng giềng, như những bài học lịch sử hàng ngàn năm qua đã dạy chúng ta.

Mặc dù phần lớn bộ máy có lẽ đều đã “sáng mắt sáng lòng” trước hiện thực đất nước và thế giới, đồng thời hiểm hoạ phương Bắc đã hiện lên lồ lộ, nhưng sự thay đổi ở Việt Nam, dù chỉ diễn ra từ từ và từng bước, xem ra vẫn hết sức khó khăn, thậm chí nhiều khi còn bị đảo ngược, như những gì chúng ta đã được chứng kiến trong vài chục năm gần đây. Nguyên nhân chính trước hết là do sức ỳ của một hệ thống già cỗi và bệ rạc, thứ hai là do lực cản của các nhóm lợi ích trong bộ máy, và thứ ba là do “bàn tay lông lá” của Bắc Kinh – các ông chủ Trung Nam Hải dĩ nhiên không muốn Việt Nam dân chủ hoá rồi đi vào quỹ đạo của Mỹ và phương Tây, mà họ muốn một Việt Nam yếu hèn, bạc nhược, dễ sai bảo, để nếu không bị thôn tính thì cũng nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của họ.

___________

Chú thích:

[1] Các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan chỉ sau 30 năm tăng trưởng liên tục đã trở thành những “con hổ Châu Á” (cả ba quốc gia hiện đều được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển), trong khi Việt Nam cũng đã tăng trưởng liên tục ở mức cao kể từ năm 1986 đến nay song mới chỉ lọt vào nhóm các quốc gia có mức GDP đầu người trung bình thấp.


 

No comments:

Post a Comment