Sunday, July 14, 2024

GS Phan Văn Trường: Có thế thôi đấy!
Thái Hạo
14-7-2024
Tiengdan

Thấy có một số bạn đang nêu quan điểm rằng, do nhiều người không nghe hết cuộc phỏng vấn mà chỉ trích ra một đoạn không đầu không cuối để phê phán giáo sư Phan Văn Trường, còn khi nghe trọn thì sẽ thấy rất thú vị và ý nghĩa, đại khái thế.

Cá nhân tôi đã nghe cuộc phỏng vấn này đến lần thứ 3, lần đầu chỉ được một nửa thì ngủ mất, lần hai thì cố mãi cũng xong. Lần 3 này thì cố gắng nghe kỹ để nắm từng chi tiết. Nhưng, thú thật, rất mệt, vì chán.

                                                                                 Tiengdan: Xem video

Cái đoạn có chữ “tủ lạnh” có lẽ nằm trong “thông điệp thứ 5 thứ 6 gì đấy” (như lời GS Trường nói), đoạn này bắt đầu từ 1:1:30 và kéo dài đến hết. Tôi cũng rất khó gọi tên của cái “thông điệp” ở đoạn này, vì cũng như các phần trước: Lan man, nhảy cóc, rối và không có sự tập trung vào chủ đề đến mức cần thiết. Tuy vậy, vẫn thử gọi tên: Dân tộc tính/ Thông điệp về tình yêu thương/ Giá trị của sự tự tin/ Sức mạnh của sự khác biệt. Tôi ưu tiên chọn cái tên sau cùng: Sức mạnh của sự khác biệt.

Logic của giáo sư Phan Văn Trường trong đoạn này, đại khái là chúng ta (người Việt/ nước Việt) phải tự tin lên, vì ta khác biệt. Ta được “ân sủng”, ta được trời ưu đãi nhất thế giới, không cần làm gì “nằm không cũng có ăn”; ta đẹp, ta thông minh nhất thế giới, ta tài giỏi nhất thế giới… Nên, hãy tự tin lên.

Hãy tự tin lên! Không cần bắt chước ai cả, cứ đi theo “tiêu chuẩn” riêng của mình. Thằng Mỹ chê ta không có tủ lạnh, ta sẽ dạy cho nó biết rằng “nước chúng tôi ăn tươi mà”, chúng tôi đâu cần tủ lạnh. Hạnh phúc của chúng tôi khác các ông, với chúng tôi 3 giờ chiều là đi nhậu, đó là cái khác biệt, cái hạnh phúc… Đại khái thế.

Và giáo sư Phan Văn Trường đặt một câu hỏi mấu chốt: “Thế thì chúng ta thiếu cái gì nữa?”; rồi ông trả lời “Có lẽ bóng đá chúng ta chưa giỏi, nhưng đấy là chi tiết” [chắc ý ông là “tiểu tiết”?]. Tóm lại ta không thiếu gì?

Đến đây, “giải pháp” mà giáo sư Trường đưa ra là: “Thành thử ra là… chúng ta phải tự tin”! Ví dụ của sự tự tin mà giáo sư Trường đưa ra là mắng thằng Mỹ khi nó chê ta không có tủ lạnh! “Tiêu chuẩn của chúng tôi là sống xuề xòa, vui vẻ, nhậu nhẹt… Cả những người đổ rác, đến 3 giờ chiều là ngồi nhậu hết cả rồi. Chúng tôi như thế. Tiêu chuẩn của chúng tôi là nước nào mà 3 giờ chiều mà chưa được đi nhậu thì đó là cái nước kém”. “Cái việc mà thầy muốn mọi người hiểu là chúng ta đừng có nhất thiết phải chọn những cái tiêu chuẩn của những cái nước mà nó tự gọi nó là văn minh, hãy chọn những tiêu chuẩn của những nước hạnh phúc. Và lúc đó chúng ta đo hạnh phúc bằng nhậu nhẹt lúc 3 giờ chiều”.

Đến đây, MC Thùy Minh đặt một câu hỏi mà tôi cho rằng quan trọng, là: Vừa rồi là chúng ta nói về việc người Việt Nam làm thế nào để tự tin… nhưng từ cái chỗ mà người Việt Nam [từng người] đến cái thương hiệu quốc gia thì nó cần cái gì? Giáo sư Phan Văn Trường “trả lời luôn”: “Bắt đầu bằng chữ tự tin và chúng ta sẽ kết thúc bằng chữ tự trọng” (ở khoảng giữa là các những chữ tự tạo, tự lập, tự cường, tự quản, tự vệ, tự hào).

Thú thật, tôi không hiểu cái tự tin của cá nhân mà thành cái tự trọng (và các “tự” khác) của một quốc gia thì nó phải đi đường nào và bằng cách nào. Vì tôi nghĩ, tất cả các phẩm chất này đều là phẩm chất của con người cá nhân; còn giải pháp cho quốc gia thì cần phải nói đến chính sách và các vấn đề của thể chế chứ nhỉ? Tuy nhiên, nghe hết video này, tuyệt đối không thấy GS Trường nhắc đến những điều kiện và các yêu cầu ấy.

“Hãy tự tin đi, hãy hồn đi, hãy tạo tình yêu xung quanh mình đi. Có thế thôi đấy” giáo sư Phan Văn Trường nói.

Tóm lại, tôi đánh giá đây là một cuộc trò chuyện (phiếm) nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ. Nó có thể là “vô thưởng” nhưng lại chứa đựng nguy cơ có “phạt”, nếu bọn trẻ hoặc người thiếu trang bị nghe phải. “Có thế thôi đấy”.


No comments:

Post a Comment