Friday, July 5, 2024

Bầu cử Quốc Hội Anh : Công Đảng thắng lớn, đảng Bảo Thủ thua đậm sau 14 năm liên tục cầm quyền
Nguyễn Giang
Đăng ngày: 05/07/2024 - 12:12Sửa đổi ngày: 05/07/2024 - 15:22
RFI

Tại Anh, theo kết quả kiểm phiếu cho đến sáng sớm hôm nay 05/07/2024, Công Đảng giành đa số tuyệt đối, với tối thiểu 410 ghế tại Quốc Hội trên tổng số 650. Đảng Bảo Thủ thua đậm, với 119 dân biểu trong khóa sắp tới. Thủ tướng Rishi Sunak cứu vãn được ghế đại biểu của ông, nhưng đã nhanh chóng nhìn nhận thất bại. Nội trong ngày hôm nay, ông đệ trình lên Quốc vương Charles Đệ Tam đơn xin từ chức, trước khi bàn giao quyền lực cho chủ tịch Công Đảng, Keir Starmer.

Keir Starmer, lãnh đạo Công Đảng Anh, phát biểu khi đảng của ông thắng cử, tại khu triển lãm Tate Modern, Luân Đôn, ngày 05/07/2024. REUTERS - Suzanne Plunkett

« Thay đổi bắt đầu ngay bây giờ ». Sir Keir Starmer, lãnh đạo Công Đảng Anh nói với cử tri ở Tate Modern, khu triển lãm tại Luân Đôn trưa Thứ Sáu, 05/07/2024, sau khi cuộc điểm phiếu cho thấy đảng của ông thắng áp đảo, chấm dứt 14 năm đảo Bảo thủ Anh cầm quyền.

Thế nhưng bên cạnh đa số áp đảo với hơn 400 nghị sĩ Hạ Viện (House of Commons) Công Đảng, theo đường lối trung tả, thì sự trỗi dậy của đảng Dân Chủ Tự Do (LibDem-66 nghị sĩ) và đảng Nước Anh Cải cách (Reform UK, thiên hữu, chống Liên Hiệp Châu Âu và chống di dân), cho thấy chính trường Anh dịch chuyển mạnh và xé lẻ ra thành nhiều khối chính trị khác nhau.

Điểm nổi bật của kỳ bầu cử này là cử tri truyền thống của đảng Bảo Thủ đã bỏ họ để chọn bỏ phiếu cho các đảng khác. Những người ôn hòa mà không hẳn theo phe tả thì chọn dồn phiếu cho đảng Dân Chủ Tự Do, còn những người thiên hữu thì bỏ Bảo Thủ để chọn Nước Anh Cải Cách.

Các hạt cử tri đông người lao động thu nhập trung bình và thấp ở vùng phía Bắc, còn gọi là Tường Thành Đỏ (The Red Wall), từng bỏ cho Công Đảng nhiều thập niên trước, nhưng chuyển sang bỏ phiếu cho Bảo Thủ hai kỳ bầu cử vừa qua, nay đã quay về với một Công Đảng đổi mới, ôn hòa hơn, đem lại cho Công Đảng hơn 60 ghế nghị sĩ.

Ở phía Nam Anh, vùng Bức Tường Xanh (The Blue Wall) truyền thống của Bảo Thủ, thì bị cả hai đảng Dân Chủ Tự do và Nước Anh Cải Cách giành phiếu.

Sự sa sút của đảng Quốc gia Scotland (SNP), nay chỉ còn 7 ghế ở Quốc Hội toàn quốc, sau các thời kỳ có hàng chục dân biểu, là chỉ dấu xu thế đòi độc lập cho xứ Scotland đã hết thời.

Thất bại của đảng Bảo thủ được cho là có khá nhiều lý do, từ các vụ lùm xùm, dối quanh của thủ tướng Boris Johnson thời kỳ Anh chống chọi với đại dịch Covid – phủ thủ tướng vẫn tiệc tùng ăn uống lén lút khi cả nước chịu lệnh cách ly, cấm tụ tập, cho tới nhiệm kỳ vài chục ngày gây bất ổn thị trường tài chính của nữ thủ tướng Liz Truss. Nhưng gần nhất đây là nhiệm kỳ mờ nhạt, đầy vấp váp trong ứng xử truyền thông của thủ tướng Rishi Sunak, người sẽ phải bàn giao chìa khóa vào số 10 Downing Street cho ông Keir Starmer của Công Đảng.  

Kinh tế Anh hậu Brexit và di dân

Tất cả các thủ tướng của đảng Bảo Thủ thay nhau cầm quyền trong 5 năm qua đều cam kết cắt giảm số người nhập cư chính thức cũng như di dân lậu vào Anh, nhưng không một ai đạt kết quả. Đây là lý do chính đem lại sự thắng lợi đáng kể cho đảng Reform của ông Nigel Farage, đòi đưa Anh ra khỏi EU, một phần để Luân Đôn tái kiểm soát biên giới. Trên thực tế, dù đổi tên, đảng này vẫn tập hợp những người Anh theo quan điểm y như vậy từ năm 2014 tới nay, tức là đòi ngăn chặn di dân và giành lại điều họ tin là chủ quyền, thậm chí quyền độc lập của Anh bị Liên Âu thu hẹp.

Nay đã có mặt trong nghị trường, ông Farage sẽ hoàn toàn có quyền thách thức chính phủ của Công Đảng bằng các sáng kiến lập pháp, chứ không cần dùng truyền thông dân túy nữa, để gây khó trong vấn đề di dân. Nigel Farage đã vừa đe dọa : « Chúng tôi đang xông tới phía Công Đảng - We are coming for Labour ».

Kinh tế còn yếu kém dù thoát suy thoái cũng là vấn đề mà các đảng đối lập sẽ gây sức ép lên Công Đảng. Mà kinh tế yếu thì căng thẳng liên quan đến di dân lại càng dễ bị các đảng thiên hữu, bài ngoại, các phái phân biệt chủng tộc, tuy kín đáo ở Anh, khai thác. Bởi vậy, giành quyền thì dễ, nhưng cầm quyền sẽ không đơn giản với ban lãnh đạo Công đảng, vốn đã không cầm quyền gần 15 năm qua, và sẽ thiếu kinh nghiệm.

Điều an ủi duy nhất nghe được từ người ở Anh, cũng như những người Anh ở nước ngoài bỏ phiếu kỳ này qua bưu điện, là sau các làn sóng phe hữu và cực hữu dâng lên trên toàn châu Âu lục địa, cụ thể là trong Liên Hiệp Châu Âu, Anh lại đi con đường riêng, gần như là ngược lại với việc chọn Công Đảng cánh tả lên cầm quyền.

Hệ quả của việc này ra sao, nhất là trong quan hệ của tân chính phủ Anh với Pháp, Đức và toàn Liên Âu những tháng tới thì còn phải chờ xem mới rõ. 

No comments:

Post a Comment