Tuesday, July 9, 2024

VNTB – Mua bán thông tin cá nhân: chuyện lớn nhưng ít người quan tâm
Mỹ Tiến
09.07.2024 3:36
VNThoibao



(VNTB) – Việc rao bán dữ liệu thông tin cá nhân tràn lan là tiếp tay cho bọn lừa đảo tiếp cận nạn nhân, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Tình trạng thông tin cá nhân bị mua bán tràn lan trên mạng là một vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra tại Việt Nam. Dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng bị rao bán công khai trên không gian mạng, và hậu quả của việc này không chỉ là phiền phức mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người.

Trong thời đại mạng xã hội hóa, việc rao bán dữ liệu thông tin cá nhân của các công ty, doanh nghiệp, cá nhân một cách tràn lan vô tình tiếp tay cho bọn lừa đảo lên kịch bản tiếp cận nạn nhân, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chỉ cần tìm kiếm trên Google hoặc mạng xã hội với từ khóa “mua thông tin cá nhân,” hàng nghìn kết quả sẽ xuất hiện. Có nhóm riêng tư chuyên mua bán thông tin cá nhân với hơn 20 nghìn thành viên tham gia. Dữ liệu này bao gồm tên tuổi, địa chỉ, số căn cước công dân, thậm chí còn khuyến mãi ngành nghề nếu cần.

Nguyên nhân chính của việc dữ liệu cá nhân được mua bán thoải mái là do thiếu ý thức và nhận thức. Nhiều người sử dụng internet chưa coi trọng dữ liệu cá nhân của mình khi chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, thẻ căn cước, bằng lái xe… công khai trên mạng xã hội mà không có biện pháp bảo vệ.

Trong khi đó các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có biện pháp bảo vệ dữ liệu chặt chẽ. Dữ liệu khách hàng thường không được bảo vệ đủ chặt, tạo kẽ hở để rò rỉ thông tin cá nhân. Có những trường hợp nhân viên sau khi chuyển công việc đã lợi dụng vị trí trước đó để rao bán thông tin khách hàng.

Ngoài ra do thiếu công cụ pháp lý chuyên sâu, đủ sức răn đe dù Việt Nam có nhiều quy định bảo vệ thông tin cá nhân.  

Tại Việt Nam, không khó mua những thông tin cá nhân như số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Hằng ngày người dân đều ít nhiều nhận được những cuộc gọi lừa đảo rất tinh vi. Bọn chúng giả danh công an, nhân viên chi cục thuế, nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Để tạo niềm tin cho nạn nhân, bọn chúng đã đọc rõ các thông tin cá nhân như số căn cước công dân, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, sau đó dẫn dắt nạn nhân vào kịch bản do bọn chúng dựng lên để dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Báo Vietnamnet đưa tin vụ một khách hàng đã mất 26,5 tỷ đồng tại 2 ngân hàng Techcombank và Vietcombank. Theo cáo trạng thì vào tháng 4/2022 bà C, 50 tuổi nhận được điện thoại của 2 người tự xưng là cán bộ công an, nêu rõ thông tin cá nhân của bà với cáo buộc bà gây tai nạn giao thông, rửa tiền liên quan đến chất cấm. Sau đó yêu cầu bà cài đặt phần mềm có mã độc, rồi mở 2 tài khoản tại Techcombank và Vietcombank, chuyển vào đó 26,5 tỷ đồng để chứng minh trong sạch. Mua điện thoại khác để liên lạc qua Viber với họ. Sau đó vài ngày bà kiểm tra lại 2 tài khoản thì số tiền 26,5 tỷ đã “bốc hơi”.

Không chỉ riêng những người có nhiều tiền trong tài khoản, thậm chí những lao động bình thường cũng từng nhận những cuộc gọi lừa đảo nói họ bị lộ thông tin bảo mật ngân hàng yêu cầu họ đăng nhập lại tài khoản, đổi password để an toàn. Nhưng sau khi đổi xong mật mã, tiền trong tài khoản của nạn nhân cũng không cánh mà bay.

Trao đổi với phóng viên, chị T xin được giấu tên vì lý do an ninh cho biết: Việt Nam quá lỏng lẻo trong việc bảo mật thông tin khiến thông tin bị buôn bán tràn lan. Thay vì mạnh tay xử lý việc mua bán thông tin, họ lại đi ra sức thu thập thông tin cá nhân và sinh trắc học của người dân. Họ nói như vậy sẽ tránh tình trạng lừa đảo, nhưng tôi lại thấy họ đang kiểm soát chặt chẽ người dân nhiều hơn, tình trạng lừa đảo thì vẫn diễn ra hằng ngày và họ không có đưa ra được biện pháp ngăn chặn cụ thể nào.

Hiện tại pháp luật Việt Nam tuy có nhiều quy định bảo vệ thông tin cá nhân nhưng không đủ răn đe, chưa có chế tài xử lý đầy đủ và cụ thể như thế nào, việc mua bán dữ liệu cá nhân vẫn diễn ra công khai, liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm. Người dân thì hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn loại lừa đảo khác nhau. Một khi mất tiền và tài sản thì cũng không có cách thu hồi hoặc cũng chỉ có thể thu hồi một phần nhỏ tài sản.

Người dân phải tỉnh táo trước các loại lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi, biết rõ cách bảo vệ các thông tin cá nhân của mình để tránh tiền mất tật mang.

 


 

No comments:

Post a Comment