VNTB – Cần coi lại tất cả bằng cấp mà Đại học Luật Hà Nội đã cấpCảnh Chân
01.07.2024 6:58
VNThoibao
Sau những phát biểu hàm hồ về luân hồi, đầu thai chuyển kiếp, Thích Chân Quang – Vương Tấn Việt đã bị cấm thuyết giảng trong 2 năm. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cấm ông này tham gia các sự kiện tập trung đông người tại tất cả các địa điểm chùa chiền, khu vực công cộng trong vòng 2 năm.
Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đây thì quá tốt cho Vương Tấn Việt, kẻ đã tự nhận là cháu ruột của Hồ Chí Minh. Nhưng có lẽ ông Việt đã tạo nghiệp quá nhiều (theo cách nói mà ông ta thường thuyết giảng) nên bây giờ nhận quả báo nhãn tiền. Cộng đồng mạng đã vạch ra nhiều vấn đề trong bằng cấp của ông này như học đại học hệ tại chức, học tiến sĩ chỉ trong hai năm và có dấu hiệu hối lộ nhà trường bằng tiền công đức của người dân.
Cụ thể, Vương Tấn Việt sinh năm 1959, nhưng tới năm 1989 mới tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc văn hoá. Có bằng đại học Ngoại ngữ năm 2001 (chưa rõ hình thức đào tạo). Tới năm 2017, Việt bắt đầu học văn bằng 2 tại đại học Luật Hà Nội theo hình thức vừa làm vừa học. Tuy mang danh đại học Luật Hà Nội, nhưng thực ra là học tại cơ sở liên kết ở Cao đẳng Bách Việt (Sài Gòn).
Tới ngày 15/01/2019, thì Vương Tấn Việt tốt nghiệp cử nhân ngành luật vừa làm vừa học loại giỏi. Và ngày 26/12/2019, mới chính thức trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật hiến pháp – hành chính. Chưa đầy 2 năm sau,ngày 09/12/2021, Vương Tấn Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đại học Luật Hà Nội.
Cần lưu ý là trong 2 năm này, Việt Nam thực hiện chính sách phong tỏa vô cùng khắc nghiệt để chống dịch Covid-19. Nên chuyện ông Việt ở Vũng Tàu mà bay ra Hà Nội học và nghiên cứu là chuyện vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể.
Bên cạnh đó, theo quyết định số 2744 của Trường Đại Học Luật Hà Nội thì có quy định thời gian đào tạo từ cử nhân lên thẳng tiến sĩ là 48 tháng. Nếu nghiên cứu sinh có đơn xin rút ngắn thời hạn đào tạo thì chỉ được cắt bớt tối đa là 12 tháng, tức là thời hạn đào tạo tối thiểu phải là 36 tháng. Vậy mà từ lúc ông Việt nhập học tới lúc hoàn thành luận văn chỉ chưa đầy 24 tháng.
Trong khi đó, để có thể học thẳng lên tiến sĩ thì ngoài bằng đại học loại giỏi, thì phải có ít nhất 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus. Theo công bố của đại học Luật Hà Nội thì Vương Tấn Việt đã có 1 báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017. Tức là ngay trong năm đầu tiên học văn bằng 2, Vương Tấn Việt đã có bài báo cáo khoa học. Dĩ nhiên, tự thân làm được thì là chuyện hi hữu, nhưng nếu thuê người làm thì không khó, miễn là có tiền, và trụ trì chùa Phật Quang không thiếu tiền.
Tuy không có có bằng chứng về việc Vương Tấn Việt mua bằng, hay mua điểm, hay thuê người viết luận án, nhưng có hình ảnh chứng minh Vương Tấn Việt đã chi tiền tài trợ cho Đại học Luật Hà Nội trong lúc còn là học viên tại trường. Ngày 26/4/2022, Vương Tấn Việt đã tặng bộ thiết bị phòng tập trị giá gần 130 triệu đồng cho trung tâm Gym & Yoga của đại học này. Đây có thể coi là một hình thức hối lộ tinh vi để đạt kết quả cao cấp tốc.
Ngoài ra, số tiền này có lẽ không phải do người tu hành như ông Việt làm ra mà từ tiền công đức của người dân cúng dường cho nhà chùa. Việc dùng tiền công đức của người dân đi tài trợ cho nơi khác dưới tên cá nhân thì rõ ràng là một hình thức tham nhũng cả tiền lẫn danh tiếng. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết này thì chưa thể bàn sâu hơn.
Quay lại chuyện hối lộ cho trường học, thì không phải chỉ là tiền. Với tư cách là trụ trì chùa Phật Quang, Vương Tấn Việt còn có thể “hối lộ tâm linh” cho các giảng viên mê tín. Trong buổi lễ tri ân thầy cô giảng viên đại học Luật Hà Nội, Vương Tấn Việt, ở vai trò là học viên, đã đứng tặng hoa cho các thầy cô của mình, đáng nói là các thầy cô lại quỳ lạy Vương Tấn Việt để được Việt tri ân. Đây rõ ràng là hình thức hối lộ tâm linh, khi Vương Tấn Việt lợi dụng đức tin mù quáng của giảng viên để đổi chác với bằng cấp học hàm học vị.
Chính vì được hối lộ và u mê mù quáng như vậy, nên đại học Luật Hà Nội đã bất chấp quy định để đẩy nhanh tiến độ tốt nghiệp của Vương Tấn Việt. Sau khi bị phát hiện thì trường này đã ngoan cố bảo vệ ông Việt tới cùng trong các buổi trả lời báo chí. Cũng phải hiểu rằng nếu không cố gắng bảo vệ ông Việt, thì nhà trường đã thừa nhận có sai phạm trong đào tạo và cấp bằng.
Như vậy, mở rộng vấn đề thì rất cần phải coi lại quy trình tuyển sinh, đào tạo, thi cử tại trường đại học Luật Hà Nội. Tính tới tháng 7 năm 2023, trường này đã đào tạo ra hơn 90 ngàn cử nhân, 4.501 thạc sĩ và 316 tiến sĩ. Rất nhiều trong số này đã trở thành cán bộ nhà nước, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước như quốc hội, chính phủ, tòa án, viện kiểm sát; và nhiều cơ quan tổ chức, đơn vị ở các địa phương.
Nếu một trường đại học lớn, có ảnh hưởng toàn diện tới cả đất nước như vậy mà lại dễ xảy ra sai phạm, đào tạo bất chấp và trao bằng tùy tiện thì vô cùng nguy hiểm cho quốc gia. Tòa án sẽ gây ra nhiều oan sai, quốc hội ban hành những điều luật bất công. Các cán bộ tại địa phương thì dốt nát, không có kiến thức để phục vụ người dân. Còn lãnh đạo trung ương “lấy bằng” từ cái lò đó sẽ thành những con mối chúa phá hoại cơ đồ dân tộc.
Cho nên, việc thanh tra trường đại học Luật Hà Nội là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, nếu cán bộ thanh tra cũng tốt nghiệp từ đại học này ra, thì chẳng còn gì để nói…
No comments:
Post a Comment