Tuesday, July 16, 2024

VNTB – Cần cân nhắc đưa xyanua vào danh mục hoá chất bị cấm bán?
Lê Tự Do
16.07.2024 11:39
VNThoibao



(VNTB) – Với việc buôn bán sử dụng trái phép xyanua hiện nay, dường như các mức phạt chưa đủ để làm cho những người buôn bán chất độc hại này phải sợ!

Vụ việc người phụ nữ ở Đồng Nai dùng xyanua đầu độc 4 người thân đang làm rúng động đến nhiều người. Bà Nguyễn Thị Hồng Bích, 38 tuổi, bước đầu thừa nhận đã dùng xyanua đầu độc chồng và 3 cháu ruột trong 10 tháng qua.

Ngày 7/7, sau hai hôm bị bắt tạm giam về hành vi Giết người, Bích thừa nhận, ngoài việc dùng xyanua đầu độc Long – cháu ruột 18 tuổi, còn sát hại em của Long, một người cháu khác và chồng của nghi phạm.

Cũng xin được nói sơ qua về xyanua. Axit xyanhydric là axit mạnh nhất, có thể hòa tan được tất cả kim loại, kể cả kim loại trơ nhất là vàng. Người bị ngộ độc xyanua có triệu chứng nhẹ là nóng lưỡi, đau đầu, đau bụng, nôn; nặng thì hôn mê, suy tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong nhanh sau vài giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.

“Chất độc này tôi thường hay xem mấy phim trinh thám hoặc trong truyện tranh Conan cũng có đề cập. Tưởng rằng chỉ có ở trên phim hay trong truyện. Không ngờ ngoài đời thật cũng có. Quá độc ác và tàn nhẫn. Mà người đàn bà này mua xyanua từ đâu? Sao lại dễ dàng cho một người dân bình thường mua hoá chất độc hại như vậy? Bà này chắc chắn là phải xử tội với khung hình cao nhất rồi. Bên cạnh đó, tôi nghĩ, cũng cần truy vấn rõ nguồn gốc của hoá chất, bà ta mua từ đâu? Ai là người bán? Hoá chất ở đâu họ có để bán? Tại vì theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, xyanua không được phép bán tràn lan cho người dân”, bà Hai, một người dân ở Bình Dương bức xúc.

Là hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nhưng cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các điều kiện của Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113. Nghĩa là muốn kinh doanh hóa chất này, cần phải có giấy phép đặc biệt, còn muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán.

Có thể thấy, dù được ràng buộc bằng luật, nhưng với một hoá chất độc hại mà thị trường sản xuất công nghiệp lại có nhu cầu lớn, kể ra cũng không phải là dễ trong công tác quản lý. Song, chẳng lẽ vì lý do đó mà “bó tay”? Rồi trong tương lai, sẽ còn bao nhiêu trường hợp tương tự như ở Đồng Nai khi cái ác lên ngôi, lấn át cả cái “nhân chi sơ tính bản thiện”?

“Tôi nghĩ cần phải siết chặt hơn nữa. Cái quan trọng là nguồn đâu để họ có rồi họ bán? Khi luật đã quy định rõ ràng, phải có giấy phép đặc biệt mới mua được. Những vụ án liên quan đến hoá chất này, nhất là đầu độc người thân, thật sự gây rúng động. Vì thế cần làm nghiêm túc, vá ngay các lỗ hình trong việc quản lý hóa chất để nhiều người không phải bỏ mạng một cách oan uổng nữa”, bà Hai nói tiếp.

Với việc buôn bán sử dụng trái phép xyanua hiện nay, dường như các mức phạt chưa đủ để làm cho những người buôn bán chất độc hại này phải sợ!

Trước mắt, có lẽ nên truy vấn rõ nguồn gốc xyanua trong vụ việc ở Đồng Nai và đưa lên mức phạt cao nhất? Và cần thiết đặt xyanua là chất hạn chế đặc biệt, từ đó có cơ sở pháp lý để siết chặt quản lý cũng như nâng cao mức phạt răn đe.

No comments:

Post a Comment