Tuesday, July 16, 2024

VNTB – Bán bảo hiểm nhưng quên bán quyền lợi
Châu Nam Việt
17.07.2024 2:33
VNThoibao


(VNTB) – Bỏ ra mua bảo hiểm y tế mà không được hưởng quyền lợi.

 Theo báo cáo của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.(1) Nhà nước Việt Nam cho rằng những con số này thể hiện nỗ lực trong việc giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế và an sinh xã hội. Việt Nam coi việc mở rộng diện bao phủ BHYT là một “thành tựu to lớn”, nhưng nghịch lý đáng lo là tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị BHYT vẫn diễn ra phổ biến.

Để tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội của Nhà nước thì người dân phải bỏ tiền mua chứ không phải được cho không. Nhưng bỏ tiền mua BHYT rồi vẫn không được hưởng đủ quyền lợi khám chữa bệnh. Như vậy, bệnh nhân mua BHYT được hưởng lợi gì từ các chính sách, chế độ an sinh xã hội mà nhà cầm quyền đang rao bán?

Mới đây, tại phiên họp 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân tại sao Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo không thiếu thuốc nhưng thực tế các bệnh viện, cơ sở y tế vẫn rất khó khăn, người dân vẫn phải đi mua ở ngoài một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế.(2)

Tại sao lại có sự bất cập giữa báo cáo của Bộ trưởng Y tế và thực tế thiếu hụt thuốc tại các bệnh viện như vậy? Liệu có hay không sự mập mờ bất chính và lợi ích nhóm?

Trước hết, việc Bộ trưởng Y tế khẳng định không thiếu thuốc trong khi các bệnh viện vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt cho thấy sự thiếu minh bạch và không trung thực trong báo cáo. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự chênh lệch giữa báo cáo chính thức và thực tế tại cơ sở. Báo cáo láo, làm giả số liệu vốn là chuyện bình thường ở Việt Nam ngày nay.

Đáng nói ở đây là việc người dân phải tự mua thuốc ngoài mặc dù đã đóng bảo hiểm y tế là một sự bất công. Bởi người dân đã đóng tiền bảo hiểm với hy vọng được chăm sóc y tế đầy đủ, nhưng thực tế họ lại phải tốn thêm tiền để mua những loại thuốc lẽ ra phải được cung cấp miễn phí. Điều này không chỉ gây thêm gánh nặng tài chính mà còn đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống bảo hiểm y tế. 

Rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi thấy rõ rằng thiết bị y tế và thuốc thì thiếu không đủ chủng loại cấp cho dân mà phí BHYT cứ tăng mỗi năm. Mới đây, 1/7/2024 lại tiếp tục tăng cao, những người lao động nghèo nghĩ tới cảnh vô bệnh viện là lại lo sợ.

Tại một số bệnh viện thì những năm gần đây luôn gặp tình trạng thiếu trước hụt sau, khi thì hết hóa chất lúc thì hết thuốc. Lâu lâu có vài đợt phân phối nhỏ lẻ nhưng thuốc chỉ phát được nửa tháng rồi lại hết. Bệnh nhân bắt buộc phải đi mua ở ngoài. Và có một thực tế là thuốc ngoài tư nhân thì bao la mà không hiểu sao bệnh viện lại thiếu?!

Cho nên vấn đề bây giờ không phải là cần những số liệu trung thực để người dân nắm rõ tình hình mà phải coi lại trách nhiệm của ngành y tế và những người quản lý thị trường, các lãnh đạo bệnh viện. Không thể để chuyện người dân có BHYT mà vẫn phải mua thuốc ở ngoài được, như vậy thì cần BHYT để làm gì? Hay bởi vì các nhà thuốc cũng là sân trước, sân sau của ai đó nên lại thông đồng với bệnh viện để móc túi dân nghèo trong lúc túng quẫn, bệnh tật?

 

______________

Tham khảo:


 


 

No comments:

Post a Comment