Sunday, July 14, 2024

VNTB – 11 người chết vì sạt lở và 65 ngàn hecta rừng bị “mất tích”
Dân Trần
15.07.2024 2:51
VNThoibao



(VNTB) – Nhà chức trách tỉnh Gia Lai phát hiện 65.000 hecta rừng bị biến mất.

 Trong một ngày, có hai sự kiện xảy ra cách nhau hàng ngàn cây số tưởng chừng không liên quan nhưng lại là nguyên nhân và hậu quả của nhau. Ở Hà Giang, một tỉnh miền núi Tây Bắc, đất đá sạt lở khiến 11 người chết. Ở Gia Lai, một tỉnh Tây Nguyên, nhà chức trách phát hiện 65.000 hecta rừng bị mất.

Khoảng 4h sáng ngày 13/7, một chiếc xe khách 16 chỗ đang chạy trên quốc lộ 34 từ TP. Hà Giang sang Cao Bằng thì gặpị đất đá sạt lở. Ngay lúc đó, nhiều hành khách và người dân đi đường đã cùng đẩy xe ra khỏi chỗ sạt lở. Nhưng bất ngờ khoảng 50.000 m3 đất đá ở vạt núi sạt xuống, nhiều người không chạy kịp, bị vùi lấp. Cho đến tại thời điểm viết bài, đã có 11 người chết được đưa ra khỏi đống đất nhão, 4 người đang cấp cứu và 2 người mất tích (nghi là không qua khỏi). (1)

Cũng trong ngày 13/7, báo Tuổi Trẻ đưa thông tin tỉnh Gia Lai phát hiện gần 65.000ha rừng tự nhiên bị mất sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Ông Lưu Trung Nghĩa (giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai) giải thích rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới mất rừng. Trong đó có 130ha được xác định do lâm tặc phá; 94ha giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Ngoài ra, phần lớn diện tích rừng tự nhiên giảm do sai sót trong quá trình kiểm kê rừng trước đó mà khi rà soát điều chỉnh 3 loại rừng chưa được điều tra, cập nhật lại. Trong đó có 5.154ha diện tích rừng tự nhiên giảm khi rà soát do sai sót nay chuyển thành rừng trồng và cây trồng chưa thành rừng. 10.117ha diện tích rừng tự nhiên giảm khi rà soát cập nhật sai hiện trạng, đánh giá là đất trống có cây gỗ tái sinh. Và có 50.588ha diện tích rừng tự nhiên giảm do dữ liệu đầu vào sử dụng kết quả kiểm kê rừng năm 2014 chưa chính xác. (2)

Như vậy, cơ quan chức năng xác nhận là có tình trạng số liệu dữ liệu đầu vào không chính xác. Nhưng không chính xác ở đâu thì họ không nói rõ. Và con số chưa chính xác lên tới hơn 50 ngàn hecta rừng, chứ không phải vài ba mét vuông. Rất cần phải coi lại rằng có hay không chuyện báo cáo láo, làm giả số liệu để chiếm đoạt ngân sách quốc gia.

Một là cán bộ phụ trách quản lý và bảo vệ rừng cố tình thay đổi, làm giả số liệu để che đậy các hoạt động khai thác rừng trái phép. Hai là con số ban đầu đã bị làm giả để tham nhũng tiền quản lý bảo vệ rừng. Ba là có sự tiếp tay giữa các bên thanh tra, bảo vệ, quản lý rừng cũng như chính quyền địa phương. Những số liệu sai lệch này chắc chắn sẽ khiến cho việc quản lý và bảo vệ rừng không còn hiệu quả. Các hoạt động khai thác rừng trái phép không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dẫn đến tình trạng mất rừng ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó cũng cần phải coi lại năng lực bảo vệ rừng của các cán bộ hiện nay. Nhiều người chưa được đào tạo bài bản về lâm nghiệp, sinh thái học và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Cán bộ kiểm lầm thiếu hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của rừng, không có khả năng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án bảo vệ rừng. Người có trách nhiệm bảo vệ rừng lại vô trách nhiệm và không có đạo đức nghề nghiệp, tiếp tay cho lâm tặc.

Dĩ nhiên không thể không nói tới những chủ trương sai lầm trong chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương. Hầu như tất cả các lý do đều tới từ con người, lãnh đạo nhà nước, chủ trương chính sách. Thế nhưng cứ mỗi lần sạc lở hay lũ lụt thì cứ đổ lỗi cho thiên tai thì không thể chấp nhận được.

Và thật ra đây không phải là vấn đề mới, hậu quả của việc tàn phá rừng cũng không phải là cán bộ không biết, nhưng thay vì tìm cách giải quyết, họ lại tìm lý do để đổ lỗi…

——————-

Tham khảo
(1) https://vnexpress.net/sat-lo-vui-xe-16-cho-8-nguoi-chet-4769474.html
(2) https://tuoitre.vn/so-nn-ptnt-gia-lai-giai-trinh-gi-ve-65-000ha-rung-tu-nhien-bi-mat-20240713104923334.htm


 

No comments:

Post a Comment