Thanh Hằng - Ăn trông nồi, ngồi trông hướngdimanche 28 juillet 2024
Thuymy
Trên TikTok có tài khoản đăng clip lúc anh này xô đẩy ở lễ tang, và đến tối qua đã nhận về khoảng 60 nghìn like với hàng nghìn bình luận chửi rủa thậm tệ.
Tôi nghĩ rằng dư luận lên tiếng là rất cần thiết, vì những vụ việc tương tự diễn ra khá nhiều, nhưng vì không truyền hình trực tiếp, nên người dân không thấy vướng mắt để mà bức xúc. Vấn đề này tôi từng viết nhiều năm trước, nay vẫn thấy cần nhắc lại.
Do công việc, tôi nhiều lần dự lễ dâng hương của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở đền Hùng và lần nào cũng thấy phóng viên chụp ảnh đứng ngay trước bát hương ở cửa điện - nơi các lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ và các bô lão đang kính cẩn cúi lạy dâng hương.
Một lần, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng hương ở sân trước cửa đền Thượng. Vừa mới giơ nén hương lên thì có cậu đứng ở trong đền lao xuống sát trước bát hương để chụp ảnh, trong khi chúng tôi đứng trong đền phải né vào sau cánh cửa để tránh người ta ... bái mình.
Mấy anh mặc đồ an ninh không phản ứng gì, nhưng một anh cận vệ mặc thường phục lao theo tóm lại, gằn giọng: "Chúng mày đứng thế để người ta lạy chúng mày à?" (Chắc điên tiết quá lên mày tao). Cậu chụp ảnh kia như rắn mồng năm, quay ngay lại, từ lúc đó ý tứ hơn, không dám có hành động bất kính nào nữa.
Nhiều lần dự lễ dâng hương ở gò Đống Đa cũng thế, khi các lãnh đạo và các bô lão kính cẩn dâng hương, cúi lạy thành kính, là có mấy cậu đứng trước bát hương chụp. Rõ là lúc ý mọi người lạy cậu ta chứ còn gì!
Lần khai mạc một sự kiện ở Bảo tàng CAND, trong khi các phóng viên tự nguyện nhìn nhau, dàn ngang để tất cả cùng chụp được, thì một cậu cầm máy quay đứng cmn lên trên, sát chỗ cắt băng. Rồi cậu ý còn chạy loăng quăng bên nọ nên kia, như cậu ý "là một, là riêng, là tất cả", khiến các phóng viên còn lại đều rất bức xúc vì không chụp được, nhưng không ai muốn to tiếng ở chỗ đông người.
Một số người giải thích là vì công việc, nên người chụp phải đứng thế để chụp các bức ảnh có chất lượng. Nhưng xin hỏi: Nếu khi ông bà, bố mẹ, họ hàng các bạn ấy đang cúng bái lúc giao thừa hay giỗ chạp, các bạn ấy có dám đứng sát trước bát hương, bàn thờ để chụp, rồi ông bà cha mẹ lạy mình không? Hay là bị chửi cho, chưa kể vớ phải ông bố nóng tính còn ăn mấy cái bạt tai?
Hoặc ở các sự kiện tôn giáo của các nước khác, các bạn có dám lấy lý do công việc để đứng trước chỗ người ta tôn kính nhất, nơi thờ cúng thiêng liêng nhất, để chụp không? Nó đánh cho vỡ thớt mà vớ vẩn khéo đi tù chứ đùa à! Ở Việt Nam, an ninh ít nhiều còn nể báo chí đó.
Theo tôi, phía sau các bát hương như ở Đền Hùng, gò Đống Đa đều là các vị trí cao, nên tay máy chuyên nghiệp (hầu hết đều có máy ảnh xịn) không nhất thiết phải đứng sát vào bát hương mới có ảnh đẹp. Mà năm nào cũng mỗi cảnh chụp đại biểu trước bát hương, không thấy nhàm và thiếu sáng tạo à?
Từ vụ việc người chụp ảnh ở lễ tang tổng bí thư khiến dư luận bất bình, thiết nghĩ, các cơ quan báo chí rất cần phải quy định phóng viên làm sao đảm bảo được công việc, nhưng khi tác nghiệp cũng phải có văn hóa. Đặc biệt là ở các sự kiện có tính nghi thức tâm linh, nơi mà "quan trên trông xuống, người ta trông vào"!
Các cụ dạy rồi: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Một người chê còn có thề bao biện, nhưng khi đã thành dư luận rồi, thì nhất định cần nhìn lại mình và nghiêm túc sửa chữa.
Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi nghề báo - nhất là với phóng viên ảnh và quay phim chuyên nghiệp, tác nghiệp ở các sự kiện lớn của đất nước - phải được trang bị hiện đại hơn nữa, để không cần đứng lù lù trước các vị trí rất quan trọng, vẫn có hình ảnh như ý.
Ảnh: VIP cũng “tâm linh” phết! Ở lễ hội đền Hùng năm ấy khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thấy cây sưa dự định để ông trồng không được tươi tốt, ông đã đòi thay cây. Dù đã được giải thích cây sưa này đã trồng 15 năm nên chắc chắn sống, nhưng ông vẫn đổi cây.
THANH HẰNG 28.07.2024
No comments:
Post a Comment