Saturday, July 13, 2024

Thái Hạo - Tiêu chí nào cho hạnh phúc và văn minh ?
samedi 13 juillet 2024
Thuymy


“Phải nói với thằng Mỹ rằng, tôi không cho phép bạn đo chúng tôi bằng tiêu chuẩn của các bạn. Và chúng ta đừng có nhất thiết phải chọn những cái tiêu chuẩn của những nước mà nó tự gọi là những nước văn minh. Hãy chọn tiêu chuẩn của những nước hạnh phúc”.

Không bàn về chuyện Việt Nam có cần tủ lạnh hay không, nhưng tôi đồng ý với câu trên đây của giáo sư Phan Văn Trường.

Nhưng đấy là đồng ý dựa trên mặt câu chữ thuần túy, tức là trên logic của ngôn từ. Một nước nào đó nếu tự cho mình là văn minh rồi áp đặt cho người khác thì tất nhiên ta “đừng có nhất thiết phải chọn”; tôi cũng thích tiêu chuẩn về hạnh phúc và việc theo đuổi một xã hội hạnh phúc. Nhưng lại phải làm rõ thế nào là “quốc gia hạnh phúc” trước khi kết luận nước ta có hạnh phúc hay không và hạnh phúc ở mức độ nào, theo khái niệm ấy.

Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên Hiệp Quốc khi xếp loại “hạnh phúc của các quốc gia” đã dựa trên các chỉ số thuộc các tiêu chuẩn cụ thể như: GDP đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn, mức độ tham nhũng... Nếu nhìn vào đây thì Việt Nam có phải quốc gia hạnh phúc hay không, và hạnh phúc ở vị trí thứ mấy trên bảng xếp hạng của SDSN?

Theo đây, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam thay đổi như sau theo một số mốc thời gian. Ví dụ: Năm 2022 ở vị trí thứ 77 trong tổng số 150 quốc gia được khảo sát, năm 2023 là vị trí 65, năm 2024 giữ vị trí 54. Trong bảng xếp hạng này của SDSN, đứng đầu thường là các nước Bắc Âu. Cũng cần lưu ý, Mỹ luôn nằm trong nhóm 20 nước có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới (chỉ trừ năm 2024 là bị lọt ra khỏi “top” 20 này).

Như thế, có nghĩa rằng, Mỹ hạnh phúc hơn Việt Nam nếu dựa trên các tiêu chí của Liên Hiệp Quốc. Cũng xin lưu ý, Nhà nước và báo chí nhà nước Việt Nam thường luôn tự hào về sự thay đổi của những con số xếp loại như trên, bạn có thể tìm đọc để thấy điều đó.

Chỉ số và thứ hạng hạnh phúc của Việt Nam có sự “cải thiện” theo thời gian, điều ấy đã rõ. Nhưng nếu thấy rằng mình hạnh phúc hơn Mỹ, thậm chí hạnh phúc nhất thế giới và lấy đó làm điều mãn nguyện (như cách nói của giáo sư Phan Văn Trường) thì dường như đã rơi vào “tự sướng”, bất chấp thực tế khách quan.

Cũng có thể trong khi phát biểu câu trên, giáo sư Phan Văn Trường đã không căn cứ vào các chỉ số và tiêu chí về “quốc gia hạnh phúc” của Liên Hiệp Quốc, mà chỉ căn cứ vào quan niệm cá nhân của ông về hạnh phúc.

Nếu đúng vậy thì khó bàn lắm, bởi hạnh phúc xét trên cảm nhận/ cảm xúc cá nhân thì gần như chả có tiêu chuẩn nào cả ngoài cảm giác hài lòng. Mà hài lòng thì muôn vàn kiểu, có người phải giàu mới hài lòng, có người lại phải “tri túc” mới hài lòng, có người phải mang đồng hồ tiền tỉ mới vui, có người lại thấy phiền hà nếu phải mang nó trên tay...

Nếu xét hạnh phúc dựa trên cảm nhận cá nhân thì tôi có một quan sát thế này: cộng đồng nào có dân trí càng thấp thì càng dễ thấy mình hạnh phúc. Mức độ hài lòng thường tỉ lệ nghịch với nhận thức: nhận thức càng cao thì càng ít hài lòng. Tháp nhu cầu Maslow là một tham khảo tốt cho ý này.

Cũng thế, nếu xét hạnh phúc dựa trên cảm nhận cá nhân thì khi các “giá trị giải phóng” như bình đẳng, tự do vắng bóng trong mỗi cá nhân ở một cộng đồng nào đó và ở đó chủ yếu chỉ có các nhu cầu bản năng như "ăn, ngủ, đ*, *a" thì cộng đồng ấy rất dễ trở thành hạnh phúc...nhất thế giới.

Bởi vậy, theo tôi, chúng ta nên bàn về hạnh phúc trên tinh thần của các tiêu chuẩn tiến bộ, thay vì dựa vào sự thỏa mãn mang tính cá nhân. Điều này cũng sẽ dẫn đến một nhận thức rằng, chúng ta nên tranh đấu cho một xã hội hạnh phúc (gắn với các giá trị tiến bộ và văn minh), thay vì tự ru ngủ mình trong các lý lẽ ngụy tín để tự sướng về mặt tinh thần.

Giống với khái niệm hạnh phúc, “văn minh” cũng cần được định nghĩa cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ trước khi bàn luận. Tôi không nghĩ rằng văn minh lại mâu thuẫn hay xung đột với hạnh phúc, ngược lại chúng song hành và cân bằng lẫn nhau. Nếu ai đó chống lại văn minh một cách cực đoan, dù là văn minh hiểu theo nghĩa nào, thì rất có thể người đó chỉ nên ở truồng, vì áo quần cũng là một sản phẩm của văn minh, chứ không riêng gì tủ lạnh.

THÁI HẠO 13.07.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment