Monday, July 15, 2024

Nguyễn Văn Tuấn - Tình cờ hay nhân quả ?
lundi 15 juillet 2024
Thuymy


Người ám sát hụt ông Trump tên là Thomas Matthew Crooks. Ông Trump hay chế giễu người khác là 'Crooked'. Tình cờ hay nhân quả chữ nghĩa?

Họ Crooks (hay có khi là 'Crook'), theo từ điển tiếng Anh, có nguồn gốc từ tiếng Anh thời trung đại Middle 'Crok', và chữ này có gốc từ tiếng Norse cổ 'Krokr'. Sau này, người ta hay đánh vần là 'Crookes'. Tất cả những họ Crook, Crooks, Crooke, Crookes, Cruik, Cruiks, Cruke, Crukes, Cruikes đều xuất phát từ Crok, và ý nghĩa của họ này chỉ đơn giản là tên một cái làng ở Anh.

Chữ 'crooked' có ý nghĩa tiêu cực. Gọi ai là 'crook' có nghĩa là hàm ý nói người đó gian dối, cà chớn.

Trước đây, cố tổng thống Nixon bị báo chí gọi là 'crook'. Mới đây, tờ Atlantic (khét tiếng chống Trump) gọi ông Trump là 'crook' (The President is a Crook'). Cả ông Nixon và Trump đều nói ổng không phải là crook: "I am not a crook". Câu "I am not a crook" cũng là nhan đề của một bài diễn văn nổi tiếng của ông Nixon.

Ông Trump có cách nói móc đối phương khá ... phong phú. Một trong những tính từ ông ấy hay dùng là 'crooked'. Ổng từng gọi bà Hilary Clinton là 'Crooked Hilary'. Ông chế nhạo ông Biden là 'Crooked Joe'. Ngay cả quan tòa ổng cũng không tha, gọi thẳng là 'Crooked judge'.

Chúng ta hay dùng chữ nghĩa để nhìn ra thế giới, mà ít khi nào nhìn vào chúng ta. Nói người ta là 'crooked' là dán nhãn vào họ, nhưng thực ra đó cũng là một cách dán nhãn cho chính người dùng chữ đó.

Hôm qua, ông ấy bị ám sát hụt, và điều thú vị là kẻ ám sát ông mang họ Crooks! Tình cờ hay nhân quả? Tôi không biết, nhưng thiên về giả thuyết tình cờ hơn. Dù sao đi nữa thì sự việc cũng để lại một bài học: Nên dùng chữ tử tế trong giao tiếp.

NGUYỄN VĂN TUẤN 15.07.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment