Sunday, July 21, 2024

Chuyện cái tủ lạnh
Võ Xuân Sơn
20-7-2024
Tiengdan
21/07/2024

Tôi cho rằng GS Phan Văn Trường đề cập đến cái tủ lạnh không phải để nói về cái tủ lạnh. Nếu tôi không nhầm thì GS Phan Văn Trường muốn nói đến cái mà chúng ta đeo đuổi là hạnh phúc. Tôi không bàn đến điều đó. Câu chuyện này nhắc tôi nhớ đến những kỷ niệm thời khốn khó.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Cuộc sống dần hồi sinh. Tôi quá nhỏ để nhớ thời trước chiến tranh (năm 1965 trở về trước), nhưng cũng thấy cuộc sống bắt đầu sung sướng hơn. Hồi đó tôi hoàn toàn không biết khái niệm về ăn chay, nhưng trong những năm Mỹ ném bom miền Bắc, số ngày chúng tôi được ăn mặn ít hơn so với ở trong Nam nhiều người ăn chay ngày rằm, Mùng Một. Có gì đâu mà ăn.

Cho nên, khi khá lên, dù có bị phê bình là hoang phí, nhưng lâu lâu nhà tôi cũng mổ một con gà, bằm ra, chia đều cho số ngày, rồi chia 2 cho ăn trưa và ăn tối, rồi chia ra mỗi người mỗi phần. Ít ra thì mỗi bữa cơm, cũng có vài hạt thịt gà, mỗi hạt to cỡ hạt gạo nếp, để sau này, khi được biết trên đời có ăn chay và ăn mặn, tôi có thể nói mình là người ăn mặn.

Còn nhớ, khi gia đình tôi đi vô Nam, đến Cam Ranh (hay Phan Rang gì đó), xe dừng ở một quán ăn. Mẹ tôi kêu một dĩa cá. Tôi ngập ngừng hỏi mẹ: “Cá này ăn thế nào hả mẹ?”. Nếu là người khác, sẽ nghĩ là tôi hỏi cách ăn cá. Nhưng mẹ tôi hiểu ngay, và trả lời: “Cứ ăn đi con, ăn được bao nhiêu thì ăn”. Bởi vì trước đó, ngay cả khi nhà tôi khá hơn, những món ăn liên quan đến đạm, đều phải chia phần, để bảo đảm, ba tôi không bị “suýt chết đói” một lần nữa.

Trở lại cái thời cuối năm 1973, đầu năm 1974. Bữa đó, mẹ tôi có việc gì đó đi Việt Trì. Bây giờ thì từ Phú Thọ đi Việt Trì hết chừng 30 phút, chứ hồi đó thường là vài giờ. Thị xã Phú Thọ trước đây là thủ phủ của tỉnh Phú Thọ, nhưng sau chiến tranh, thì tỉnh Phú Thọ đã không còn, Việt Trì trở thành thủ phủ của tỉnh Vĩnh Phú.

Việt trì có một món ăn mà anh em chúng tôi hoàn toàn chưa biết đến. Nói cho đúng thì có lẽ tôi, và người em kế biết về nó, vì chúng tôi từng ở Hà Nội đến năm 1965, nhưng có lẽ không nhớ. Đó là kem. Mẹ tôi mua chục cây kem (lúc ấy nhà tôi đã hơi khá giả, chứ chục cây kem cũng tốn khá tiền). Mẹ tôi gói các cây kem vô giấy báo và mang về. Về tới nhà, đó chỉ còn là một thứ dịch sánh và ngọt. Nhưng đặc biệt là nó vẫn còn hơi lạnh.

Ba tôi đã phải bỏ ra cả hơn nửa giờ để giải thích cho chúng tôi, rằng trên đời này có cái máy làm lạnh nước thành kem, thành đá. Gì chứ nước đá thì tôi nhớ. Trong cuốn tiểu thuyết “Không gia đình”, một cơn mưa đá đã phá nát nhà kiếng, làm một gia đình tan nát. Nhưng trong tâm tưởng của tôi, cái máy có thể làm cho nước đông lại thành kem, thành nước đá đó là cái gì ghê gớm lắm, chỉ có nhà nước, với sự giúp đỡ của Liên Xô mới có thể có.

Khi vô Sài Gòn, tôi vô cùng ngạc nhiên, khi nhà nào cũng có thể sở hữu một cái tủ lạnh. Người ta còn bàn tán, nên mua tủ lạnh National, Sanyo hay Hitachi. Những ngày đầu tiên, gia đình tôi ở nhờ nhà bác Thịnh. Bác ấy là công chức chế độ cũ. Nhà bác ấy có cái tủ lạnh to đùng, nhưng chủ yếu chỉ để làm nước đá và nước lạnh để uống. Vợ bác ấy đi chợ hàng ngày, thậm chí, gạo và than cũng chỉ mua đủ cho một ngày, nên ít khi dùng tủ lạnh để trữ thức ăn.

Tất nhiên, tủ lạnh là một trong các ưu tiên của gia đình tôi sau khi mua nhà. Ngoài tủ lạnh còn có TV. Tôi còn nhớ mãi cái TV Sanyo cửa lùa. Còn nhớ cái hôm mua tủ lạnh về, tôi nhắc đến món kem mẹ tôi mua ở Việt Trì, và cả nhà tôi đã lặng đi. Cái tủ lạnh nhà tôi hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với tủ lạnh của nhà bác Thịnh. Một phần, nhà tôi không có thói quen đi chợ mỗi ngày, phần khác, mẹ tôi đi làm, nên phải mua đồ bỏ vô tủ lạnh.

Điều quan trọng, là khi ấy, gia đình tôi có thứ để bỏ vô tủ lạnh. Cá, thịt, gà, vịt, trứng… bày bán ê hề. Mua rồi còn được cám ơn. Chứ khi còn ở ngoài kia, xếp hàng đã đời mà họ cho gì mua nấy, số lượng cũng chỉ không đủ tráng miệng cho anh em chúng tôi, theo đúng số tem phiếu định mức qui định. Ngay heo nhà mình nuôi mà mổ cũng phải xin phép lên xin phép xuống. Gà mà nó kêu quang quác thì họp tổ dân phố lại bị lôi ra phê bình.

Tôi không biết cái tủ lạnh là đại diện cho cái gì: Văn minh, Khoa học, Hạnh phúc… hay tiện nghi. Nhưng chắc chắn, kể từ khi gia đình tôi có cái tủ lạnh, mức độ hạnh phúc trong gia đình tôi tăng lên. Dĩ nhiên, không phải tất cả chỉ vì cái tủ lạnh.

Còn có nhiều thứ khác góp phần. Chẳng hạn như những thứ để bỏ vô tủ lạnh, hoặc lời cám ơn khi mình mua những thứ ấy.

No comments:

Post a Comment