Tuesday, July 16, 2024

VNTB – Sáp nhập các địa phương: lại bày trò trục lợi
Dân Trần
16.07.2024 11:25
VNThoibao


(VNTB) – Hàng chục triệu người dân lại phải chuẩn bị thay đổi giấy tờ thêm một lần nữa.

 Ngày 15/7, ông Dương Ngọc Hải, phó chủ tịch TPHCM, vừa có trình bày đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã phường tại thành phố lớn nhất cả nước. Theo đó, TP.HCM sẽ sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận, gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề. Như vậy sẽ có hàng triệu người dân sẽ phải làm lại giấy tờ, từ căn cước công dân tới sổ đỏ, bằng lái xe, sửa lại số nhà… Nhiều công ty cũng sẽ phải sửa lại địa chỉ kinh doanh, bảng hiệu cho phù hợp với những thay đổi của Nhà nước.

Không chỉ TPHCM mà cả nước sẽ có 33 đơn vị cấp quận huyện và 1.327 phường xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp lại trong giai đoạn 2023-2025. Việc này sẽ khiến cho hàng chục triệu người dân phải sửa lại thông tin các nhân, các doanh nghiệp cũng vậy. Cần lưu ý là trong những năm qua người dân đã phải nhiều lần thay đổi giấy tờ từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân rồi thẻ căn cước. Bây giờ thêm một lần đổi tên địa phương nữa nhưng cũng chưa chắc là lần thay đổi cuối cùng.

Cần nhớ là từ năm 1975 tới nay nhà nước cộng sản Việt Nam đã có hàng chục lần đổi tên, sáp nhập, chia tách các địa phương. Hầu như cứ vài năm là lại có thay đổi, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân.

Ví dụ, sau tháng 4 năm 1975, Việt Nam thống nhất thì cả nước có 72 tỉnh thành; trong đó, miền Bắc có 25 tỉnh thành và miền Nam có 47 tỉnh thành. Tới cuối năm 75, đầu năm 76 thì hàng loạt tỉnh thành được sáp nhập, kết quả là cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Rồi năm 1978, tỉnh Cao Lạng được tách thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Năm 1979 thì lập thêm đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Giai đoạn 1989-1991, những tỉnh được nhập lại trước đây lại bị tách ra, cuối năm 1991, cả nước có 53 tỉnh thành. Năm 1997 thì toàn Việt Nam tăng lên 61 tỉnh thành. Năm 2004 thì con số này tăng lên 64. Năm 2008 thì còn 63.

Theo kế hoạch của bộ Nội vụ thì từ năm 2026, sẽ có 10 tỉnh, thành phố nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên do Bộ Nội vụ đề xuất, có thể bị sáp nhập. Trong đó có cả hai thành phố lớn là Cần Thơ và Đà Nẵng. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều rối loạn về dân cư, các chỉ số, thống kê dân số, và cả các cơ quan quản lý hành chính tại địa phương.

Anh L.Q., một người làm kinh doanh bất động sản nói với phóng viên VNTB: “việc thay đổi địa giới hành chính sẽ dẫn tới đầu cơ đất đai, bất động sản, đẩy giá đất ở những tỉnh được sáp nhập lên thành phố tăng cao. Ngoài ra là người dân cũng sẽ có tâm lý hoang mang dễ bị thao túng, ảnh hưởng tới việc ảo giá bất động sản. Trong bối cảnh bất động sản đang vỡ trận như hiện nay thì việc sáp nhập sẽ giống thêm dầu vào lửa”.

Bên cạnh đó, người dân cũng không biết số phận của mình sẽ thuộc về tỉnh nào để cho con em ổn định việc học. Vì thay đổi địa giới cũng ảnh hưởng tới việc chuẩn bị hồ sơ nộp vào trường học. Rồi vô số giấy tờ rắc rối cần phải sửa đổi. Các trụ sở cơ quan cũng sẽ đổi địa chỉ và gây nhiều ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Tôi thấy việc thay đổi liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân chứ không có ích lợi gì”. Anh L.Q. bình luận với phóng viên VNTB.

Tuy không có lợi cho người dân, nhưng việc thay đổi giấy tờ, căn cước, đổi tên địa phương hay sáp nhập đều mang tới nhiều lợi ích cho quan chức cộng sản Việt Nam. Thứ nhất là những người đứng ra chỉ định thầu để làm giấy tờ số lượng lớn, lợi nhuận sẽ không hề nhỏ. Thứ hai là các quan chức biết trước những địa phương sẽ quy hoạch và cho người thân đầu cơ trục lợi từ bất động sản. Thứ ba, các địa phương sáp nhập thì ghế sẽ ít lại, ai muốn ở lại làm cán bộ thì phải chi thêm tiền hối lộ, ai không chung chi thì mất ghế theo chiêu bài “tinh gọn bộ máy nhà nước”.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/tphcm-chuan-bi-sap-nhap-80-phuong-thuoc-10-quan-2301908.html

(2) https://tienphong.vn/56-tinh-thanh-trong-dien-sap-nhap-du-kien-giam-14-huyen-va-619-xa-post1615705.tpo

 


 

No comments:

Post a Comment