Wednesday, July 24, 2024

VNTB – Làn sóng di cư ở miền tây!
Hoàng Mai
24.07.2024 4:04
VNThoibao




(VNTB) – Trong 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người dân di cư khỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 Kết quả tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 và Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 cho thấy, trong 10 năm qua thì đã có hơn 1,3 triệu người dân ĐBSCL di cư khỏi vùng này.

Có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ. Áp lực nhập cư đối với các đô thị ở nước ta là rất lớn, lớn nhất là tại các đô thị đặc biệt. Cứ 1000 người dân sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước và 5,3 lần khu vực nông thôn.

“Trước Tết, em nằm trong danh sách sa thải của công ty. Rồi Tết em về quê. Nghĩ cũng kiếm cái gì đó ở quê mà làm, không muốn xa quê hương nữa. Nhưng giờ cuộc sống khó khăn quá, chi phí cái gì cũng cao. Thấy rõ nhất vẫn là tiền điện. Trước hoàn cảnh đó, buộc lòng em phải rời quê hương, một lần nữa đi Bình Dương làm công nhân”, dừng nghỉ tại một quán nước, anh Tiến, lao động đến từ Sóc Trăng chia sẻ lý do vì sao mình trở lại Bình Dương làm việc.

Trong những năm gần đây, dường như trong “từ điển” sử dụng hằng ngày của đồng bào miền Tây có thêm cụm từ “đi Bình Dương”. Thiếu việc, thiếu sản xuất, lao động bấp bênh, tiền kiếm được không đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt… là những nguyên nhân “đẩy” lao động trẻ ở miền Tây bỏ xứ tha hương.

“Thời điểm dịch, nhiều người ùn ùn trở về quê. Mình cũng về. Dự tính sẽ về quê luôn. Nhưng rồi vì quá khó khăn, phần còn cha mẹ già, phần có hai đứa con nhỏ. Nên hai vợ chồng quyết định trở lại Bình Dương kiếm việc”, bà Thu Hồng, lao động đến từ An Giang chia sẻ.

Nơi quê nghèo, giờ chỉ còn lại những người lớn tuổi. “Giờ ở đây chỉ toàn là người già không à. Trẻ trẻ đi thành phố hết rồi. Gần thì làm khu công nghiệp ở Long An. Không có việc thì đi thành phố hoặc đi Bình Dương. Chớ giờ ở đây khó khăn quá mà. Làm hồ, làm ruộng thì cũng bấp bênh, thu nhập không cao”, ông Văn Long, một người dân ở Sóc Trăng nhìn xa xăm.

Có thể thấy, việc chuyển đổi kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn miền Tây chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận lao động. Phát triển tiểu khu công nghiệp và ngành nghề truyền thống đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.

“Nghề của mình được truyền lại từ ông bà. Tới đời mình cũng là đời thứ ba rồi. Làm kiếm đồng ra đồng vô vậy thôi chứ nếu nói thành nguồn thu nhập chính cũng khó. Cho nên giờ giới trẻ đâu có theo nghề nữa, đi thành phố làm công nhân còn có tiền nhiều hơn”, bà Kim Thoa, một thợ gói bánh tét xứ Long An chia sẻ.

Ngậm ngùi trước hoàn cảnh, một ước mơ giản dị nhưng sao quá khó khăn, bà Hạnh nói trong nước mắt: “Không đi Bình Dương thì lấy tiền đâu mà sống? Vật chất ở đây, cái gì cũng mắc. Có khi còn mắc hơn ở Bình Dương. Giờ mình chỉ mong sao cuộc sống ở đây bớt khó khăn, để con mình khỏi phải đi Bình Dương nữa. Ở nhà làm ruộng này nọ, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Gần gia đình, gần con nhỏ…”.

Gia đình đoàn tụ, sống gần nhau, ra vô luôn có nhau. Đó có lẽ không chỉ là mong muốn của bà Hạnh, mà còn là của nhiều người khác. Thế nhưng, trước một cuộc sống quá đỗi, dẫu rằng có muốn, cũng không thể.

Tha hương trên chính quê hương dù chỉ cách nhau khoảng mấy trăm cây số chạy xe.


 

Visited 6 times, 8 visit(s) today




No comments:

Post a Comment