Thursday, July 11, 2024

VNTB – Lại đổi mới kỳ thi
Út Sài Gòn
11.07.2024 4:19
VNThoibao


(VNTB) –

 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Có thể thấy rằng, tổ hợp môn của 4 khối cách đây hơn chục năm: A (Toán, Lý, Hoá), B (Toán, Hoá, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D (Toán, Văn, Ngoại ngữ) tuy vẫn còn sử dụng để xét tuyển như những năm vừa qua nhưng lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số.

– Lại thay đổi nữa, thêm rắc rối nữa.

– Thay đổi để phát triển, có gì mà than thở vậy anh Tám?

– Dĩ nhiên thay đổi để phát triển thì là một điều tốt. Cái quan trọng là có phát triển được hay không? Và liệu sẽ có những phiền phức nào kéo theo hay không?

– Mà nãy giờ anh đang nói về cái gì vậy? Tui không hiểu.

– Thì câu chuyện từ năm 2025, học sinh 2007 và các thế hệ sau sẽ chính thức bước sang kì thi tốt nghiệp theo định dạng mới về môn thi và cấu trúc đề. Thế hệ 2007 là thế hệ đầu tiên sản phẩm của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thi tốt nghiệp các em chỉ cần thi 4 môn bao gồm: Toán (bắt buộc) + Văn (bắt buộc) + Môn tự chọn 1 (tự chọn bắt buộc) + Môn tự chọn 2 (tự chọn bắt buộc).

– À thì ra anh nói chuyện đó. Gì chứ mấy cái chuyện thay đổi trong giáo dục có gì mới đâu.

– Chính vì không có gì mới nên mới đáng nói. Thay đổi tùm lum tùm la. Thế hệ này sẽ là thế hệ đầu tiên bắt đầu chương trình mới. Thế hệ kia sẽ là thế hệ đầu tiên bắt đầu cho kỳ thi mới. Rồi thay đổi cấu trúc đề, từ tự luận sang trắc nghiệm. Rồi thay đổi kỳ thi, từ hai kỳ thi thành một kỳ thi. Rồi phụ huynh phải tự canh để nộp hồ sơ vào trường cho con…. Cứ mỗi lần thay đổi là mỗi lần phiền phức.

– Mà tui thấy vậy cũng có lợi ích, sẽ không có môn nào là môn phụ.

– Cái đó là còn tuỳ. Lựa chọn môn thi, tất nhiên phải ưu tiên cái mình giỏi để còn được điểm cao, bên cạnh xem xét coi trường đó có tuyển tổ hợp đó hay không. Thí dụ như tui đi thi, tui chọn bốn môn Toán, Văn, Lịch sử, Công nghệ. Thì tui chỉ cần tập trung vào bốn môn đó thôi. Nói cách khác, tui xem bốn môn đó là bốn môn chính, còn mấy môn kia là môn phụ. Mà kẹt cái trong mấy môn phụ đó, có những môn kiến thức có thể áp dụng được vào thực tế như Địa lý với tình hình biển, đảo cũng như địa lý kinh tế nước nhà. Hay những nguyên tắc hoá học. Và cả ngoại ngữ nữa.

Mà giờ kham hết thì không kham nổi. Mà bỏ hẳn các môn không thi thì không đủ kiến thức nền cho sau này.

– Anh nói quá không à, chắc không đến nỗi vậy đâu. Giống như kỳ thi hai trong một đó thôi.

– Thì đúng hai trong một không sao, áp lực chỉ dồn vào một kỳ thi. Nhưng nó sẽ không phân hoá rõ năng lực chuyên môn. Như ngày xưa, rất rõ ràng, thi đậu tốt nghiệp, cầm bằng tạm mới được thi đại học. Mà tốt nghiệp thì không khó, đề phổ thông dành cho tất cả các năng lực học sinh, chỉ thi đại học mới bắt đầu phân loại. Còn giờ thì sao, xét tuyển luôn cả học bạ. Mà điểm học bạ thì ảnh hưởng rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, từ kiểm tra trong lớp với việc dễ chỉ bài nhau hay xài “phao” cho đến việc đi học thêm.

– Giờ có như thế nào, cũng đành chịu thôi anh, có nói cũng như không…

Cũng xin được nói thêm, trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến về ba phương án tổ chức kỳ thi này từ năm 2025. Ở cả ba phương án, học sinh đều sẽ thi hai môn môn trong số các môn lựa chọn nhưng khác nhau ở số môn thi trong nhóm các môn học bắt buộc.

Cụ thể: Phương án 1, học sinh sẽ thi 6 môn, gồm cả 4 môn học bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Phương án 2, học sinh sẽ thi 5 môn, gồm ba môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai môn lựa chọn.

Phương án 3, học sinh sẽ thi 4 môn, gồm hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn lựa chọn.

Theo công bố kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT, phương án thi 4 môn là phương án có tỷ lệ lựa chọn nhiều hơn so với các phương án còn lại.

Tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu, công bố Phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.


 

No comments:

Post a Comment