Tuesday, July 9, 2024

VNTB – Của người phước ta
Bạch Liên
10.07.2024 2:23
VNThoibao


(VNTB) – Xin đừng có cảnh giương lên ngọn cờ chính nghĩa để “buộc dân” phải này phải nọ, hy sinh cái tôi để phục vụ cho lợi ích của chính cá nhân người khác.

 Dẫu biết rằng so sánh là việc không nên nhưng cùng là những tỉnh, thành khu vực phía Nam, song cũng khác nhau ít nhiều về địa lý, văn hóa, lối sống… thậm chí, đơn giản như kêu một cái gì đó, cũng đã khác. Tuy nhiên, thiết nghĩ, cái gì hay, cũng nên học. Không được nhiều thì cũng được ít.

Số liệu ghi nhận được từ báo chí, trong 22 năm qua, toàn Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) có hơn 168.000 hộ dân tham gia hiến gần 5,4 triệu mét vuông đất, tương đương với số tiền hơn 10.050 tỉ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Người dân cũng trực tiếp đóng góp kinh phí để mở rộng đường, hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng.

Điển hình, ở quận Bình Tân có ông Lại Văn Nghề (trú P. Tân Tạo A) đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất để mở rộng đường Nguyễn Văn Cự, đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến cầu Ông Phú, ước tính giá trị khoảng 2,5 tỷ đồng.

Có thể nói, việc hiến đất vì mục đích chung, là một điều tốt, mà không phải ai cũng là làm được, nhất là với tình hình “tấc đất tấc vàng”, anh em trong nhà còn tranh giành nhau từng mét vuông đất. Tuy nhiên, một cái thực tế, không phải nơi nào cũng được như thành phố. Người dân sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung, thế nhưng, lại có cảnh “kẻ buộc bị hiến, người thì lại không”…

Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tư, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, mặc dù đường không nhỏ như hẻm (có tên gọi hẳn hoi) nhưng vì nhu cầu đi lại, bà con mong muốn mở rộng đường để tiện hơn trong đi lại.

Thỏa mãn mục đích đó của bà con, một cán bộ tự xưng thành viên của Hội Phụ nữ đã đứng ra kêu gọi bà con “quyên góp” đất đai vì quyền lợi chung. Bà con ai cũng hồ hởi, sẵn sàng tham gia hiến đất.

Sẽ không có gì để nói, nếu như có sự công bằng. Thay vì cả hai bên đường cùng nhau hiến một vài thước đất để mở rộng đường, thì chỉ có một bên bị “buộc” phải hiến đất. Phía bên đất của bà tự xưng cán bộ Hội Phụ nữ, vẫn được giữ nguyên trạng mà không mẻ đi một miếng nào.

Bức xúc trước tình hình trên, nhưng phận là “dân đen” ở quê, cũng không biết phải “gõ cửa” ở đâu, gia đình ông Tư chọn phương pháp im lặng. Càng im lặng, bà cán bộ càng làm tới. Tác động thông qua hàng xóm, rồi bà con họ hàng gần đó, rồi hăm dọa. Khi có một báo Đảng vào cuộc, bà cán bộ mới có chịu…nhượng bộ…

Cũng theo báo chí, về định hướng sắp tới, ông Mãi đề nghị từng xã, phường xác định đến năm 2025 có những công trình mở rộng đường, hẻm nào rồi thông báo với bà con để bàn bạc, tham gia thực hiện. TP.HCM đặt mục tiêu khi cả nước kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (ngày 30.4.2025), không còn hẻm chật hẹp, mất an toàn; không còn khu dân cư ổ chuột, chung cư mất an toàn.

Ai lại không muốn nơi mình ở đường sá thông thoáng; an toàn, dễ dàng hơn trong đi lại? Thế nhưng, cũng mong rằng, xin đừng có cảnh giương lên ngọn cờ chính nghĩa để “buộc dân” phải này phải nọ, hy sinh cái tôi để phục vụ cho lợi ích của chính cá nhân người khác.

Và cũng hy vọng sẽ không còn cảnh nông dân ít biết luật, cán bộ muốn làm gì thì làm để chèn ép dân mà trên không ai hay biết.

 


 

No comments:

Post a Comment