Wednesday, July 17, 2024

Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai nhà hoạt động tự do tôn giáo ở Đắk Lắk
2024.07.17
RFA

Những người Thượng đi ra từ một cánh rừng ở tỉnh Ratanakiri, Campuchia năm 2004 (minh hoạ). Họ đã trốn từ Việt Nam sang Campuchia do tình trạng đàn áp tôn giáo trong nước
Reuters


Chính phủ Việt Nam bác bỏ cáo buộc đàn áp hai người Thượng chuyên viết báo cáo gửi cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tự do tôn giáo ở Đắk Lắk.

Thư trả lời của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đề ngày 09/7/2024 và được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố gần đây.

Hồi tháng 04/2023, bốn báo cáo viên đặc biệt của LHQ gửi thư tố giác việc nhà chức trách Việt Nam “bắt giữ tùy tiện, đe dọa, theo dõi, hạn chế đi lại, và sách nhiễu” hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban- hai tín đồ Tin lành người Thượng và nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền, khi họ trên đường đi dự Hội nghị về Tự do Tôn giáo và Niềm tin khu vực Đông Nam Á (SEAFORB) ở Indonesia vào ngày 06/11/2022.

Theo nội dung thư, ông Y Khiu Niê làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất đi Bali (Indonesia) nhưng bị chặn lại với lý do không đáp ứng điều kiện về xét nghiệm và vắc-xin COVID-19, dù có giấy chứng nhận tiêm chủng và cũng yêu cầu được làm xét nghiệm nhanh (nhưng bị từ chối).

Trong thư trả lời, phía Việt Nam nói không ngăn cản ông Y Khiu Niê xuất cảnh mà là do ông không có giấy tiêm chủng ngừa COVID-19 theo quy định của Indonesia.

Ngoài ra, Việt Nam khẳng định ông Y Sĩ Êban thuộc diện bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh, quốc phòng theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. 

Trong thư phản hồi, Việt Nam quy kết các tổ chức cực đoan ở nước ngoài thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật cáo buộc Việt Nam đàn áp các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Do vậy, Công an tỉnh Đắk Lắk trong ngày 06/11 đã mời hai ông đến trụ sở để làm rõ hoạt động bị cho là gây mất trật tự xã hội, an ninh quốc gia ở địa phương.

Chính phủ khẳng định đây là hoạt động bình thường của công an nhằm mời gọi công dân hợp tác, cung cấp thông tin để làm rõ một số sự việc chứ không phải là thủ tục bắt giữ hay điều tra hình sự. Vì vậy, buổi làm việc không cần sự có mặt của luật sư và pháp luật Việt Nam không cấm công dân mời luật sư tham gia làm việc với cơ quan chức năng.

Thư cũng nói trong buổi làm việc, cả hai ông đều thừa nhận hành động dưới sự chỉ đạo của một số tổ chức cực đoan chống Việt Nam ở nước ngoài, bày tỏ hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình và cam kết sẽ không tái phạm.

Việt Nam tuyên bố bác bỏ những cáo buộc mà họ cho là sai sự thật, vô căn cứ về việc “chính quyền còng tay, hành hung, đe dọa bỏ tù và yêu cầu chấm dứt hoạt động tôn giáo” đối với Y Khiu Niê và Y Si Êban.

Chính phủ Việt Nam dối trá LHQ

Ông Y Khiu Niê là tín đồ của Hội Thánh Truyền giảng Phúc âm trong khi ông Y Sĩ Êban là thầy truyền đạo của Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo được thành lập bởi mục sư Aga, người đang tị nạn tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 17/7, mục sư Aga cho biết Chính phủ Việt Nam đang dối trá LHQ trong vụ ông Y Sĩ Êban.

Mục sư Aga nói công an tỉnh Đắk Lắk đã tra tấn và đánh đập, tịch thu căn cước công dân, hộ chiếu, điện thoại và tiền của thầy truyền đạo này trong thời gian tạm giam hai ngày.

Chính quyền họ nói không đúng sự thật, họ nói hai người đã biết lỗi rồi, hối hận này khác- chuyện đó là bịa đặt không có đúng sự thật. Sự thật là ông bị bắt bớ vì niềm tin tôn giáo của ông thôi chứ không phải nói là về vấn đề là an ninh quốc gia giống như là chính quyền cộng sản Việt Nam nói đâu.”

Về việc ông Y Sĩ Êban bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia, mục sư Aga nói:

Ông Y Sĩ Êban chẳng làm gì là gọi là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cả, ông chỉ sinh hoạt đạo thờ phượng chúa ở hội thánh tại buôn của ông. Ông cũng không có đi nhiều nơi nhiều chỗ hoặc là đi ra khu vực biên giới hoặc là tập trung người đông đảo hết chỗ này chỗ khác.”

Mục sư Aga cho biết trước khi bị chặn xuất cảnh, công an địa phương theo dõi chặt chẽ ông Y Sĩ Êban. Kể từ đó đến nay, công an địa phương liên tục đến nhà sách nhiễu ông, bất kể ông đi đâu làm gì.

Họ vẫn thường xuyên canh gác nhà ông, và vẫn chưa trả lại hộ chiếu cho ông, vị mục sư nói. Vì bị công an theo sát nên ông Y Sĩ Êban không thể đi làm xa và không ai dám thuê ông. Công an còn đe doạ sẽ bỏ tù nếu ông này trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài, mục sư Aga bổ sung.

Về trường hợp của ông Y Khiu Niê, một người thân quen với ông khẳng định với RFA về việc ông này bị chặn xuất cảnh, tạm giữ trong hai ngày, và cũng bị công an tịch thu hộ chiếu.

Trong Báo cáo Kết quả Thường niên Quốc gia năm 2022 trình lên Đại Hội đồng LHQ kỳ họp lần thứ 54 diễn ra từ ngày 11/9 đến ngày 06/10/2023, trong phần về Việt Nam, Cao uỷ Nhân quyền LHQ nhắc đến việc nhà chức trách ở nhiều địa phương trả thù các cá nhân đã liên lạc và gửi báo cáo vi phạm nhân quyền tới LHQ hoặc các tổ chức quốc tế, trong đó có nói về việc hai ông Y Khiu Niê và ông Y Sĩ Êban bị cấm xuất cảnh và tra khảo trong hai ngày bị tạm giữ.

Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM

No comments:

Post a Comment