Thursday, July 11, 2024

Nga tổ chức lại công nghiệp quốc phòng : Cơn ác mộng của NATO
Thanh Hà
Đăng ngày: 11/07/2024 - 15:06Sửa đổi ngày: 11/07/2024 - 16:19
RFI

Trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, tổng thống Joe Biden khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương « hùng mạnh hơn bao giờ hết ». Hoa Kỳ cũng hài lòng thấy 23 trong số 32 thành viên NATO dành đến 2 % GDP cho chi tiêu quốc phòng.

Ảnh tư liệu : Đoàn xe tăng Nga tiến về Nam Ossetia của Gruzia ngày 09/08/2008, chỉ bốn tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucarest quyết định chưa kết nạp hai nước Ukraina và Gruzia. AP - Musa Sadulayev

Thế nhưng, theo giới quan sát, vẫn có nhiều yếu tố khiến phương Tây lo ngại. Ngành công nghiệp phòng thủ của Nga đã hồi sinh, trong lúc các nhà sản xuất của châu Âu và Mỹ vẫn gặp nhiều chậm trễ. Đó là chưa kể đến ẩn số chính trị tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ có thể làm thay đổi chiến lược tự chủ về quốc phòng của phương Tây. 

Tháng 2/2022, trong những ngày đầu cuộc chiến, giới phân tích đã nói đến sự yếu kém và lệ thuộc của các nhà sản xuất vũ khí Nga vào phụ tùng hay công nghệ của phương Tây. Nhưng tháng 4/2024, tướng Christopher Cavoli, điều phối toàn bộ các lực lượng của Hoa Kỳ tại châu Âu, báo động Matxcơva đang tiến gần đến mục tiêu sản xuất « 1.200 chiến xa, cung cấp 3 triệu đầu đạn và roket một năm ». Khối lượng này « lớn gấp ba lần so với thẩm định của Âu Mỹ hồi đầu 2022 ». Chỉ riêng về đạn dược, « khả năng sản xuất của một mình nước Nga còn lớn hơn so với của 32 thành viên NATO cộng lại ».

Để có được kết quả này, Matxcơva đã tổ chức lại toàn bộ cỗ máy công nghiệp : trong nhiều lĩnh vực, các nhà máy hoạt động ngày đêm. Chính quyền đồng thời khởi động lại nhiều cơ sở đang chìm vào quên lãng. Điều này giải thích một phần lý do tháng 5/2024 tổng thống Vladimir Putin chỉ định Andrei Belooussov, một nhà kinh tế, vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng.

Thêm vào đó, như nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War của Mỹ), Matxcơva có thể trông chờ vào một số đối tác như Iran, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên để lách cấm vận của phương Tây. Từ mùa thu 2022, Nga ồ ạt sử dụng drone do Iran chế tạo. Về đạn dược, Bình Nhưỡng là một nguồn cung cấp. Theo các số liệu của Washington, trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã chuyển giao 2,5 triệu đạn pháo cho Nga, đủ để dùng trong « nhiều tháng » trên chiến trường Ukraina. Tháng 6/2024, « hiệp ước hợp tác quân sự hỗ tương », được tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Kim Jong Un ký kết, lại càng gắn chặt hai quốc gia này với nhau.

Nhìn đến điểm tựa thứ ba, có lẽ quan trọng nhất, của Matxcơva là Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS giải thích, ngay từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraina, Nga đã dựng nên cả một hệ thống hợp tác tinh vi với Trung Quốc. Chính quyền Tập Cận Bình không trực tiếp chuyển giao vũ khí sát thương hay thiết bị quân sự cho Nga, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga riêng trong năm 2022 tăng 26 % và trong số các mặt hàng bán cho Nga có rất nhiều sản phẩm « lưỡng dụng », tức là được sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Vào lúc mà cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nga đã được tổ chức lại để phục vụ chiến tranh, những tên tuổi lớn trong ngành tại Mỹ đã hoạt động hết công suất. Tại châu Âu, trong khi một số quốc gia như Pháp, Đức tập trung vào việc bảo đảm « tự chủ công nghiệp, tự chủ về quốc phòng », thì một số nước khác như Ba Lan gấp rút ký hợp đồng mua thiết bị của Hàn Quốc để nâng cao khả năng phòng thủ vì sợ rằng, sau Ukraina, Vacxava sẽ là mục tiêu kế tiếp mà Matxcơva nhắm tới.

Song, sau hơn 2 năm chiến tranh Ukraina, các nhà máy sản xuất vũ khí của châu Âu vẫn chậm trễ trong việc chuyển giao đạn dược và các hệ thống phòng thủ cho Kiev. Các nhà máy của Pháp chỉ mới được khởi động lại và chưa bắt kịp được thời gian đã mất.

Ẩn số chính trị tại Âu, Mỹ

Thêm vào đó là yếu tố chính trị tại cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ cùng gây hoang mang. Mỹ sẽ bầu lại tổng thống vào tháng 11 năm nay. Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, 81 tuổi, đang trong thế yếu trước ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã không ngớt lời khen ngợi Putin và quan niệm Mỹ không có trách nhiệm phải bảo vệ châu Âu, thậm chí Washington có thể rút khỏi NATO.

Trong khi đó, trên Lục Địa Già, chủ trương tự chủ về quốc phòng cho toàn khối Liên Âu mà Paris đề xướng từ 2017 vẫn không thể thành hiện thực, kể cả sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, chiến tranh xảy ra ngay sát cạnh biên giới Liên Âu. Trước khả năng sau bầu cử Mỹ, Donald Trump trở lại cầm quyền Liên Âu muốn thúc đẩy trở lại kế hoạch tự chủ về quốc phòng của tổng thống Pháp. Hiềm nỗi, sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng 6/2024, tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc Hội, đẩy nước Pháp vào một thời kỳ « bất định » về chính trị, và suýt nữa thì đảng cực hữu bài ngoại và thân Nga đã lên cầm quyền. Tại Pháp, cũng như tại nhiều nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu, các đảng cực hữu đang lên như diều gặp gió và ngoại trừ đảng cực hữu của Ý, phần còn lại trong số này chủ trương dĩ hòa vi quý với nước Nga của Putin.

Thêm một điểm khác khiến các lãnh đạo NATO đang họp tại Washington lo lắng, đó là từ nay đến cuối năm 2024 Hungary giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, được coi là « cánh tay nối dài » của điện Kremlin trong Liên Âu. 

Tại Matxcơva, những thông tin về quân số, về những người lính tử vong trên chiến trường Ukraina cũng như những phương tiện trên bộ, trên không hay trên biển được huy động sang Ukraina thuộc diện bí mật quốc gia. Các nhà phân tích phương Tây khó thẩm định được một cách chính xác tiềm lực quân sự của Nga ở thời điểm hiện tại, nhưng họ biết rất rõ về thực lực, về tiềm năng huy động các phương tiện quân sự của các nước đồng minh trong NATO, về những nguy cơ rình rập các nền dân chủ qua các kỳ bầu cử…

Có lẽ những thông tin và dự phóng liên quan trực tiếp đến các nước phương Tây mới chính là điều khiến NATO lo ngại, hơn cả những báo cáo về khả năng quân sự của nước Nga.

No comments:

Post a Comment