Monday, July 8, 2024

Biển Đông: Philippines tuyên chiến với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc
Trọng Thành
Đăng ngày: 06/07/2024 - 19:10
RFI


Philippines vừa mở lại đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, vừa sẵn sàng đáp trả các hành động bạo lực của Hải cảnh Trung Quốc. Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề cử nữ thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, một người có quan điểm rất cứng rắn với Nga vào cương vị lãnh đạo ngoại giao Liên Âu.

Bệ phóng tên lửa đất đối đất Typhon, đặt tại miền bắc Philippines có khả năng phóng tên lửa chiến thuật tầm trung Tomahawk, với tầm bắn 1.600 km, bao phủ hai khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan. © ảnh chụp màn hình trên mạng X.



Cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ tại Pháp được báo chí nhà nước Trung Quốc theo dõi sát. Sức khỏe của tổng thống Mỹ Joe Biden gây lo ngại sau cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump. Chính quyền Đức mở rộng phạm vi người có hai quốc tịch sang cả các công dân ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

**********

Giữa tháng 6/2024, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, cụ thể là tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines, tăng vọt với việc lần đầu tiên Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu Tuần duyên Philippines hành hung nhân viên, đập phá, tịch thu súng ống, làm bị thương nhiều người, trong đó có một người bị đứt ngón tay. Một số người nói đến nguy cơ chiến tranh, với khả năng Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ đồng minh trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Philippines và Mỹ dường như ngay sau đó đã muốn xuống thang căng thẳng với Trung Quốc.
30% vùng biển đã bị lấn lướt: Philippines tiếp tục phải nhân nhượng Trung Quốc?

Ngày 02/07, lần đầu tiên kể từ vụ việc nói trên, hai bên đối thoại ở cấp thứ trưởng Ngoại Giao, trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông (BCM - Bilateral Consultation Mechanism), nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho các bất đồng (đây là cuộc họp BCM lần thứ 9 và là lần thứ hai kể từ đầu năm). Diễn biến này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng điều này cho thấy Hoa Kỳ bất lực trong việc bảo vệ Philippines và Manila không có cách nào khác hơn là phải nhân nhượng Bắc Kinh tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình?Đọc thêm - Biển Đông : Manila muốn giảm căng thẳng với Bắc Kinh, độ tin cậy của Mỹ bị lung lay

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hai đồng minh Philippines và Mỹ đang xoay xở để tìm ra cách ứng phó hiệu quả đối với “chiến thuật vùng xám”, lấn dần từng bước một đã cho phép Trung Quốc kiểm soát đến khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Philippnes và, nếu không có gì ngăn chặn đủ mạnh, đà bành trướng nói trên sẽ tiếp tục trong những năm tới theo chuyên gia Derek Grossman, khi mà Hiệp định Phòng thủ chung với nội dung hiện tại chưa cho phép Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp, một khi Trung Quốc chưa vượt qua lằn ranh đỏ “tấn công vũ trang” (ngụ ý sử dụng súng) nhằm vào các lực lượng Philippines, gây thiệt hại về người.
Mở đối thoại, nhưng sẵn sàng đáp trả với mức bạo lực tương xứng

Trên thực tế, vào đầu tháng 7/2024 này, dường như Phililippines cùng Hoa Kỳ đang hướng đến một chiến thuật mới. Manila một mặt tiến hành đối thoại ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác tỏ ra không ngại đối đầu. Trong một cuộc trả lời báo giới ngày 04/07, chỉ huy quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner tuyên bố sẽ tìm cách tránh chiến tranh, theo chỉ thị của tổng thống, nhưng sẵn sàng sử dụng mức độ bạo lực tương ứng để đáp trả: phía Trung Quốc dùng dao, phía Philippines cũng sẽ dùng dao, và Philippines “sẽ không để bị bắt nạt như lần trước”.Biển Đông: Nguy cơ chiến tranh với ‘‘chiến thuật mới’’ chống tàu Philippines của Trung Quốc

Theo chuyên gia Derek Grossman, Philippines có ít nhất ba thế mạnh để đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới. Thứ nhất là liên minh quân sự với Mỹ được tăng cường với việc Hoa Kỳ triển khai thêm nhiều vũ khí răn đe tại các căn cứ theo Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng tăng cường năm 2014, trong đó có dàn phóng Typhon, với các tên lửa chống hạm tầm bắn 1.500 km. Trong tuần qua, Quân đội Philippines cho biết, các dàn phóng Typhon sẽ được chuyển về Mỹ vào tháng 9, sau các đợt tập trận. Theo nhà Malcolm Davis, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Chính sách chiến lược Úc, các loại vũ khí này có thể nhanh chóng được điều động trở lại Philippines, nếu cần.

Thế mạnh thứ hai là các thỏa thuận về an ninh với một số đồng minh trong khu vực như Nhật và Úc, cho phép Manila có thêm lực lượng để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia. Thế mạnh thứ ba là chính sách “kiên quyết minh bạch thông tin” (assertive transparency) đối với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, được khởi sự dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos.
Phơi bày ‘‘chiến thuật vùng xám’’ của Trung Quốc ra ánh sáng

“Chiến thuật vùng xám” sẽ có hiệu quả nhất khi diễn ra trong bóng tối. Phơi bày các hành động “hung hãn” và “phi pháp” của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên truyền thông là một biện pháp có thể giảm thiểu tác dụng của chiến thuật này. Việc Manila kiên quyết không thừa nhận một “thỏa thuận ngầm” với Bắc Kinh, dàn xếp tạm thời tranh chấp, được coi là có từ thời tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte, có thể là kết quả của chính sách ‘‘kiên quyết minh bạch thông tin’’ này.Đọc thêm : Trung Quốc gia tăng ‘‘chiến tranh tâm lý’’ để gây phân hóa nội bộ Phillipines

Theo người sáng lập tổ chức tư vấn an ninh Project Sealight, đại tá Không quân Mỹ hưu trí, Raymond Powell, việc minh bạch thông tin là biện pháp hữu hiệu để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Ông ví von: ‘‘nếu bạn bật đèn ở vùng xám, lũ gián sẽ tháo chạy tán loạn’’.
Bắc Kinh điều ‘‘quái thú”, Washington hỗ trợ Manila nhiều hơn

Manila cũng có thể yêu cầu Washington trực tiếp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ chủ quyền, cụ thể là trong việc tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây. Hôm 05/07/2024, chỉ huy Quân đội Philippnes, tướng Romeo Brawner, cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ trong các hoạt động tiếp tế nói trên, nhưng Manila hiện chưa chấp nhận.

Trung Quốc dường như tỏ ra không kém phần cứng rắn. Hôm nay, theo Tuần duyên Philippines, đúng vào ngày đối thoại cấp thứ trưởng Ngoại Giao hai nước, Bắc Kinh điều tàu tuần duyên lớn nhất thế giới CCG 5901, dài 165 mét, thường được mệnh danh là “Quái thú”, vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
‘‘Người đàn bà thép’’ chống Nga được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu

Ngày 27/06 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đề cử thủ tướng đương nhiệm Estonia làm lãnh đạo ngoại giao tương lai của khối. Lãnh đạo ngoại giao là chức vụ được coi là quan trọng thứ ba của Liên Hiệp Châu Âu, sau chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

Nhân sự này sẽ được đưa ra phê chuẩn tại Nghị Viện Châu Âu họp vào giữa tháng này. Kaja Kallas là ai? Vì sao vị thủ tướng của quốc gia hơn một triệu dân này lại được chọn làm lãnh đạo ngoại giao của khối? Chọn lựa này gây phản ứng ra sao tại vùng Baltic?
Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas (P) bắt tay tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, Talin, Estonia, ngày 11/01/2024. AP

Thông tín viên Marielle Vituereau từ Vilnius cho biết một số thông tin:

‘‘Kaja Kallas đã quen với những lần đầu tiên. Năm 2019, với việc trở thành thủ tướng Estonia, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở đất nước mình.Việc bà được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng là điều chưa từng có. Theo nhà chính trị học Andres Kasekamp, đây là lần đầu tiên một người thuộc các nước Đông Âu giữ một chức vụ quan trọng như vậy và điều này là một bước tiến bộ đáng kể.

Kaja Kallas đã trở thành nhân vật chủ chốt trên chính trường châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.Đất nước của bà đã đi đầu trong việc ủng hộ Kiev.

Đối với chuyên gia người Litva, Margarita Seselgyte, đứng đầu Viện khoa học chính trị, điều này cho thấy sự thay đổi lập trường trong Liên Hiệp Châu Âu. Vị trí lãnh đạo ngoại giao giờ đây thuộc về đại diện của một quốc gia luôn có lập trường rất cứng rắn đối với Nga. Theo viện trưởng Viện khoa học chính trị Litva, đây cũng là một thành công cho khu vực của chúng tôi. Dần dần mọi người bắt đầu lắng nghe chúng tôi.

Việc trở thành lãnh đạo ngoại giao Liên Âu là một lối thoát đáng mừng cho thủ tướng Kaja Kallas trong bối cảnh nền kinh tế Estonia hiện đang hoạt động kém, các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang bị chỉ trích.Uy tín chính phủ của bà đang ở mức thấp nhất trong lịch sử’’.
Vị thủ tướng bị Nga truy tố: Ký ức về Liên Xô và hơi thở tự do từ bên kia "bức tường Berlin"

Thủ tướng Estonia có những hồi ức khó quên về thời kỳ toàn trị Liên Xô. Năm 1949, mẹ của bà bị đưa đi Siberi cùng với gia đình từ khi mới sáu tháng tuổi. Với Kaja Kallas, chế độ Putin đối xử với Ukraina hiện nay tương tự như với Estonia, khi bị sát nhập vào Liên Xô năm 1940. Đến khi độc lập năm 1991, 30% dân ở Estonia là người Nga.

Kaja Kallas lên 11 tuổi, khi người cha Siim dẫn bà đến Đông Đức, một năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Đứng bên này bức tường, ông nói với con gái: ‘‘Hãy hít một hơi thật sâu bầu không khí đến với chúng ta từ bên kia’’. Siim Kallas là cựu thủ tướng Estonia, người sáng lập đảng trung hữu Cải Cách Estonia, mà Kaja Kallas hiện lãnh đạo.

Đầu năm 2024, cảnh sát Nga ra lệnh truy nã thủ tướng Estonia, nhưng không nêu lý do. Một nguồn tin an ninh Nga cho biết, một số bộ trưởng trong chính quyền Estonia bị truy tố về tội ‘‘báng bổ lịch sử’’, liên quan đến việc phá bỏ các tượng đài thời Liên Xô.
Rối ren bầu cử Quốc Hội Pháp: Báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc vui mừng

Tại nước Pháp đang có cuộc bầu cử Quốc Hội được đánh giá quan trọng bậc nhất của nền đệ ngũ Cộng Hòa. Cuộc bầu cử này được nhìn nhận ra sao từ phía báo chí nhà nước Trung Quốc ? Tuần san Courrier International có bài điểm lại chủ đề này. Theo Courrier Internationale, một bộ phận báo chí Trung Quốc tỏ ra lo lắng về kết quả cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp, có thể dẫn đến “một chính sách thiếu rõ ràng” của Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại số một của Bắc Kinh. Nhưng nhiều tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc nhất cũng không che giấu niềm vui trước tình hình “hỗn loạn” như vậy ở phương Tây.

Trang tin tức Người quan sát Thượng Hải (Guanchazhe) đặt câu hỏi làm thế nào mà “cánh cực hữu của Pháp, vốn chưa từng nắm quyền kể từ khi thời chế độ Vichy hợp tác nước Đức Quốc xã, từ năm 1940 đến năm 1944, lại có thể trở lại nắm quyền với những nỗ lực được bà Le Pen triển khai trong hơn một thập niên ?’’. Theo Người quan sát Thượng Hải, quyết định giải tán đột ngột Quốc hội của tổng thống Macron rõ ràng ‘‘đã gây phản tác dụng’’.

Cũng về quyết định giải tán Quốc Hội của Macron, tạp chí kinh tế Tài Kinh (Diyi Caijing) nhấn mạnh “Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội với hy vọng tăng cường ảnh hưởng của đảng mình bằng cách xáo bài làm lại, nhưng quyết định này đã gây ra hỗn loạn và tiêu cực nhiều hơn dự kiến”.

Theo trang Người Quan sát Thượng Hải, theo xu hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa, “cuộc bầu cử này có thể là cuộc bỏ phiếu để lại những hậu quả tàn khốc nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đối với nước Pháp’’. Nhưng bằng cách làm suy yếu “trật tự thế giới thời hậu chiến, cuộc bầu cử này cũng có thể gây bất ổn cho toàn bộ khối Liên Âu, NATO và phương Tây”. Courrier International nhận xét, câu này cho thấy trong giới cầm quyền Trung Quốc, có một số người vui mừng trước viễn cảnh này.
Vụ hụt hơi trước Trump: Biden nói không còn trẻ nhưng quan trọng là ‘‘không nói dối’’

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ thứ Năm tuần trước, gây thất vọng đặc biệt với những người ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ. Ngay sau đó, tại Raleigh, bang Bắc Carolina, trước những người ủng hộ ông, tổng thống Joe Biden giải thích về lý do phong độ ông đột ngột sụt giảm, đồng thời khẳng định sẽ không lùi bước.

Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :

Đối mặt với những người ủng hộ đến gặp ông ở bang Bắc Carolina, tổng thống Joe Biden dường như đã lấy lại được phong độ. Ông tìm thấy giọng nói và mạch nghĩ của mình. Joe Biden nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ và giữ vững nền dân chủ !”. Thật khác xa với hình ảnh ứng cử viên bối rối và phờ phạc, khi ông tranh luận với Donald Trump vài giờ trước đó.

Tổng thống đảng Dân Chủ cũng đáp lại nhiều lời chỉ trích sau màn trình diễn yếu kém của mình. Joe Biden giải thích: “Tôi biết là mình không còn trẻ nữa. Tôi không còn đi lại dễ dàng như trước, tôi không còn ăn nói hoạt bát như trước, tôi không còn tranh luận tốt như trước nữa. Nhưng ít nhất tôi biết cách nói sự thật, tôi biết cách phân biệt đúng sai và tôi biết cách hoàn thành phận sự của mình !”

Một lời đả kích trực tiếp nhắm vào đối thủ đảng Cộng Hòa Donald Trump, người đã liên tục tung ra những lời lẽ dối trá trong cuộc tranh luận đầu tiên của chiến dịch tranh cử.

Trong khi thừa nhận màn trình diễn vào tối thứ Năm vừa qua là kém cỏi, Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi hứa với các vị rằng tôi sẽ không trở thành ứng cử viên, nếu tôi không thực sự tin tưởng là mình có thể làm được công việc này”.
Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill Biden tại cuộc vận động tranh cử ở Raleigh, bang Bắc Carolina, ngày 28/06/2024. AP - Evan Vucci


Tổng thống Biden muốn được ngủ sớm hơn

Điều tra của Reuters/Ipsos cho thấy một phần ba cử tri cánh tả muốn tổng thống rút. Theo một số thăm dư luận, chênh lệch giữa tỉ lệ cử tri ủng hộ đối thủ Donald Trump gia tăng sau cuộc tranh luận này.

Theo CNN và New York Times hôm 04/07, dẫn một số nguồn tin ẩn danh, trong một cuộc họp với các thống đốc bang đảng Dân Chủ, tổng thống Biden cho biết ông sẽ phải nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, và sẽ không tham gia các hoạt động sau 20 giờ.
Đức chấp nhận hai quốc tịch

Ngày 27/06, chính phủ Đức vừa thông qua một cuộc cải cách có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên, những người có quốc tịch ngoài châu Âu được phép có thêm quốc tịch Đức. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo tuyên bố sẽ đảo ngược lại quyết định này, nếu lên nắm quyền.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

‘‘Đối với phía cánh tả, trước hết với đảng Xanh, đây là một thay đổi cách mạng triệt để, cho phép hiện đại hóa đất nước với việc khiến cho nước Đức trở nên rộng mở hơn với dân nhập cư. Ngược lại, đối với cánh hữu và cực hữu, với quyết định này chính quyền đã hạ giá quốc tịch Đức, và khuyến khích thêm nhiều người nước ngoài đến Đức, trong lúc lẽ ra vào thời điểm hiện nay, cần kiểm soát chặt hơn việc nhập cư.

Như vậy, một trong các cuộc cải cách xã hội chủ chốt của chính phủ đương nhiệm chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay. Cải cách này tạo thuận lợi cho việc cấp quốc tịch Đức với việc rút ngắn thời hạn xét duyệt, từ 8 năm trước đây rút còn 5 năm. Đối với những người hội nhập tốt - hoạt động tích cực về mặt xã hội, thời hạn này có thể rút xuống chỉ còn 3 năm.

Một thay đổi lớn khác, đó là quyền có hai quốc tịch giờ đây trở thành nguyên tắc chung, trong lúc nước Đức cho đến hiện tại, điều này chỉ được phép đối với các công dân thuộc Liên Hiệp Châu Âu và Thụy Sĩ.

Chính quyền Đức dự kiến sẽ có một làn sóng đơn xin nhập quốc tịch, bất chấp việc người nộp đơn sẽ phải xếp hàng chờ rất lâu. Khoảng 200.000 hồ sơ hiện đang chờ xử lý, chỉ tính riêng tại các thành phố lớn, theo một thăm dò. Năm 2023, đã có 200.000 người nhận được quốc tịch Đức, số lượng cao nhất kể từ năm 2000’’.

No comments:

Post a Comment