Sunday, April 13, 2025

Phan Tường: Quả bom “sữa cỏ” rúng động thị trường
Vũ Kim Hạnh
13-4-2025
Tiengdan

Ảnh: Tuổi Trẻ

Vụ việc nghiêm trọng này thật sự gây rúng động thị trường hàng tiêu dùng trong hai ngày qua. Nó không chỉ là vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn là dấu hỏi lớn về công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Từ năm 2023, chuyên mục “5 phút – chuyện thị trường” đã báo động tệ nạn này với tựa câu chuyện là: “Quả bom cho sức khỏe người tiêu dùng” (ngày 23/10/2023), nay còn lưu trên đầu trang Tik Tok của chuyên mục, với hai triệu tám trăm ngàn (2.800.000) người đã nghe và xem, chứng tỏ sự quan tâm lớn của xã hội.

573 nhãn hiệu, con số lớn cỡ nào?

Đây là số nhãn hiệu mà công ty này đã sản xuất và cũng cấp ra thị trường trong mấy năm qua. Theo thống kê cộng hết thượng vàng hạ cám thì Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 nhãn hiệu sữa các thể loại (cho trẻ em và người lớn). Vậy mà riêng một doanh nghiệp vi phạm đã sản xuất hơn 1/4 tổng số nhãn hiệu. Rất khủng khiếp.

Đi sâu một chút nữa không khó để thấy con số 573 này ẩn chứa rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Chỉ cần có kiến thức cơ bản thôi về quản lý thôi cũng thấy rõ là nếu truy xem nhà sản xuất là ai, là 1, 2, hoặc bao nhiêu doanh nghiệp thì không ai có thể sản xuất và tự quản lý, phân phối ngần ấy nhãn hiệu ra các điểm bán hàng vì thực sự nó vô cùng phức tạp. Mà thường doanh nghiệp sản xuất chỉ là sản xuất thuê cho các công ty thương mại khác. Trên thị trường sữa nói chung, người hoạt động chuyên nghiệp trong ngành sẽ hiểu ngay thực trạng này, các doanh nghiệp thương mại rất dễ dàng đứng ra thuê các công ty sản xuất để gia công các nhãn hiệu sữa theo yêu cầu, rồi sau đó họ chỉ vận chuyển về và bắt đầu quy trình phân phối và bán hàng ra thị trường.

Nhưng vì sao sữa có ra đời và vẫn sống tốt?

Có thể nói ít có nước nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra đời một sản phẩm sữa như Việt Nam. Một doanh nghiệp chỉ cần có vài tỷ đồng, chẳng cần chứng minh một năng lực gì cũng có thể đăng ký và cho ra đời một nhãn hiệu sữa với những kiểu quảng cáo táo bạo về tính năng sản phẩm. Đó cũng là nguyên nhân chính cho sự ra đời đến 2.000 nhãn hiệu như vậy.

Và cũng từ đó cái tên gọi “sữa cỏ” ra đời. Từ “cỏ” được dùng đúng như nghĩa đen của nó.

Sự bùng nổ sữa cỏ tại thị trường Việt Nam chẳng phải mới đây mà đã có từ hơn 10 năm trước. Theo ước tính trong ngành hàng sữa trẻ em sữa cỏ chiếm khoảng 20 – 25% thị phần. Với dung lượng hàng tỷ đôla thì chỉ cần nhân với con số này sẽ thấy nhóm sữa cỏ có doanh số lớn cỡ nào. Thu nhập lớn nên liều bạo là vậy. Chúng thật sự là cơn đau đầu của tất cả các nhà sản xuất sữa lớn tại Việt Nam.

Bí kíp để phát triển nhanh? “Bí kíp” thứ nhất, sữa cỏ sống được, trước nhất là vì yếu tố giá rẻ. Với cùng trọng lượng mà giá sữa có chỉ bằng 1/4 đến 1/3 giá sữa xịn. Tất nhiên họ cũng ngang nhiên tuyên bố chất lượng cao với đầy đủ các dưỡng chất như những sản phẩm của những hãng lớn có bề dày đầu tư nghiên cứu và phát triển. Đối tượng khách hàng nhắm đến là người tiêu dùng nông thôn, người thành thị thu nhập thấp. Những người mà kiến thức sản phẩm sữa dinh dưỡng còn hạn chế.

“Bí kíp” thứ hai chính là giành được sự ủng hộ của người bán lẻ bằng cách cung cấp một tỷ lệ lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn khi bán ra một lon. Nếu như một lon sữa xịn người bán lẻ có thể chỉ lãi từ 10 đến 30 nghìn đồng, thì một lon sữa cỏ sẽ luôn nằm ở mức 100 – 150 nghìn đồng. Điều này làm cho người bán lẻ có động lực lớn tham gia phân phối.

Cho nên mới có tình trạng bước vào phần nhiều các cửa hàng sữa sẽ thấy một bên là những sản phẩm của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thì luôn có một khu khác dành cho những sản phẩm sữa cỏ mang lại nhiều lợi nhuận. Những chính sách về công nợ, khuyến mãi và đổi trả hàng hoá thì luôn tốt đặc biệt. Người bán lẻ không cần đầu tư nhiều cũng có thể kiếm nhiều lời.

Sức sống của sữa cỏ cũng bền bỉ và khó trị như cỏ lan nhanh chóng mặt trên đồng ruộng, nghĩa đen của từ “cỏ” là như thế.

Mối nguy thì thấy quá rõ, như trong kết luận ban đầu của cơ quan công an với trường hợp ở trên là sản phẩm đúng là giả chứ không chỉ là chất lượng thấp nữa.

Sữa dỏm tràn lan vậy sao bây giờ mới bắt?

Nghịch lý là ở chỗ này. Chỉ cần ra hiệu sữa là gặp, rồi chục năm nay doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc đã ca thán, kiến nghị, khóc lóc nhiều rồi nhưng cơ quan có thẩm quyền hầu như không xử lý được gì. Rõ ràng là lỏng lẻo.

Cũng cách đây không lâu, tháng 8-2024, cơ quan điều tra đã bắt Tổng giám đốc Công ty cổ phần “Sữa Hà Lan” về tội sản xuất sữa giả với qui mô lớn. Táo tợn là Tổng giám đốc là dược sĩ, dám đặt tên công ty gây nhầm lẫn với thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan!

Đến lúc phải xem việc sản xuất và phân phối một sản phẩm đặc thù như sữa là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì nó liên quan đến sức khoẻ giống nòi. Mà sự tổn hại nghiêm trọng nó gây ra không dễ gì nhìn thấy được tức thì. Nó len lỏi và gây hại cho trí não của trẻ, cho sức khỏe người già âm ỉ, kéo dài và hậu quả khôn lường. Là ngành kinh doanh có điều kiện thì quy định, tiêu chuẩn phải rõ ràng, nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ.

Trị cỏ thì phải có thuốc đặc trị, liệu cao.

No comments:

Post a Comment