Tuesday, April 22, 2025

Giáo dục đã thay đổi gia đình con
Mạc Văn Trang
22-4-2025
Tiengdan

Hôm qua vợ chồng tôi đi taxi grab. Anh lái xe rất thân thiện, cởi mở, hỏi tuổi bọn tôi rồi bảo: Ba con mất mới 75 tuổi, còn đến nay là tuổi 90. Ổng vất vả, cực khổ quá… Má con nay 82 mà còn khoẻ mạnh, thích đi đây đi đó. Nhưng bả hay lắm, đi đâu cũng gọi xe con đưa đi; đi gần đi xa gì trong thành phố, cũng dúi cho con 500 ngàn. Con nói, má kỳ quá, con chở má mà lấy tiền sao!

Má bảo, mày cực nhất nhà, bỏ học nửa chừng đi làm phụ với ba để nuôi đàn em đi học. Nay chúng nó cho má tiền, tiêu xài không hết để làm gì? Má thương mày nhất.

Tôi hỏi, có mấy em và làm gì mà có lắm tiền?

– Dạ, có 6 anh em. Con lớn nhất, đến ba thằng em rồi hai cô gái. Ba thằng, thì một thằng làm giám đốc, một thằng phó phòng, một thằng doanh nghiệp tư nhân. Hai cô em thì một cô lấy chồng bên Úc châu, một cô giám đốc công ty. Mỗi con là hết chạy xe ôm, lên đời xe taxi Grab.

– Anh có nhớ kỷ niệm gì về ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn không?

– Dạ, năm 1975 con 5 tuổi, gia đình ở Bình Thuận, chỉ nghe tin “các chú bộ đội giải phóng”… Thế rồi gia đình phải đi làm “kinh tế mới”. Ba con đưa cả nhà chạy về Bạc Liêu. Ở đó 10 năm, cả nhà cũng cực nhọc, nhưng mót lúa cũng đủ ăn, rồi cua, ốc, cá, tôm nhiều lắm, đi bắt về ăn thôi. Không sợ đói.

Nhưng năm 1985 ba con bảo, phải về Sài Gòn cho các con đi học mới có tương lai. Ba con mua được căn nhà nhỏ trong hẻm, ở phường 10, quận 4. Trời ơi, khu ổ chuột này đầy trộm cướp, đĩ điếm, nghiện xì ke… Đôi dép vừa để ở cửa, quay vào mất tiêu rồi! Trẻ con ở đây không có đi học.

Ba con làm phụ cho lò bánh mì, má con buôn bán linh tinh, bọn con đứa nào đến tuổi, ba đều bắt đi học. Học một buổi, một buổi về phụ việc nhà, kiếm sống thêm.

Chỉ có con phải bỏ học nửa chừng đi làm, còn năm đứa học hết phổ thông vào Đại học hết.

Cả cái xóm ấy không ai học hành gì hết. Họ đều thán phục ba má con biết giáo dục con, không gì bằng để cho con vốn đạo đức, có học hành, nghề nghiệp. Khi khá lên, nhà con mua nhà đàng hoàng ở quận 6. Đúng là giáo dục đã đổi đời gia đình con.

– Thế anh có mấy con? Có duy trì truyền thống học tốt không?

– Con có hai đứa. Thằng lớn tốt nghiệp Đại học đi làm rồi. Đứa con gái đang học Đại học. Bây giờ lo cho con học, vất vả tốn kém hơn xưa nhiều lắm. Như bây giờ, mấy anh em con chắc không học hết được.

– Vậy là cách mạng cũng có cơ hội tốt về giáo dục cho người nghèo đấy chứ?

– Phải nói là việc ngăn sống cấm chợ, đánh tư sản, hợp tác hoá, tập thể hoá… làm loạn hết cả lên. Khổ quá. Nhưng giáo dục thì lại không mất tiền, khuyến khích con nhà nghèo đi học. Mà lúc đó các thầy cô cũng đói lắm. Học có một buổi, không bắt học thêm. Một buổi về nhà, cả giáo viên học sinh đi kiếm ăn. Đói khổ quá, nhưng các thầy cô ngày ấy thương học trò lắm, không như bây giờ.

Câu chuyện của anh lái xe khiến tôi suy nghĩ mãi. Giáo dục bây giờ thương mại hoá triệt để, ngày càng xa rời các giá trị bản chất: Chân, Thiện, Mỹ, Ích… khiến xã hội mất hết niềm tin.

Nhiều người tiếc nuối nền giáo dục Việt Nam Cộng hoà với Triết lý: “Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng” rất tiến bộ.

Rồi lại tiếc nuối nền giáo dục thời bao cấp, một nền giáo dục tuy còn những khiếm khuyết nhưng vì Nhân dân, của Nhân dân, không bị thao túng nhiễu loạn bởi các nhóm lợi ích như hiện nay.

Ký ức của một thiếu niên trưởng thành ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 gợi cho ta nhiều suy nghĩ về nền giáo dục nước nhà ngày nay.

No comments:

Post a Comment