Thursday, April 24, 2025

Tiểu Vũ – Hai người lính và khoảng cách đôi bờ ký ức
jeudi 24 avril 2025
Thuymy


Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hai người lính đứng bên nhau, vai kề vai giữa cánh đồng hoang vu. Một người trong quân phục giải phóng quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người kia khoác áo lính rằn ri của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Không còn ranh giới chiến tuyến, không ai còn chĩa súng vào nhau, không còn ngón tay đặt lên cò sẵn sàng nhả đạn. Chỉ còn hai con người đứng cạnh nhau, khoác vai lặng lẽ, như thể mọi chia cắt từng tồn tại đã lùi lại phía sau.

Những trận chiến khốc liệt đã qua, nhường chỗ cho một khoảnh khắc yên bình, nơi chiến tranh không còn hiện diện bằng tiếng bom rơi đạn nổ. Nhìn kỹ vào bức ảnh, ta bắt gặp những ánh mắt suy tư, ẩn sâu trong đó là lớp lớp ký ức chồng chất của cả hai người lính.

Chính sự lặng lẽ ấy tạo nên thông điệp mạnh mẽ mà chẳng cần một lời nào thêm. Hai con người từng đứng ở hai phía đối nghịch, từng giáp mặt nhau qua làn đạn, giờ đây sát vai nhau, lặng yên đối diện với ký ức. Đó là lời nhắn nhủ về một khát vọng nhân văn sâu xa. Bức ảnh không chỉ ghi lại một khoảnh khắc lịch sử, mà còn là minh chứng rằng, sau tất cả, điều còn lại là con người. Con người có thể buông súng, buông bỏ hận thù, để tìm lại sự đồng cảm nguyên sơ.

Cánh đồng hoang vu phía sau họ, tưởng như trống trải, lại là bối cảnh đậm chất ẩn dụ. Đó là phần đất từng bị bom đạn cày xới, là ký ức chiến tranh còn để lại khoảng trống chưa lấp đầy. Nhưng chính nơi đó, hai người lính chọn đứng cạnh nhau, chấp nhận sự hiện diện của quá khứ mà không để nó tiếp tục chia cắt. Khoảnh khắc ấy, bức ảnh ấy, mở ra nhiều tầng ý nghĩa : Từ khát vọng vượt qua ranh giới lịch sử đến khao khát chạm tới sự bình yên trong lòng mỗi con người.

Nhưng để đi từ khoảnh khắc ấy đến hành trình hòa hợp và hòa giải, lại là một câu chuyện khác.

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, hòa bình và thống nhất đất nước đã hiện hữu, nhưng những vết sẹo để lại trên thân thể đất nước và trong lòng người vẫn chưa thể nguôi ngoai. Hòa hợp là hành trình dài, đầy thử thách.

Vết thương chiến tranh không chỉ nằm ở những thành phố đổ nát hay những cánh đồng bom cày xới, mà còn khắc sâu trong ký ức từng con người. Đó là những câu chuyện chưa kể hết, những nỗi đau riêng không ai giống ai, những vết sẹo vô hình vẫn âm ỉ nhức nhối mỗi khi lòng người đổi thay. Và trong ánh mắt hai người lính ấy, ta thấy cả một trời trăn trở : Làm thế nào để bước qua quá khứ, để thật sự lại gần nhau ?

Người lính trong quân phục giải phóng quân, mang trong mình lý tưởng chiến đấu và hy sinh để thống nhất non sông, mang lại cuộc sống tự do, yên bình cho mọi người dân. Khi chiến tranh lùi xa, lý tưởng ấy tiếp tục soi đường để họ hướng đến hợp hòa giải, bởi thắng lợi sau cùng không chỉ nằm trên chiến trường, mà còn ở sự hàn gắn lòng người, để quá khứ không còn là ranh giới ngăn cách.

Người lính miền Nam, có thể từng mang trong tim khát vọng bảo vệ quê hương, gia đình, giữ gìn một nếp sống quen thuộc. Mỗi người, mỗi phía, đều có những lý do để cầm súng, để đứng ở bên kia chiến tuyến. Và khi súng đạn qua đi, ai cũng mang trong mình những mảnh vỡ, những tổn thương cần được hàn gắn.

Khó khăn lớn nhất của hòa giải nằm ở chỗ : Ký ức không bao giờ là một tấm gương phẳng. Nó là tấm gương chập chờn, soi chiếu những mảnh ghép rạn vỡ, phản chiếu lại quá khứ qua lăng kính cảm xúc, định kiến và những tổn thương riêng biệt.

Ký ức không chỉ là những câu chuyện được kể lại, mà còn là cách mỗi người lựa chọn nhớ lấy, lựa chọn quên đi, và lựa chọn truyền lại cho thế hệ sau. Mỗi phía đều mang theo một phiên bản của quá khứ, được xây dựng từ chính những mất mát, hy sinh, và nỗi đau mà họ trải qua. Và khi những câu chuyện ấy được kể để củng cố niềm tin rằng mình là người đúng, mình là phía chịu thiệt thòi hơn, thì những khoảng cách vô hình lại càng được khắc sâu.

Ký ức, vốn dĩ là điều gắn kết con người với lịch sử, lại có thể trở thành bức tường ngăn cách giữa những con người cùng một dòng máu. Bởi không phải ai cũng sẵn lòng nhìn thấy phần chân thực của phía bên kia, nơi mà nỗi đau cũng lớn như chính nỗi đau của mình. Khi ký ức không chạm được vào nhau, khi mỗi câu chuyện chỉ để bảo vệ một lập trường, thì hòa giải mãi là một hành trình dở dang, đầy rào cản.

Làm thế nào để hành trình hòa giải bớt gập ghềnh ? Có lẽ, câu trả lời đó là cần kiên nhẫn đủ dài, và lòng thấu cảm đủ sâu. Bởi hòa giải không phải là xóa bỏ quá khứ, cũng không phải là bắt người khác thừa nhận lỗi lầm của mình. Hòa giải là cho nhau cơ hội để kể lại những câu chuyện đã qua, để những ký ức, dù khác biệt, có thể chạm vào nhau mà không bị phủ nhận, không bị phán xét.

Chỉ khi con người có thể lắng nghe nhau, lắng nghe thật sự, bằng một trái tim rộng mở và một đôi tai không phòng bị, thì những bức tường ký ức mới có thể xô lệch đi đôi chút. Để thấy rằng trong chiến tranh, không ai là người chiến thắng trọn vẹn, và mọi mất mát đều đáng được sẻ chia.

Hòa giải không phải là câu chuyện riêng của bất kỳ quốc gia nào. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức từng bị chia cắt thành Đông Đức và Tây Đức, biểu tượng rõ rệt nhất là bức tường Berlin – bức tường của chia ly, của nghi kỵ, và của những mất mát tưởng như không thể hàn gắn. Khi bức tường ấy sụp đổ vào năm 1989, nước Đức thống nhất về mặt địa lý, nhưng quá trình hòa giải trong lòng người dân hai miền là một hành trình kéo dài nhiều thập kỷ.

Sự khác biệt về thể chế, kinh tế, lối sống, và cả những ký ức riêng biệt của người dân hai miền đã tạo nên những khoảng cách sâu sắc. Nhưng rồi bằng những chính sách kiên nhẫn, bằng giáo dục, bằng nghệ thuật, bằng những cuộc đối thoại không mỏi mệt, nước Đức từng bước thu hẹp lại những khoảng cách ấy. Họ không xóa bỏ quá khứ, không phủ nhận những vết thương, mà lựa chọn đối diện, học cách lắng nghe nhau, kể cả những điều khó nghe nhất.

Quá trình hòa giải ấy cho thấy : Sụp đổ một bức tường bằng gạch chỉ cần sức mạnh của con người, nhưng để phá vỡ những bức tường trong lòng người, cần sức mạnh của sự thấu hiểu, của thời gian và của lòng tin. Bài học từ nước Đức nhắc nhở rằng, thống nhất không chỉ là xóa đi một đường biên giới, mà là xây dựng lại những cây cầu trong tâm trí và trái tim con người.

Liên hệ ấy, khi đặt bên cạnh bức ảnh hai người lính vai kề vai giữa cánh đồng xưa, khiến ta hiểu rõ hơn : Hòa giải là hành trình của nhiều thế hệ, bởi vết sẹo của chiến tranh không lành ngay sau một đêm. Nhưng mỗi bước đi, dù nhỏ bé, đều quan trọng : Một ánh mắt dám nhìn thẳng vào nhau, một câu chuyện được lắng nghe đến tận cùng, một cánh tay khoác vai nhau như trong bức ảnh ấy. Tất cả đều là những viên đá lót đường cho một tương lai, nơi chiến tranh chỉ còn là ký ức, chứ không còn là vết sẹo chia cắt người với người.

Và có lẽ, nếu ai đó vẫn kiên định với hận thù chia cắt thì hãy cho họ xem bức ảnh hai người lính khoác vai nhau mắt hướng về phía tương lai...

TIỂU VŨ 23.04.2025

No comments:

Post a Comment