Wednesday, April 30, 2025

Lê Nguyễn - Người 50 năm cũ, hồn ở đâu bây giờ
mercredi 30 avril 2025
Thuymy


Chiều nay, bỗng dưng người bạn thân thiết của tôi, luật sư Trần Quốc Khánh, đăng tải một “phóng sự ảnh” với tiêu đề “Những CON NGƯỜI thuộc về 50 năm trước…”.

Cũng chỉ là những hình ảnh kỷ niệm với người thân, với bạn vong niên, với những phận người chìm nổi sau một cuộc đổi đời, song mang lại cảm xúc nhiều nhất là hình ảnh những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.

Sau tháng 4.1975, họ bị buộc phải rời bỏ các ngôi làng phế binh mà chính quyền cũ cất cho họ và gia đình, như sự đền đáp phần nào những hy sinh, mất mát của họ. Và từ đó, họ lăn thân vào xã hội - đúng hơn là dưới đáy xã hội - kiếm sống với một cơ thể đầy thương tật. Bán vé số, đánh giày, thậm chí xin ăn để kéo dài những ngày tàn, đồng thời giữ vững nhân cách những con người còn có phẩm giá làm người.

Nhìn họ, nghĩ đến họ, chợt nhớ đến hai câu thơ ngày nào của Nguyễn Tất Nhiên:

Đời vốn chẳng nương người thất thế,

Thì thôi, ô nhục cũng là danh!

Nhà thơ viết hai câu này vào năm 1973, nhưng chắc anh không ngờ nó lại vận vào số phận của hàng triệu người hai năm sau đó.

Năm mươi năm qua rồi, những anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nay may mắn còn sống, vẫn duy trì được một cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng đầy phẩm hạnh, điều đó tưởng chừng như một phép lạ. Có thể đó là phép lạ xuất phát từ một nền giáo dục dạy cho con người biết yêu thương, biết chịu đựng nghịch cảnh, biết nhẫn nhục để tồn tại.

Nhìn anh bán vé số mất cả hai chân, giơ bàn tay cụt hết 4 ngón, nở nụ cười rạng rỡ, hiền lành, mà nước mắt mình cứ chực trào ra, đúng như câu nói của ai đó: “nhìn nụ cười của kẻ khổ đau còn thương tâm hơn nhìn những giọt nước mắt của họ”.

Năm mươi năm qua đi, kẻ mất người còn, hệ lụy của cuộc chiến tàn khốc còn bám dai dẳng trong tâm thức, trong thân phận của mỗi con người. Mình thương nhất, quý trọng nhất những thương phế binh đã cống hiến một phần thân thể trong cuộc chiến, nhằm mục tiêu duy nhất là bảo vệ mảnh đất mà họ đang sống.

Năm mươi năm qua rồi, họ đã âm thầm chịu đựng cuộc sống đói nghèo, đầy bất trắc, lấy chính cuộc đời đầy phấn đấu của họ làm bài học cho thế hệ đến sau. Họ xứng đáng hơn ngàn lần những kẻ ở vào địa vị cao sang, sống bằng mồ hôi nước mắt của hàng triệu người dân thấp cổ bé họng, vinh thân phì gia trên những nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt của đất nước.

Giờ này, bóng tối đang bao trùm một phần xứ Mỹ, có nghĩa là ánh sáng đang chói lọi một ngày mới ở Sài Gòn, ngày của những cuộc diễn binh (tôi không sử dụng từ “diễu binh”), những cuộc tuần hành rực rỡ cờ hoa của người thắng trận, tôi gửi lòng mình đến những thân phận lạc loài trên đất nước thân yêu.

LÊ NGUYỄN

Louisville - 29.4.2025

No comments:

Post a Comment