Tuesday, April 29, 2025

Tia hy vọng từ cuộc gặp ngắn ngủi Trump-Zelensky ở Vatican
Thụy My
Đăng ngày: 29/04/2025 - 07:57
RFI

Cuộc gặp bất ngờ giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraina bên lề tang lễ Đức giáo hoàng Phanxicô, chiến tranh ở Ukraina và cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một số vấn đề đáng chú ý hôm nay 28/04/2025.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp nhau trong khi chờ dự tang lễ của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, ngày 26/04/2025. via REUTERS - Ukrainian Presidential Press Ser

400.000 người đến tiễn đưa Đức giáo hoàng Phanxicô  

« Roma trở thành trung tâm thế giới » trong tang lễ của Đức giáo hoàng Phanxicô - theo Le Monde. Tờ báo nhấn mạnh đến tầm mức của tang lễ : 160 phái đoàn ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới, 400.000 người tham dự.

Một số cựu nguyên thủ các nước không được dự vì không đủ chỗ, mỗi quốc gia chỉ được từ ba đến năm người - riêng cựu tổng thống Mỹ Joe Biden là người Công giáo, nhận được giấy mời. Có khi đại diện một số quốc gia chẳng mấy thân thiện với nhau buộc phải đứng gần nhau. Chỉ có Vatican áp đặt được : với 1,4 tỉ tín đồ dưới quyền chỉ một người, Giáo hội Công giáo có được tầm vóc hoàn vũ. Quảng trường Thánh Phêrô như một tháp Babel với những lời cầu nguyện bằng nhiều thứ tiếng.

La Croix đề cập đến một chi tiết, khi linh cữu giáo hoàng quá cố đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, khoảng bốn mươi người đã đợi sẵn trên bậc thềm giáo đường, trước cả hàng giáo phẩm. Đó là những người nghèo, người vô gia cư, di dân, vài tù nhân và người chuyển giới, với bông hồng trắng trong tay, đến tiễn ngài về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong số họ có những người sống lang thang, nhờ giáo hoàng mà đã có được một mái ấm.

Mật nghị Hồng y đã cận kề

Vatican « Tiến đến Mật nghị Hồng y » - tít trang nhất của La Croix. Le Figaro chạy tựa « Sau Phanxicô, Giáo hội chờ đợi tân giáo hoàng ». Các cuộc họp đang bước vào giai đoạn quyết định, 134 Hồng y cử tri cùng với các Hồng y lớn tuổi không có quyền bỏ phiếu, sẽ tập trung thảo luận và suy ngẫm về những ưu tiên của Giáo hội trong tương lai, từ đó hình thành chân dung của vị giáo hoàng mới. Ngay từ ngày 22/04, sau khi tin Đức giáo hoàng Phanxicô từ trần được đưa ra, thời điểm và nghi thức tang lễ được loan báo, số Hồng y đến Vatican lần lượt tăng lên. Những chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới lần lượt đáp xuống phi trường Ý Fiumicino.

Trong số 134 Hồng y cử tri, có đến 108 vị lần đầu tiên bước chân vào nhà nguyện Sixtine. Một Hồng y ẩn danh kể, buổi sáng nghe tin, buổi chiều đã nhận được email triệu tập vào 9 giờ sáng hôm sau. Phải nhanh chóng đặt vé máy bay, soạn hành trang trong vòng một tiếng đồng hồ, bỏ lại tất cả. Trong số đó có một Hồng y sẽ không quay về : đó sẽ là giáo hoàng tương lai. Một khi có mặt ở Roma, trước hết họ phải lo làm quen với nhau. Le Figaro nhắc nhở, 80 % Hồng y có quyền bỏ phiếu là do Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm, và nhiều người ở vị trí chưa được ba năm.

Những hình ảnh ấn tượng trong cuộc chiến tranh ở Ukraina 

Về cuộc gặp gỡ rất được chú ý giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Volodymyr Zelensky, Le Figaro nhận xét, cuộc chiến tranh ở Ukraina mang lại những hình ảnh có tính biểu tượng rất cao. Trước khi cuộc xâm lăng diễn ra, đó là cảnh Putin và Macron ngồi ở hai đầu chiếc bàn dài nhiều mét tại điện Kremlin, chứng tỏ sự hoài nghi của tổng thống Nga đối với đồng nhiệm Pháp.

Cách đây hai tháng, vụ hiếp đáp Volodymyr Zelensky ở Phòng Bầu dục Nhà Trắng cho thấy sự căm ghét của Donald Trump và JD Vance đối với tổng thống Ukraina. Cuộc gặp hòa dịu hơn tại đại giáo đường Thánh Phêrô ở Vatican, Trump và Zelensky mặt đối mặt, liệu có là dấu hiệu tiên khởi cho một bước ngoặt mới trong truyện dài ngoại giao kể từ cuối tháng Giêng ?

Libération cho biết hôm thứ Bảy, Volodymyr Zelensky đăng lên X bức ảnh với chú thích : « Một cuộc họp rất biểu tượng và có thể trở thành lịch sử », còn ngoại trưởng Andrii Sybiha ghi chú « Không có đủ từ ngữ để mô tả tầm quan trọng của cuộc gặp lịch sử này ». Tấm ảnh sau đó được AFP đưa lại, ghi nguồn là Bộ Ngoại giao Ukraina, cho thấy ê-kíp Zelensky muốn phổ biến rộng rãi cuộc hội ngộ kỳ diệu, khi linh cữu Đức giáo hoàng Phanxicô đang nằm gần đó ngoài tầm máy quay, trong khung cảnh huy hoàng của Vương cung thánh đường.

Tia hy vọng từ cuộc gặp ngắn ngủi Trump-Zelensky ở Vatican

Cuộc hòa giải thầm lặng này đảo ngược mọi dấu hiệu trước đó ở Nhà Trắng cuối tháng Hai, khi Zelensky phải đối phó với mấy chục nhà báo và camera, trong kịch bản phối hợp giữa Trump và Vance, không được coi là nạn nhân một cuộc xâm lăng đại quy mô, mà như một bị cáo. Lần này tại Roma, Zelensky rất đường hoàng, tự chủ một cách mẫu mực ; dù hôm trước đó trên Time Magazine, ông Trump thản nhiên nói rằng Nga có thể giữ luôn Crimée và Ukraina đã tự gây ra cuộc chiến khi muốn gia nhập NATO.

Cuộc gặp mặt trực tiếp tại Vatican, theo Libération, có không khí khác hẳn, trong khung cảnh choáng ngợp của ngôi giáo đường cẩm thạch do thiên tài Michel-Ange trang hoàng, xung quanh là hàng trăm khách mời và tu sĩ đang vội vã chuẩn bị cho một buổi lễ tầm cỡ toàn cầu. Cùng ngày, trong hậu trường diễn ra các cuộc gặp khác giữa các viên chức cấp cao Ukraina và Mỹ. Song song đó, Dmitri Peskov, phát ngôn viên Kremlin nói rằng Vladimir Putin sẵn sàng tái thương lượng với Ukraina mà không đặt điều kiện tiên quyết.

Le Figaro cho biết thêm, nhân dịp này Volodymyr Zelensky cũng đã gặp Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi, nhân vật số hai của Tòa Thánh, tương đương thủ tướng. Đây là vị Hồng y được nêu tên nhiều nhất như là người có thể trở thành giáo hoàng tương lai, tuy Mật nghị Hồng y thường có những điều bất ngờ. Tổng thống Ukraina cũng không quên tiếp xúc với Hồng y Matteo Zuppi, 69 tuổi, giám mục Bologne và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, một cái tên đầy triển vọng khác.

Sự giác ngộ muộn màng của tổng thống Mỹ ?

Trở về Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ bày tỏ sự nghi ngờ : « Chẳng có lý do gì để Putin bắn hỏa tiễn vào khu dân cư, các thành phố và làng mạc trong những ngày gần đây. Việc này khiến tôi nghĩ rằng có thể ông ta không muốn chấm dứt chiến tranh và chỉ muốn qua mặt tôi ». Với tính cách khó lường của ông Trump, sau tuyên bố có vẻ giác ngộ muộn màng này, liệu ngựa có quen đường cũ sau khi ra khỏi nhà thờ hay không, Libération tự hỏi. Nhật báo thiên tả kết thúc bài viết bằng chữ « Amen ».

Nhắc đến việc ông Trump nêu ra khả năng trừng phạt Nga, Le Figaro tự hỏi phải chăng sẽ có giải pháp cân bằng hơn, trong khi lâu nay Donald Trump thiên vị rõ rệt với Nga. Cuộc trao đổi « tích cực » giữa tổng thống Mỹ với Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer, cú bắt tay với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen mang lại cảm giác Donald Trump có vẻ chịu nghe những lý lẽ của châu Âu - cho đến nay vẫn phải đứng ngoài cuộc thương lượng.

Quân Nga được cho là đã tái chiếm được phần lớn vùng Kursk với sự giúp sức của lính Bắc Triều Tiên, nên có thể Matxcơva chấp nhận ngừng bắn ? Dù vậy hưu chiến không có nghĩa là hòa bình. Những cuộc thương lượng liên miên dẫn đến thỏa thuận Minsk trước đây không mang lại yên bình cho Donbass, mà còn giúp Nga củng cố lực lượng để tấn công quy mô hơn. Tại Ukraina cũng như Gruzia, Kremlin lợi dụng ngưng bắn để tiếp tục phá hoại, và sẽ tiếp tục phương pháp từng mang lại kết quả.

Trump đồng cảm với Putin về chủ nghĩa đế quốc

Trên trang Diễn đàn của Libération, nghị viên châu Âu Bernard Guetta không loại trừ khả năng tổng thống Mỹ lại trao cho Ukraina phương tiện quân sự để áp đặt một thỏa thuận không phải là đầu hàng. Khung cảnh uy nghiêm của Vương cung thánh đường trong ngày đại lễ, và ý thức của một người Thiên Chúa giáo khiến Donald Trump tử tế hơn hẳn.

Giả thiết ông Trump gây áp lực lên Putin bằng cách đe dọa trừng phạt, không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống Nga làm ngơ trước đề nghị của Mỹ dù hoàn toàn có lợi cho Matxcơva. Hoa Kỳ không chỉ nhìn nhận Crimée do Nga kiểm soát mà còn coi như thuộc về Nga, các chiến tuyến thành biên giới và cánh cửa NATO đóng chặt trước Ukraina.

Tuy nhiên, những lý do khiến ông Trump nghiêng về phía Putin lại sâu sắc hơn. Trước hết, cũng như Vladimir Putin, ông coi Ukraina là một tỉnh của đế quốc Nga bị mất đi sau khi Liên Xô sụp đổ và nay Kremlin muốn thu hồi. Trong suy nghĩ của Trump, Joe Biden đã sai lầm khi hỗ trợ quân sự cho Ukraina để kháng cự. Dường như Donald Trump không biết rằng đã có những David thắng được Goliath trong suốt chiều dài lịch sử, khát vọng độc lập dân tộc đã đánh bại những đế chế. Trump muốn đi ngược lại với những gì đã làm nên bản sắc và quyền lực chính trị của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Ông không chống chủ nghĩa thực dân vì không còn đế quốc Pháp và Anh, nhưng muốn mở rộng biên giới về hướng bắc và Bắc Cực. Ông chối từ luật pháp quốc tế vì muốn chinh phục Groenland và Canada. Trump muốn một châu Âu rạn vỡ, không có khả năng tự vệ về kinh tế và quân sự, là những chư hầu để chia sẻ với Nga. Ba đế quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ ngự trị thế kỷ này. Điều đáng ngại cho ông là Vladimir Putin mãi lập lờ về Ukraina, Nga và Trung Quốc muốn nắm tay bước lên hàng đầu, qua mặt Hoa Kỳ.

Nga dùng Tchernobyl để bắt chẹt Ukraina

Cũng liên quan đến chiến tranh ở Ukraina, Le Figaro chú ý đến việc Matxcơva dùng bóng ma một thảm họa nguyên tử như vũ khí để đe dọa Kiev ở Tchernobyl. Vụ tấn công của Nga vào nhà máy điện nguyên tử hôm 14/02 gây hỏa hoạn ở vòm bảo vệ lò phản ứng hạt nhân, tạo ra một lỗ thủng khoảng 15 mét vuông. Đặc phái viên của tổng thống Emmanuel Macron về Ukraina, Pierre Heilbronn, cho biết vô cùng lo ngại về hậu quả, hơn nữa công trình này là thành công kỹ thuật quan trọng của Pháp, nếu sửa chữa sẽ tốn kém vô cùng lớn.

Sự im lặng của các định chế quốc tế có lợi cho Matxcơva. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), được báo động ngay từ giờ đầu tiên, tỏ ra tê liệt ; Liên Hiệp Quốc chỉ tự bằng lòng với tuyên bố « quan ngại ». Tại Kiev, chính quyền không giấu được sự tức giận khi không có cơ chế nào được dự trù để trừng phạt một Nhà nước chiếm đóng quân sự một nhà máy điện nguyên tử dân sự.

Chiến tranh thuế quan : Kinh tế Trung Quốc chịu tác động trước

Về thương chiến Mỹ-Trung, Le Monde nhận thấy các vùng xuất khẩu của Trung Quốc đang chịu thiệt hại nặng nề vì thuế quan của Mỹ, bên cạnh đó các nhà máy còn cạnh tranh lẫn nhau và sức tiêu thụ nội địa giảm sút. Người tiêu dùng Mỹ chưa bị ảnh hưởng vì một container mất ít nhất một tháng mới đến nơi. Phía sau những tuyên bố cứng rắn, Bắc Kinh bắt đầu miễn áp dụng mức thuế 125 % cho một số mặt hàng như động cơ máy bay, thiết bị hạ cánh của Mỹ.

Lệnh cấm mua thiết bị hàng không làm hại nặng nề cho Trung Quốc vì không thể bảo trì máy bay, và những loại phi cơ tầm trung như C919 rất cần linh kiện phương Tây cho những bộ phận quan trọng nhất. Trung Quốc cũng muốn miễn thuế cho một số thiết bị y tế, một loại khí cần cho sản xuất nhựa, 8 loại chất bán dẫn. Các biện pháp này có thể hiểu theo hai nghĩa. Hoặc chứng tỏ Bắc Kinh cũng linh hoạt, hoặc để trụ được trong cuộc đối đầu. 

No comments:

Post a Comment