Tạ Duy Anh – Ký ức về chiến tranhmardi 29 avril 2025
Thuymy
Đó là sự thật. Vì thế, tôi nói tiếp trong bài phỏng vấn :
"Tôi rất ghét nói dối, ghét những kẻ cơ hội muốn tranh thủ tình cảm cả hai phía khi né tránh nói thật ý nghĩ của họ về sự kiện 30/4. Với tôi, đó là một ngày không thể nào ngủ được vì những cảm xúc quá mãnh liệt. Sung sướng đến tột độ ! Không thể không sung sướng khi chúng tôi đã quá mệt mỏi với cảnh đang đêm bị bố mẹ dựng dậy, lôi xềnh xệch ra khỏi nhà. Nhưng tôi vui mừng còn vì thoát cảnh phải ra trận cầm súng.
Cái làng trại bé tẹo của tôi, lúc đó chỉ vài chục nóc nhà, mà cũng có tới bảy liệt sĩ.
Tuy chưa đến tuổi phải tham gia trận mạc, nhưng chiến tranh vẫn in đậm nỗi hãi hùng trong ký ức tôi.
Đó là những năm tháng nơm nớp sợ bom đạn Mỹ. Nỗi sợ này được phụ họa thêm bởi những lời cầu khấn của bà nội và mẹ. Dù là ban ngày hay ban đêm, hễ nghe tiếng máy bay rú rít, mẹ liền xách chúng tôi chạy thục mạng rồi gần như quẳng xuống hầm làm bằng những thân cây tre đóng chụm đầu vào nhau, bên trên phủ đất, gọi là hầm chữ A.
Quê tôi nằm ở vành đai bảo vệ Hà Nội, nên bốn bề đều có các đơn vị phòng không, gồm tên lửa và pháo cao xạ. Máy bay Mỹ thường bay từ phía Nam ra, phía biển vào, hàng đàn, đủ loại. Chúng tôi có thể nhìn lên trời hoặc nghe âm thanh để biết đâu là Thần Sấm, Con Ma, đâu là Cổ Ngỗng, Vỉ Ruồi… và đặc tính tác chiến của từng loại.
Ví dụ nếu là máy bay tiêm kích F4, hình giống cái vỉ ruồi, thì thế nào cũng có bắn tên lửa từ xa xuống các mục tiêu. Còn loại Cổ Ngỗng (AD6), bay chậm, thì mỗi khi cắt bom phải xuống rất thấp. Chính mắt tôi đã thấy bom rơi thẳng chỗ mình đứng khi một chiếc Cổ Ngỗng lật úp. Nhưng lúc bom nổ lộng óc thì hóa ra lại cách đó hàng km. Sợ nhất là nghe tiếng Thần Sấm (máy bay F105) và Cánh cụp cánh xòe (F111). Hai loại máy bay này bay tầm thấp, tốc độ cao, hình thù quái quỷ. Vì thế khi nghe tiếng gầm rú xé màng nhĩ, sởn gai ốc thì nó đã ở rất xa rồi.
Thỉnh thoảng là tiếng ù ù của tên lửa tầm thấp bắn lên từ bên kia sông Đáy, cách làng tôi chừng hơn 2 km. Chúng tôi vội cúi đầu xuống thấp, hai bàn tay ấp lên tai. Những đứa bé thì bà nội và mẹ sẽ làm việc đó. Bởi vì thể nào cũng sẽ có tiếng nổ đinh tai nhức óc ngay trên đầu. Một tiếng nổ như vậy đã từng làm tụt mái ngói nhà tôi và những nhà xung quanh.
Ban ngày thì còn đỡ, vì có cảm giác nhìn thấy nhau. Ngoại trừ mùi đất ẩm ướt, gây gây và thỉnh thoảng có con rắn nào đó thò đuôi ra từ nóc hầm, còn lại nhiều khi đó là dịp để chúng tôi chơi bài rồi ngủ luôn. Nhưng ban đêm thì mỗi lần chạy máy bay là một cơn ác mộng thực sự. Phần lớn chúng tôi chỉ thức khi mình đã bị bà hay mẹ xốc dậy, kéo lê lệt xệt trên đất cho đến khi quẳng xuống hầm hoặc hố tăng-xê. Gặp hôm trời mưa, tăng-xê ngập nước, chúng tôi ướt như chuột nhưng không được nhúc nhích, kể cả khi có con rắn nước nào đó trườn qua người. Trên đầu lửa cháy sáng rực với hàng vạn quả đạn pháo hoặc những quả tên lửa.
Bà và mẹ, trăm lần như một, vừa dúi đầu chúng tôi vào lòng để che chở, vừa lầm bầm khấn vái. Tiếng khấn vái to nhỏ tùy theo tiếng nổ và tiếng máy bay. Nếu cảm thấy ác liệt quá thì tiếng khấn vái to và dồn dập, như van nài và chúng tôi dễ dàng nghe được. “Nam-mô-a-di-đà-phật, chúng con lạy ông, chúng con xin ông mang bom đi nơi khác. Chúng con toàn người già, trẻ dại. Chúng con cúi xin ông rủ lòng thương, đừng có thả bom lên đầu chúng con !" Một tiếng nổ xé tai vang lên, tiếng bà nội và mẹ cùng kêu to : "Ối giời ôi xin ông, xin ông… nam-mô-a-di-đà-phật”.
Cũng có hôm, lời cầu xin trở thành những câu chửi chua ngoa : “Có cái đ*o gì mà cứ vòng đi vòng lại soi mói mãi thế. Đây chả có cái đéo gì đâu, cút mẹ chúng mày đi !” Bỗng lại có tiếng nổ lớn, cả bà và mẹ lập tức cùng rên lên : “Chúng con xin ông”.
Trái với nỗi sợ chết khiếp của chúng tôi, bố tôi hầu như không bao giờ xuống hầm khi có máy bay, kể cả bom đạn đầy trời. Ông không thể hình dung nổi một người cộng sản như ông mà lại sợ cái lũ giặc khốn kiếp. Ban ngày, khi chưa về vườn, thì ông lên trận địa phòng không với anh em, đi lại hiên ngang, ra lệnh đanh thép để những khẩu súng trường tắc bọp mấy phát vuốt đuôi nhưng đầy tinh thần quyết tử, đuổi theo chiếc máy bay cao tít tắp nào đó đang lao đầu về phía Hà Nội. Chưa bao giờ ông đi lom khom. Chưa bao giờ ông ngụy trang.
Có lần ông giương khẩu súng thể thao tầm bắn xa vài trăm mét, đạn bằng hạt lạc, rê theo một cái máy bay ở độ cao vài ngàn mét, bắn hú họa. Ông thách bọn Mỹ có giỏi thì quay lại phóng tên lửa về phía ông. Mỗi khi khói phụt ra từ đuôi máy bay, ông lại chửi : “Dào ồi, có khác gì cái rắm !”. Sau này khi không được chỉ huy, không còn súng thể thao thì ông cũng vẫn ra khỏi nhà, nhưng đứng dưới bụi tre, ngửa cổ quan sát xem bọn Mỹ đánh khu vực nào để thông báo cho những người đang run bần bật dưới hầm.
Mỗi khi có tên lửa bắn lên, ông lại cổ vũ bằng cách chỉ hướng để tên lửa tìm mục tiêu. “Chúng nó đang bay về phía Hà Nội. Mấy cái quay lại rồi”. “Bắn đi, bắn bỏ mẹ chúng nó đi !”. “Mày có giỏi thì sà thấp xuống tí nữa. Tên lửa, cao xạ đâu hết rồi !” Ban đêm, mặc cho máy bay gầm rú, nhiều hôm ông vẫn ngủ yên trên giường. Nếu ra ngoài, ông chỉ kiểm tra xem chúng tôi đã xuống hầm hết chưa, rồi ra đầu ngõ ngồi ngóng tin từ mấy dân quân xóm. Ông cảm thấy xấu hổ nếu phải chui lủi trước kẻ thù, dù chúng tít trên trời.
Nhưng chiến tranh in vào ký ức tôi còn bởi hình ảnh từng đoàn quân cứ nườm nượp đến rồi lại đi khỏi làng tôi mà không bao giờ thấy ai quay lại. Buổi sáng nào đó khi chúng tôi tỉnh dậy đã thấy đường làng ngõ xóm ngập một mầu áo xanh bộ đội, súng ống, xe pháo, cùng vô số thứ quân trang, quân dụng. Họ dựng lán trại dã chiến, chia nhau vào ở nhờ trong nhà dân, mùi hành mỡ thơm lừng khắp làng trên xóm dưới. Ngoài luyện tập, ngày ngày họ chỉ học cách ngụy trang, học chính trị, quét sơn đen lên đèn ô tô…Rồi, sau từ một đến hai tháng, mặt mũi ai nấy béo tốt, họ lại ra đi.
Vào dịp đó làng tôi luôn như có hội. Những người như bố tôi thì khỏi phải nói, họp hành suốt ngày. Những người như mẹ, chị tôi…tất bật lo toan, cười nói rộn ràng. Chúng tôi được ăn những thứ chỉ dành cho bộ đội. Chúng tôi được học phòng gian bảo mật, với khẩu hiệu ba không : Không biết, không thấy, không nói. Cảnh giác cao độ với bất cứ kẻ lạ mặt nào, nhất là khi họ hỏi về bộ đội. Ngày đó cuộc sống nghèo nhưng đầy ắp tình nghĩa. Những người ra đi và những người ở lại luôn bịn rịn mỗi khi chia tay nhau. Toàn trai thanh gái lịch, kẻ đi người ở nhưng hầu như không xảy ra chuyện quan hệ thân xác.
Suốt ngần ấy năm, có lẽ phải tới hàng vạn người lính đã ghé qua làng tôi trước khi ra trận, tôi chưa hề gặp lại bất cứ ai. Họ đi và mất hút. Nhiều người, như sau này tôi biết, chết ngay khi chưa vào đến chiến trường.
Ký ức về chiến tranh còn là hình ảnh và cuộc đời cô út của tôi. Cô đang làm ở phòng lương thực huyện, thì bố tôi động viên cô vào bộ đội "để làm gương", vì ông là bí thư xã ! Khi là bộ đội, cô làm y tá, vào ra Trường Sơn ba lần, tham dự trận Khe Sanh, trận tổng tiến công năm 1968. Những lá thư cô gửi về, phải sau mấy tháng mới đến tay bố tôi và ông thường đọc bí mật. Có lẽ vì ông không bao giờ tin em gái mình lại còn có thể sống sót trở về. Tuy thế ông luôn giục chúng tôi viết thư cho cô.
Một lần tôi đọc trộm thư của cô. Cô kể về trại quân y dã chiến. Xung quanh cô la liệt thương binh. Rừng trơ trụi lá vì thuốc hóa học. Trong đêm cô phải xuống suối cách đó khá xa để lấy nước và bị con lợn lòi đuổi theo, suýt nữa thì nó ngoạm được vào chân cô. Sau khi kể xong, cô bảo bố tôi : “Anh ạ, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng. Nhưng cứ tình cảnh này thì chắc là em sẽ vĩnh biệt mẹ, anh chị và các cháu mất”. Tôi đã khóc thầm nhiều đêm vì thương cô và cứ trăn trở mãi về những điều cô nói. Tôi chỉ biết thỉnh thoảng tự mình viết cho cô một lá thư, thay cho lời cầu mong cô bình an.
Năm 1971, giữa lúc chúng tôi đang ở nơi sơ tán vì trận lụt kinh hoàng, thì cô và chú rể tôi sau này đột ngột xuất hiện. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt thẫn thờ của bà nội khi nhìn thấy cô. Bà không tin là thật. Tin làm sao được. Bà tưởng mình nằm mơ. Mãi sau bà mới lao vào ôm cô, khóc to đến nỗi mọi người xung quanh tưởng có chuyện gì. Tôi thì nép vào khe cửa lau nước mắt.
Nhưng đó cũng là chuyến vượt Trường Sơn cuối cùng của cô, và may thay lại là chuyến trở về.
Sau này có lần tôi nài cô kể chuyện chiến tranh, thì cô chỉ bảo : “Cô cũng không muốn nhớ lại nữa, kinh khủng lắm”. Nằn nì mãi, cô vừa khóc vừa nói : “Cháu hãy hình dung, họ đều trẻ măng và bị dồn lại giống như những con vịt bị quây trong cái giàng. Rồi...Y như xiên khoai ấy ! Họ chết chồng đống lên nhau cháu ạ”.
Sau khi về hưu, cô bỏ hết, không đảng đoàn, không chức tước, tận dụng chuyên môn làm nghề y cứu người và quay sang thờ Phật, thuộc rất nhiều kinh, ngày nào cũng tụng niệm và không bao giờ tranh giành với bất cứ ai.
(Trích tự truyện Dưới Bàn Tay Vô Hình)
TẠ DUY ANH 28.04.2025
No comments:
Post a Comment