Tuesday, April 29, 2025

VNTB – Bị đẩy vào đường cùng, người tốt mới phải thành kẻ sát nhân
Dân Trần
30.04.2025 12:34
VNThoibao


(VNTB) – Một đứa trẻ bị cán chết tức tưởi. Một người cha hóa thành sát nhân để đòi công lý vì tuyệt vọng. Một xã hội hoang mang không biết tin vào ai.

 Cả Việt Nam đang rộn ràng đỏ rực một màu cờ máu, thì xã hội chợt bàng hoàng trước vết máu loang lổ của người đàn ông dùng súng bắn kẻ gây tai nạn khiến con mình chết, rồi tự sát. Một câu chuyện bi thảm. Nhưng bi thảm hơn nữa là người ta phải đi tìm công lý bằng máu, chứ không phải bằng luật. Ở cái xứ cộng sản này, cái chết không đau bằng nỗi oan và công lý đôi khi không nằm ở tòa án.

Người cha ấy tên là Phúc. Con gái ông là một nữ sinh mới 14 tuổi, chết trong tai nạn giao thông do xe tải do Nguyễn Văn Bảo Trung cầm lái lấn làn cán qua người. Sau đó, tin lan ra: tài xế Trung là cháu của trưởng công an huyện Trà Ôn. Và y như kịch bản quen thuộc, công an điều tra một kiểu, viện kiểm sát nói kiểu khác, tòa án lại lửng lơ không rõ ràng.

Thế rồi, biến trắng thành đen, tai nạn do tài xế lái xe vượt ẩu bị đổ cho một đứa bé đi xe đạp điện không quan sát. Từ đứa trẻ 14 tuổi đi tới trường, bị xe tải cán chết vậy mà cuối cùng người ta vẫn gượng gạo đẩy phần “lỗi chính” về phía con bé. Không có khởi tố. Không có xét xử. Không có một lời xin lỗi đàng hoàng.

Và rồi, ông Phúc phải cầm súng đi tìm công lý cho con. Tài xế trúng đạn. Người cha cũng tự sát. Một mạng đổi một mạng. Nhiều người lên tiếng: “Không thể lấy bạo lực để đòi công lý.” Đúng, nhưng ai nói người cha đó muốn giết người? Ai muốn vác súng đi tìm “máu” khi còn có đường nói lý?

Vấn đề là: chẳng còn con đường nào cả! Một đứa bé chết oan. Gia đình đi kêu cứu. Cơ quan điều tra không thống nhất. Người gây tai nạn lại có quan hệ “đặc biệt” với công an. Tất cả đều lấp ló cái bóng quyền lực và lòng tin của người dân thì rơi tự do như cục đá rớt vào vực.

Người cha ấy không chỉ giết tài xế. Ông giết luôn phần người trong ông, thứ từng tin rằng luật pháp là công bằng, rằng cái chết của con gái mình sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng ông đợi, đợi hoài, đợi mãi và không có gì ngoài những câu kết luận kiểu “lỗi do nạn nhân không quan sát”.

Nếu hệ thống cầm quyền này làm tròn trách nhiệm từ đầu, nếu cái gọi là “pháp quyền” thực sự vận hành đúng, thì đã không có cái chết thứ hai. Chính cái sự im lặng, sự lập lờ và mùi quan hệ ngầm mới là kẻ giết người thật sự.

Cái đáng lên án ở đây không phải là hành động tuyệt vọng của một người cha, mà là cái cách mà pháp luật ở nhiều nơi đã làm cho người dân mất sạch lòng tin. Người dân không ngu. Người dân biết ai có họ hàng với ai. Người dân thấy ai được bênh, ai bị gạt ra ngoài.

Thử hỏi: nếu tài xế T. Không có “dây mơ rễ má”, liệu vụ án có bị lằng nhằng vậy không? Nếu con ông Phúc là cháu của giám đốc công an tỉnh, liệu có ai dám nói “lỗi chính do cháu không giữ khoảng cách”?

Ở cái xã hội mà công lý được đo bằng họ hàng, chức vụ và quan hệ, thì đừng ngạc nhiên khi người dân không còn chờ phán quyết từ tòa. Họ sẽ tự xử. Dã man? Có. Nhưng đáng lên án hơn là cái hệ thống nhà cầm quyền cộng sản khiến họ phải làm vậy.

Sau phát súng đó, ai dám chắc đây là vụ cuối cùng? Hôm nay là ông Phúc. Ngày mai sẽ là ai? Bao nhiêu người khác đang nuốt giận vào trong vì không có tiếng nói? Nếu vụ này không bị điều tra lại, không có người chịu trách nhiệm, thì đừng trách xã hội càng lúc càng loạn. Không ai muốn “loạn”. Nhưng chính sự lươn lẹo, bưng bít, bao che và lấp liếm mới là cái gốc của loạn.

Người dân không cần những lời phát biểu vô hồn kiểu “chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”. Người dân cần hành động cụ thể. Cần xét xử minh bạch. Cần làm rõ mọi dấu hiệu bao che, móc nối. Cần trả lại công lý đúng nghĩa chứ không phải bằng báo cáo nội bộ, mà bằng một bản án công tâm công khai.

————————–

Tham khảo

https://vietnamnet.vn/dien-bien-vu-nguoi-cha-ban-tai-xe-xe-tai-o-vinh-long-2396256.html

No comments:

Post a Comment