Bàn lùi quan trọng hơn bàn làmThái Hạo
Posted on 29/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn
Cuối cùng thì Nghi Sơn và 8 huyện thị còn lại của Thanh Hóa cũng đã thay đổi, bỏ đánh số và đặt lại tên theo yếu tố văn hóa – lịch sử. Dù trong đó còn những cái tên chưa thật hợp lý và thỏa đáng nhưng với tôi, đây vẫn là một kết quả đáng vui mừng. Tuy thế, trong và sau sự kiện này, tôi suy nghĩ rất nhiều, bất an hơn là an tâm.
Trong tổng thể công cuộc cải cách hành chính to lớn này, việc đặt tên không phải là trọng tâm, nhưng nó sâu và quan trọng. Qua đây, nhiều vấn đề đã bộc lộ ra, hết sức đáng lo ngại.
1. Sự bất ổn của một “chủ trương”
Theo tìm hiểu của tôi, ý tưởng đánh số địa danh này bắt đầu từ Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, với lý do hỗ trợ số hóa. Ý tưởng này được Bộ Nội vụ cụ thể hóa trong các dự thảo văn bản, như dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (tháng 3/2025). Sau đó, nhiều địa phương bắt đầu áp dụng, trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều cái tên 1 -2 -3… ra đời.
Nhiều người dân không đồng tình và lên tiếng phản đối / phản biện. Tuy nhiên, chỉ đến sau phát biểu của TBT Tô Lâm ngày 17.4 tại Hà Nội khi ông khen ngợi cách đặt tên của TPHCM, thì phong trào “quay xe” mới bắt đầu. Đến bây giờ, có thể nói, về cơ bản hầu hết các địa phương đã bỏ phương án đánh số, và thay bằng tên chữ.
Hãy tượng tượng rằng, nếu không có mấy câu nói của TBT Tô Lâm thì sự tình đã đi xa đến đâu? Trên khắp cả nước sẽ lỗ chỗ nhưng đứt gãy, những khoảng trống lịch sử và sự trống trải văn hóa không gì bù đắp được sẽ tồn tại mãi ở đó. May thay…
Qua đây, ta thấy một điều hết sức hệ trọng liên quan đến các “chủ trương”. Nó có thể chỉ là ý tưởng của một cá nhân. Không vấn đề gì. Tuy nhiên, điều đáng nói là ý tưởng ấy có thể được cấp dưới, vì những lý do nào đó, lập tức hiện thực hóa khi chưa có những nghiên cứu mang tính chuyên môn đầy đủ, toàn diện.
Đáng nói hơn nữa, trước một tình huống như thế, giả sử trong sự kiện này, nếu không có ý kiến của người lãnh đạo cao nhất như TBT Tô Lâm, thì những người dân lên tiếng phản biện hoặc góp ý có thể bị nhiều thành phần khác nhau chụp cho cái mũ “chống đối”, “bàn lùi”, “đi ngược với chủ trương đường lối chính sách”. Và không biết điều gì sẽ tiếp tục xảy ra!
Bài học ở đây là cần thận trọng trước các ý tưởng. Chúng cần được khuyến khích, nhưng chỉ áp dụng sau khi đã có những nghiên cứu mang tính chuyên môn. Nếu vội vã hoặc duy ý chí, thì sai một ly đi…mười dặm.
Quan trọng hơn, luôn cần lắng nghe ý kiến khác, nhất là những ý kiến trái chiều, để huy động được trí tuệ của toàn dân và tránh được những bảo thủ. “Bàn làm, không bàn lùi” không phải khi nào cũng đúng. Thậm chí theo tôi, “bàn lùi” còn quan trọng hơn “bàn làm”, vì chỉ có “bàn lùi” thì những chính sách mới được phản biện một cách cặn kẽ, thấu đáo, tránh được những sai sót đáng tiếc. Nếu tôi là lãnh đạo, khi tôi phát biểu một câu mà cấp dưới chỉ vỗ tay khen hay, không phản biện hay tranh luận nửa lời, tôi sẽ cân nhắc việc có nên tiếp tục dùng họ hay không!
Cần khuyến khích “bàn lùi”, không có tiếng nói phản biện thì khó hoàn thiện chính sách. Cần nhìn những tiếng nói chân thành, thẳng thắn ấy, nhất là trong các vấn đề lớn và quan trọng của quốc gia. Đó là một nguồn đóng góp quý, và phải tránh thái độ căng thẳng hoặc quy chụp cảm tính. Đất nước chỉ “vươn mình” khi mọi người dân đều thể hiện trách nhiệm và tích cực tham gia vào công việc chung. Điều đáng sợ không phải là việc người dân phản biện, mà là im lặng, ba phải, “nói gì cũng gật”.
2. Về năng lực của đội ngũ công chức chuyên trách
Câu chuyện đặt tên thuộc về chuyên môn của ngành văn hóa, trong đó Bộ Văn hóa, Sở Văn hóa, Phòng văn hóa cần đóng vai trò chính. Bên cạnh đó, ngành lịch sử với sự tồn tại của Hội Khoa học Lịch sử cũng rất quan trọng.
“Nuôi quân ba năm dùng một giờ”, những lúc “có việc” như thế này chính là khi ngành văn hóa, ngành lịch sử thể hiện năng lực và trách nhiệm của mình. Không dùng chuyên môn và sở học của mình vào lúc này thì còn đợi lúc nào nữa?
Tuy nhiên, trong sự kiện này, các cơ quan đoàn hội nói trên gần như vắng bóng vai trò (ít nhất là trong quan sát của tôi). Họ đang ở đâu và làm gì? Sao không tham mưu cho chính quyền? Và nếu tham mưu không được thì sao không lên tiếng công khai trên các phương tiện truyền thông? Một lần nữa, trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp của các ban bệ và các nhà khoa học, nhất là những người đang ăn lương, đáng bị đưa ra để đặt câu hỏi.
Khi thiếu đi tiếng nói chuyên môn và cộng với các lý do tế nhị khác nữa, những người lãnh đạo – quản lý ở địa phương trở nên duy ý chí hoặc lúng túng. Nghi Sơn đã “cố thủ” đến phút chót mới chịu thay đổi, sau khi họp hành cả đêm.
Rõ ràng, tri thức phổ thông về lịch sử, về văn hóa là điều kiện bắt buộc đối với mọi cá nhân cán bộ công chức trong bộ máy, nhưng trước một vấn đề phổ thông như địa danh, đội ngũ này đã bộc lộ sự bị động, lúng túng và nông nổi không thể giải thích được.
Một lần nữa, từ câu chuyện đặt địa danh này đặt ra vấn đề về năng lực, trình độ của bộ máy hành chính các cấp cũng như các cơ quan chuyên trách. Nó là tín hiệu rõ ràng, báo cho biết rằng, cần “kiện toàn” nhân sự, hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Quốc gia khó mà “vươn mình” nếu chất lượng cán bộ công nhân viên chức không được thay đổi căn bản.
3. Về câu chuyện “lấy ý kiến nhân dân”
Đây là một việc làm đúng, nó nên trở thành nguyên tắc trong mọi quyết sách quan trọng của đất nước đối với các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, qua việc này nhiều sự “bất cập” nghiêm trọng đã bộc lộ, và cần nhìn nhận, thay đổi.
Biểu hiện đầu tiên là sa vào hình thức, không có thực chất, làm cho xong chuyện. Lãnh đạo tỉnh – huyện phải xác định rằng, đây là một việc có tính chất chuyên môn, không phải chỉ dựa vào cảm tính, cảm giác, cảm xúc. Chính vì thế, trước khi đưa ra cho dân có “ý kiến” thì các bộ phận chuyên môn phải được thành lập, làm việc nghiêm túc và có kết quả thỏa đáng đã. Với tinh thần ấy, các sở và phòng văn hóa cần ngồi lại với các chuyên gia lịch sử, nhà nghiên cứu, tập hợp tư liệu, đưa ra phương án, tranh luận và đi đến thống nhất. Khi có được một kết quả dựa trên khoa học rồi thì mới đưa ra ngoài để “lấy ý kiến người dân”. Không thể đánh số những địa danh một cách dễ dãi rồi vội phát phiếu cho người dân, hỏi có “đồng ý hay không”!
Cách làm của những cán bộ ở cơ sở cũng rất có vấn đề. Tâm lý của họ là “việc đã rồi”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” là để giục “ký đi” mà thôi, thậm chí còn chỉ chỗ cho người dân ký. Có những trưởng thôn trưởng phố còn nói, nếu không ký vào chỗ “đồng ý” sẽ ảnh hưởng tới địa phương!
Và đúng thế, như tôi đã viết ngay sau khi có cuộc bỏ phiếu lần 1: đánh số thì 100% đồng ý, nhưng nếu ngày mai thay bằng tên chữ và cho bỏ phiếu lại thì cũng lại 100% đồng ý thôi. Y như vậy, 2 cuộc bỏ phiếu cho 2 phương án (đánh số và tên chữ) chỉ cách nhau 2 ngày của “nhân dân” Nghi Sơn, con số gần như bằng nhau, trên 95%! Thế là thế nào?
Những người có trách nhiệm, khi nhìn vào những con số này thì phải thấy giật mình và phải lập tức đặt câu hỏi về chất lượng thật sự của cái gọi là “bỏ phiếu”, là “lấy ý kiến nhân dân” này. Không thể làm việc theo cái cách hình thức, giả dối và tùy tiện như thế được.
Phải làm thật, kết quả thật, và có giá trị thật, đó là nguyên tắc. Bằng không, đừng bày ra cho thêm tốn kém tiền của ngân sách và làm mất thời gian của người dân.
Qua sự kiện đặt địa danh này, còn một số vấn đề “tim gan phèo phổi” nữa, nhưng trên đây vẫn là một số biểu hiện lớn cần nêu ra và nghiêm túc nhìn nhận, thay đổi. Bài đã dài, xin tạm ngưng. Tôi sẽ trở lại khi có dịp.
Một lần nữa, xin ghi nhận và đánh giá tốt về sự thay đổi kịp thời của chính quyền tỉnh Thanh. Tuy nhiên, bản thân sự kiện đặt tên này không nên được nhìn nhận như một công việc đã xong xuôi và thở phào. Nó cần được xem là một khởi đầu: khởi đầu cho sự nhìn lại về chất lượng cán bộ, chất lượng đào tạo và công tác sử dụng nhân lực; khởi đầu về cung cách làm việc; khởi đầu về tinh thần lắng nghe và ý thức cầu thị, nhưng lưu ý, cần tránh “dân túy”.
Nó cũng cần là khởi đầu cho ý thức công dân nơi người dân: đừng đánh liều “nhắm mắt đưa chân”. Mọi sự chân thành, trách nhiệm, bền bỉ và tinh thần xây dựng sẽ mang lại kết quả chung tốt đẹp. Hôm nay ta thờ ơ và dễ dãi, ngày mai chính ta sẽ phải gặt lấy những hậu quả…
T.H.
Tác giả gửi BVN
This entry was posted in Đổi tên làng xã, Thái Hạo. Bookmark the permalink.
No comments:
Post a Comment