Monday, April 28, 2025

Thành ngữ “Đồ ba que”
Đỗ Thành Nhân
27-4-2025
Tiengdan

Trong ngôn ngữ Việt hay sử dụng thành ngữ, phương ngữ … ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao. Thành ngữ là một tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích đơn giản bằng nghĩa của các từ cấu tạo nên nó. Thành ngữ ra đời thường gắn liền với một sự việc cụ thể, tạo ra ấn tượng mạnh. Thành ngữ chỉ là văn nói trong dân gian, văn học; không dùng trong văn bản quy phạm pháp luật (trừ khi đã được định nghĩa nội hàm).

Bài viết này về thành ngữ “đồ 3 que”: Hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa sử dụng.

1) Hoàn cảnh ra đời

Chuyện là, có mấy anh trên núi xuống phố nhưng phải ở tập trung trong trại. Một hôm được Trại chủ cho ra ngoài chơi. Theo quy định hồi đó, một nhóm ra ngoài phải ba người đi cùng với nhau.

Lần đầu vào phương nam nóng bức, thấy người ta ngồi trong quán ngậm cái gì đó có vẻ khoan khoái lắm. Nhóm người này không hiểu họ làm gì.

Phần thì nắng nóng, phần thì đói bụng, phần thì khát nước. Cả nhóm họp cấp tốc, bàn với nhau lấy ý kiến tập thể, rồi cùng vào chỗ đó xem sao.

Cả nhóm vào xem, thấy tấm bảng ghi: Nào là CAFÉ, nào là SINH TỐ, nào là KEM, … có ghi số tiền bên cạnh, cuối cùng là TRÀ ĐÁ MIỄN PHÍ.

Cả nhóm lại họp bàn với nhau: CAFÉ là tiếng Tây, không hiểu, SINH TỐ là từ quá lạ; khái niệm TRÀ ĐÁ MIỄN PHÍ: “Trà” thì biết, nhưng “đá, phí” để làm gì cũng không hiểu, với tinh thần cảnh giác, họ bỏ qua món này.

Cháu phục vụ đứng chờ. Cả nhóm quay lại xem món áp cuối là KEM. Họ cũng không biết là gì, nhưng thấy tiền ít nhất. Nên biểu quyết tập thể: Mua.

Người lớn nhất trong nhóm gọi: Này, kem.

Cháu phục vụ hỏi: Dạ, kem cây hay kem ly?

Cả nhóm lại bàn với nhau: LY là gì, không ai hiểu. Nhưng CÂY thì biết, vì lúc ở quê nhà họ đã từng nghe phong trào trồng cây.

Người lớn nhất trong nhóm nói: Kem cây.

***

Một lúc sau, cháu phục vụ đem ra ba cây kem.  Nhìn xung quanh thấy người ta cầm lên cho vào mồm. Cả nhóm cũng cầm lên đưa vào mồm cắn miếng to. Vừa cắn cái là họ giật mình, bởi một cảm giác tê, buốt răng, thấu tận óc.

Nhìn kỹ lại xung quanh lần nữa, họ đưa nhẹ vào mồm, mút từng chút, từng chút, cảm nhận vị ngọt, cảm giác mát lạnh, tê tê một cách khoan khoái, kiêu hãnh là được mút kem, kiêu hãnh như là người khai phá, chiến thắng.

Nghe tiếng kẻng báo tập trung, cả nhóm vội về, nhưng mỗi người cũng cố mua thêm một cây kem, lấy giấy báo trong người ra, gói lại cẩn thận. Rồi chạy nhanh về trại.

Về đến trại, từng người vào phòng chào Trại chủ báo cáo và tặng cây kem, nhưng không gặp, họ để cây kem trên bàn rồi ra ngoài.

***

Vào đầu giờ chiều, kẻng báo động vang lên. Tất cả mọi người đang nghỉ trưa bị tập trung ra sân.

Nghe thông báo: Có kẻ lạ đột nhập vào phòng Trại chủ, với ý đồ ám sát, may là Trại chủ không có mặt, chúng chỉ để lại biểu tượng để hăm dọa, khủng bố. Trại chủ yêu cầu mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đấu nhau.

Trại chủ gọi từng nhóm người lên điều tra.

Đến nhóm được ra ngoài, họ vào lấm la lấm lét không biết ở trại đã xảy ra chuyện gì.

Trại chủ chỉ tay lên bàn, nói: Chúng mầy xem đi, rồi nâng cao tinh thần cảnh giác.

Cả nhóm đến gần, hỏi: Trại chủ thấy có ngon không ạ?

Trại chủ đập bàn, quát: Cái gì, chúng mầy có hiểu ba cái que này nghĩa là gì không?


Hình 1: Ba cây / que kem bị tan chảy

Cả nhóm, từng người kể cho Trại chủ nghe chi tiết về món kem. Trại chủ không tin, bắt từng người ngồi riêng viết kiểm điểm. Cuối cùng Trại chủ cho một người dẫn nhóm khác ra mua về để kiểm tra. Trại chủ xem, mút thử, rồi ăn thật thấy ngon quá.

2) “đồ 3 que” ra đời và ý nghĩa

Vụ việc theo thời gian cũng qua, thành chuyện đùa trong nội bộ. Tuy nhiên, từ đó có từ “ba que” và thành ngữ “đồ ba que” hay sử dụng, để mô tả cảm xúc tức tối, hèn kém vì ngu xuẩn đột nhiên thành chiến thắng, thụ hưởng sản phẩm “ba que”.

Còn về nghĩa bóng, hàm ý sản phẩm từ “ba que” thì rất ngon; nhưng tàn dư từ “ba que” là ba cái que rất xấu xa, giá trị thấp kém nên phải hạ nhục, hạ gục bằng câu “đồ ba que”. Do đó mặc dù “chê ba que, đồ ba que”, nhưng vẫn rất khoái sử dụng sản phẩm “ba que” là hoàn toàn bình thường.

Người bắc gọi là QUE, người nam gọi là CÂY.

Từng gia đình người Việt đều có bàn thờ gia tiên. Trên đó có một hoặc ba lư nhang (hương), nếu đốt một cây cắm trên một cái lư thì cũng là “ba cây/ ba que” trên ba cái lư; nếu đốt ba cây cắm trên một lư hương thì cũng là “ba cây / ba que” (xem hình 2).

Hình 2: Ba cây nhang được trang trọng đốt bàn thờ để tưởng nhớ
                          ông bà,gia tiên, tổ tiên

Như vậy, “ba que, đồ ba que” từ câu chuyện về ba cái que kem, bắt đầu là một chuyện vui, chọc nhau chứ không hề xúc phạm.

Còn ai có ý xúc phạm người khác với thái độ miệt thị bằng thành ngữ ĐỒ BA QUE thì hãy nhìn lên BÀN THỜ ông bà, gia tiên, tổ tiên: CŨNG BA QUE đó.

Ai có bài nào khác, nhất là những người hay nói về thành ngữ “đồ ba que” hãy cung cấp nguồn gốc câu chuyện này lên đi, để dịp nghỉ lễ “Giải phóng miền Nam” mọi người rảnh rỗi cùng đọc cho biết.

No comments:

Post a Comment