Monday, April 28, 2025

Thọ Nguyễn - Vouloir C‘est Pouvoir
lundi 28 avril 2025
Thuymy


Đó là dòng chữ xăm trên cánh tay một anh bạn trẻ ở Hà Nội mà tôi bỗng đọc được khi hai chúng tôi ngồi cà phê bên hồ Trúc Bạch. Nguyên văn tiếng Pháp của câu này có thể hiểu: “Ý chí là sức mạnh, là năng lực“. Thành công chỉ đến khi ta quyết làm điều gì đó đến cùng. Google dịch là "Quyết chí sẽ làm nên".

Thực ra anh bạn này là kẻ “bất đồng chính kiến“ với tôi. Anh là một doanh nhân thành đạt Hà Thành, một người thiên hữu, luôn coi trọng tự do cạnh tranh và tin rằng người có năng lực xứng đáng và cần phải được xã hội đặt vào vai trò lãnh đạo. Còn tôi tuy cũng là một doanh nhân, nhưng cái máu thì mắc dịch “thổ tả“, luôn đòi hỏi công bằng xã hội cho những người kém may mắn.

Là chuyên gia phát triển nhà đất, anh có rất nhiều kinh nghiệm về chuyện này. Anh bảo họ không phải thiếu may mắn, mà là lười hoặc kém năng lực.

- Chúng cháu đã từng đền bù công bằng giá đất cho tất cả mọi người. Có những người biết dùng tiền đó để đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp rồi đổi đời cho cả mấy thế hệ. Trong khi đó có những người ôm đống tiền để mua sắm những thứ cả đời chỉ mơ ước, tận hưởng. Cuối cùng con cháu rơi vào cờ bạc, hút xách.

Hai chú cháu, tuy tả hữu nhưng nói chuyện với nhau rất hợp. Từ hè 2021, sau khi làm quen qua Facebook, cháu đã mời tôi cà phê ở Quận 7- Sài Gòn nhân một chuyến công tác. Là một doanh nhân, nhưng cháu không bao giờ tách rời chính trị. Theo cháu, đó là không khí của cuộc sống mà nếu không bắt kịp, con người ta sẽ hụt hơi, mất phương hướng.

Từ khi còn học ở Pháp, cháu đã tham gia cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam ở Paris trước cửa tòa đại sứ Trung Quốc tháng 12.2007,  phản đối chúng gây hấn ở Biển Đông, bất chấp lệnh cấm của Đại sứ quán Việt Nam. Ngày đó tôi cùng đám thanh niên trong diễn đàn X-Cà phê cũng hò nhau tổ chức các cuộc kêu gọi, quyên góp qua mạng cho mấy cuộc biểu tình của thanh niên ở Hà Nội và Sài Gòn.

Từ sau các cuộc biểu tình đó, nhà nước Việt Nam mới biết thế nào là “chống biểu tình“, mới có các nghị định “Cấm tụ tập đông người“, mới có lập luận “Để nhà nước lo“, mới ra đời các loại "bánh canh". Hai chú cháu vừa cười bò, vừa ôn lại những kỷ niệm xưa. Cũng từ vụ bị Sứ quán khiển trách đó, cháu bắt đầu hiểu ra cái quyền được yêu nước, được làm công dân của mình.

Tốt nghiệp đại học, cháu và người yêu đồng lòng về Việt Nam làm việc. Nay cả hai vợ chồng đều thấy hồi đó họ đã quyết định đúng.

Cháu lái chiếc VF5 chở tôi đi ăn phở quán vỉa hè mà cháu thích, sau đó là cà phê cũng vỉa hè, bên hồ Trúc Bạch. Dân Paris nổi tiếng là thích ngồi vỉa hè mà. Cháu khen chiếc VF5 có khung, gầm, trục tốt hơn xe Tàu, chỉ chê mấy cái lỗi phần mềm ngớ ngẩn, thỉnh thoảng nói lung tung. Tôi cười, thầm nghĩ: Đến cái xe của Việt Nam cũng mắc bệnh nói nhiều.

Vốn coi trọng năng lực kiếm sống, cháu nhìn bằng cặp mắt coi thường những kẻ chỉ biết bám vào bộ máy nhà nước, nấp sau cái danh đảng viên để làm giàu. Vì vậy cháu rất ủng hộ những cải cách hiện đang xảy ra. Cháu vui về việc tinh giảm bộ máy và sáp nhập các địa phương.

- Chả cần phải tuyên bố xóa bỏ đặc quyền đặc lợi của đám đó, nhưng cứ giảm bớt các cấp trung gian ở huyện, xóa bỏ các ban bệ, hội đoàn ăn bám, lấy tiền đó cho trẻ em đi học miễn phí đã làm cho dân đỡ khổ bao nhiêu rồi.

- Cháu đã cảm thấy thật sự thay đổi chưa?

- Có chứ! Từ mấy tháng nay, người có tiền đã dám tiêu và người có quyền đã dám ký, xã hội đã bớt tắc nghẽn chú ạ.

Một thằng luôn bị chửi là “thổ tả“ như tôi nhưng thà chơi với những kẻ thiên hữu mà tử tế, còn hơn chơi với bọn cũng nhận là tả mà không dám hiểu cái chân lý “Ý chí là sức mạnh“ đã được cậu cháu này in vào máu thịt.

Người “bất đồng chính kiến“ thứ hai mà tôi gặp hôm qua là một anh bạn Facebook. Anh cùng sinh 1951 như tôi, nhưng từng là cán bộ cao cấp, về hưu với lương cấp thứ trưởng, trong khi tôi là một kẻ đã từ chối hệ thống nhà nước, bỏ ra nước ngoài hành nghề tự lập từ 34 năm nay. Anh viết review sau khi đọc quyển sách đầu tay của tôi: “Có thể tôi không hoàn toàn đồng tình với anh trong một số vấn đề, nhưng tôi trọng cái tình người ở anh…“

Tuy không cùng chính kiến, nhưng anh nhìn nhận con người bằng phẩm chất. Điều này khiến tôi tìm mọi cách liên lạc với anh và cuối cùng, sau vài cuộc hẹn không thành, tôi đã gặp anh.

Té ra giữa anh và tôi cũng có những liên hệ thú vị. Chị của vợ anh cùng làm việc với tôi hồi ở VTV. Con trai bạn này đang sống ở Đức và từng đến chơi nhà bác Thọ. Hà Nội quả là bé.

Gia đình anh cũng mang đầy đủ mọi bi kịch của chiến tranh, cách mạng. Bố anh là du kích trong một vùng giáp ranh ở Thái Bình, ngày là làng tề, đêm là Việt Minh. Ông bị Pháp bắn chết. Vậy mà gia đình anhh không thoát khỏi cuộc càn quét “Cải cách ruộng đất“. Vì ông ngoại và hai ông bác là địa chủ khiến cho anh khốn khổ vì cái lý lịch bị dính dáng. Giáo sư Ngụy Như Kontum, hiệu trưởng Đại học Tổng hợp từ 1956-1982, đã nhận thấy tư chất thông minh của anh và tìm cách xóa cái án lý lịch xấu, nên cấp cho anh một học bổng đặc cách. Từ đó anh thoát nạn, thậm chí còn được sang Liên Xô làm tiến sĩ về văn học.

Với cái lý lịch được rửa sạch và cái bằng tiến sĩ xã hội chủ nghĩa, anh có đủ tiêu chuẩn Hồng và Chuyên để leo cao. Anh từng làm giám đốc một sở lớn ở một thành phố lớn, lớn đến mức anh phải khống chế 13 ông phó giám đốc chuyên đấu đá và kèn cựa nhau. Nhưng rồi cũng chỉ cao đến thế là hết vì anh là người có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức. Tri thức và lương tâm chính là cái rào cản đời anh.

Anh đã nói và viết về đa nguyên từ lúc khái niệm đó còn là điều cấm kỵ. Anh từng phát biểu: “Có thể chấp nhận một nhà nước đơn nguyên, nhưng văn hóa phải là đa nguyên, vì con người vốn là đa nguyên. Không có văn hóa, giáo dục đa nguyên thì xã hội sẽ không tạo ra những con người tốt“… “Nếu chỉ coi trong trí thức đám đông mà không coi trọng trí thức tinh hoa (elite) thì sẽ không có một xã hội văn minh…“

Tôi khâm phục tầm nhìn của anh, khi anh nói: Người ta đang chỉ bàn về “địa chính trị“, nhưng không hiểu hết mối quan trọng của “địa kinh tế“ của “địa văn hóa“ và “địa phát triển“. Việc sáp nhập các tỉnh thành, xóa huyện đang diễn ra phải biết kết hợp những yếu tố đó thì mới có kết quả. Vùng nào nên sáp nhập với vùng nào để phát triển cái gì đều cần những liên hệ địa lý, kinh tế văn hóa và lịch sử.

Tiếc rằng anh đang không được nghe đến.

Câu chuyện của anh bên ấm trà làm cho tôi sáng ra một điều: Tôi từ bỏ con đường làm quan ở Việt Nam vì luôn sợ mình sẽ bị tha hóa. Tôi cho rằng bất cứ ông quan nào leo lên đến chức nọ kia ở trong nước đều mang trong mình những cái án lương tâm.

Giờ thì tôi hiểu vì sao khi tôi đến tìm anh trong một khu tập thể mà nhà cửa được xây trong nhiều ngõ ngách chằng chịt, người dân từ ngoài phố ai cũng nói về anh một cách trìu mến khi được hỏi. Có người đưa tôi đi qua bốn lần rẽ phải, rẽ trái đến trước cửa nhà anh.

THỌ NGUYỄN 27.04.2025

No comments:

Post a Comment