Lê Học Lãnh Vân – Nghe đọc thơ hòa giải giữa Sài Gònjeudi 24 avril 2025
Thuymy
Bài thơ này được Nguyễn Duy viết cuối năm 1975 để gởi Mẹ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Là chiến sĩ trong đoàn quân của bên thắng cuộc, ông vào thành phố và kết bạn với nhạc sĩ bên thua cuộc. Cách người Mẹ ấy đối đãi với ông khiến lòng ông ấm áp tình Mẹ Con.
Sau ngày thống nhất, người còn sống tìm nhau, các tin tìm người thân được chuyền từ người này sang người nọ. Con tìm Cha, Cha tìm Con, Anh Em tìm nhau, Vợ Chồng tìm nhau. Người di cư 54 tìm nhau, người tập kết tìm nhau, Nam tìm Bắc, Bắc tìm Nam... qua :
“những dòng tin như vết cứa của lòng
bao nhiêu vết cứa của lòng
đang liền lại cùng đất đai liền lại”...
Bài thơ thương cảm :
“Hai mươi mốt năm dài
máu chảy
hai mươi mốt năm dài
thương đau
đủ cho qua đi một thời con trai
đủ cho qua đi hai thời con gái
nhưng mà không qua cây cầu chờ đợi”
Trong triệu triệu những con người tìm nhau, tác giả, do may mắn, có thể thốt lên sự bình yên :
“Tôi không có mẹ đi Nam
tôi không có cha đi tập kết”
Trong hành trình những thành phần dân tộc tìm nhau ấy, tổ quốc phải trả giá “hai mươi năm nội chiến từng ngày” ! Cái giá quá đắt để không một thành viên con Rồng cháu Tiên nào thấy mình có thể đứng ngoài nỗi đau.
Dù thốt lời bình yên, tác giả kể mình vẫn cùng dân tộc :
“Tôi đi tìm thân nhân
suốt những năm giông bão
qua rừng già nguyên thủy
qua rừng kẽm gai Mỹ
Tìm thân nhân
tôi đi từ Hà Nội
lặn lội mười năm mới tới Sài Gòn
bằng con đường số Một :
Trường Sơn”
Vào Sài Gòn, tác giả gặp mẹ Trịnh Công Sơn gọi tác giả là Con ! Tiếng gọi Con ấy là nỗi mừng người còn sống sót bây giờ, hay là nước mắt khóc người đã chết trong quá khứ ?
“Ngày đầu tôi ở với Sài Gòn
bà má gọi tôi : Con
tự nhiên tôi gọi Má !
xa cách thế mà không xa lạ”
Làm sao xa lạ được ? Lòng người viết bài này rung lên nỗi năm mươi năm xưa, trong giây phút hòa bình đầu tiên, bất kỳ bà Mẹ hiền lành nào gặp người chiến sĩ trẻ trở về cũng gọi “Con !”, bất kỳ đứa con hiền lành nào trở về gặp bà cụ lớn tuổi cũng gọi “Mẹ !”. Tình Mẹ Con truyền thống bị dồn nén mấy mươi năm tự nhiên bật lên từ trái tim, đứng bên ngoài, bên trên mọi phân chia Nam Bắc, mọi toan tính thắng thua, mọi quyền lợi cá nhân hay phe phái, mọi triết thuyết xa lạ, mọi quá khứ đau lòng...
Nhà thơ khóc, và tôi, nghe đọc thơ, cũng khóc...
“mẹ đây rồi, ơi mẹ của tôi
tôi gặp thân nhân cùng với mọi người”
Tình Mẹ Con như vậy thì tình Anh Em cũng như vậy. Thời khắc này năm mươi năm xưa, anh em xếp vũ khí lại, ôm nhau trùng phùng !
“Ta đi trên đất đai sum họp
nơi nào cũng có thân nhân”
Anh em ruột thịt mà, khóc cười còn chưa hả niềm vui từ nay bảo bọc, san sẻ nhau, không còn chỉa súng vào nhau, nồi da xáo thịt ! Anh em mà, có gì cũng chia nhau hết, bàn giao cho nhau hết... Giây phút ấy, ai nỡ tao thắng mày thua, tao đúng mày sai, tao cứu đời mày, tao dạy mày học...
Tiếc biết bao nhiêu, từ những năm đầu tiên ấy khi hòa bình trở lại, chuyện đời không như tình cảm con người ! Lớp lớp mây bay từ đó tới giờ đã năm mươi năm, bao lứa tóc xanh thành mây trắng. Mây trắng đã bay từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, từ biển lên rừng, nhìn xuống dãy non sông của ngày đại trùng phùng :
“chung mái nhà ấm áp
cùng tôi hát lên lời ca này
cái lớn lao còn lại hôm nay
là nguyên vẹn
nhân dân
Tổ quốc”
Mà tự hỏi, “nhân dân, Tổ Quốc” trong niềm vui của Nguyễn Duy có nguyên vẹn với thời gian không ?
Sáng nay, nghe tiếng máy bay rền trời chuẩn bị cho ngày đại lễ năm mươi năm thống nhất, mây trắng xin chúc các em tóc xanh hôm nay thâm tình giữ vẹn. Có đủ tình yêu đồng bào, đủ kiến thức, dũng lược và năng lực để vui hưởng, bảo tồn và phát triển điều quý nhất
“cái lớn lao còn lại hôm nay
là nguyên vẹn
nhân dân
Tổ quốc”
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Duy !
LÊ HỌC LÃNH VÂN 23.04.2025
No comments:
Post a Comment