Thursday, April 24, 2025

VNTB – Cộng Sản Việt Nam Giữa Thương Chiến Mỹ – Trung
Thái Hóa Lộc
24.04.2025 5:10
VNThoibao



(VNTB) – Phát biểu của ông Trump cho thấy rõ rằng việc Việt Nam tâng bốc ông Tập, điều hoàn toàn hợp lý thức thời trong quan hệ Trung – Việt, nhưng đã khiến Hà Nội mất cân bằng trong chiến lược đi dây giữa Trung cộng và Hoa Kỳ.

 Việt Nam đang đi trên một sợi dây mỏng manh vừa tìm cách cân bằng giữa hai đối tác chiến lược toàn diện vừa có thể tránh né được cuộc chiến thuế quan đang leo thang của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam, quốc gia mà cố vấn Thương mại Tòa bạch Ốc Peter Navarro nói là điểm trung chuyển hàng để né thuế của Trung cộng, đã phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 46% của Mỹ trước khi chính quyền Trump ban hành lệnh tạm hoãn trong 90 ngày.

Giáo sư Alexander L Vuving, chuyên gia từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho hay dù Việt Nam phần lớn đã thành công trong việc đi dây cân bằng giữa các cường quốc, đến mức đường lối “ngoại giao cây tre” của Hà Nội đã trở thành hình mẫu ở châu Á. “Nhưng đến nay sợi dây này đã quá mỏng manh đến mức khó có thể tiếp tục đi trên đó, nhất là trong thời điểm thương chiến nhạy cảm Mỹ – Trung” Giáo sư Vuving nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày 14 đến 15 tháng 4 năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đã kêu gọi phản đối “bắt nạt đơn phương” để duy trì hệ thống thương mại tự do toàn cầu. Cùng thời điểm ấy thì tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump bình luận với báo giới rằng cuộc gặp gỡ Trung-Việt là “đáng yêu”, và dù “không trách Trung cộng, cũng không trách Việt Nam”, nhưng ông lại nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh tập trung để “chơi Mỹ”; trong lúc cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đưa lên mức độ cao chưa từng thấy trong lịch sử. Vẫn theo  giáo sư Alexander L Vuving nhận xét về chuyến thăm của ông Tập tại Việt Nam rằng: “Việt Nam đã cưỡng lại việc bị lôi kéo vào bất kỳ nỗ lực nào của Trung cộng nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phát biểu của ông Trump cho thấy rõ rằng việc Việt Nam tâng bốc ông Tập, điều hoàn toàn hợp lý thức thời trong quan hệ Trung – Việt, nhưng đã khiến Hà Nội mất cân bằng trong chiến lược đi dây giữa Trung cộng và Hoa Kỳ.”.

Khi đáp xuống sân bay Nội Bài vào sáng 14/4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã được một số người cầm cờ Trung cộng và Việt Nam vẫy chào. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã gặp Tứ Trụ của Việt Nam, gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Sáng 15/4, ông Tập đã viếng Lăng Chủ tịch HCM, đặt vòng hoa tại nơi an nghỉ của vị lãnh tụ biểu tượng của Việt Nam. Bất chấp chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam vẫn sẽ thận trọng trong việc “kiểm soát nhận thức rằng họ đang thông đồng với Trung cộng chống lại Mỹ, vì Washington là một đối tác quan trọng mà họ không thể gạt sang một bên,” theo bà Susannah Patton, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Lowy, Úc. “Theo nhiều cách, Trung cộng vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là đối tác kinh tế của các nền kinh tế Đông Nam Á,” bà nói News. Ông Tập Cận Bình đã rời Việt Nam sang Malaysia và sau đó là Campuchia.

Tại Malaysia, ông Tập tiếp tục nêu bật tầm quan trọng của các cơ chế thương mại đa phương, biểu thị sự tương phản trong cách tiếp cận “cởi mở và hợp tác” của Trung cộng so với cách tiếp cận căng thẳng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một bài viết đăng trên tờ The Star của Malaysia vào thứ Ba (15/4), ông Tập Cận Bình cam kết rằng Trung cộng sẽ hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á để chống chủ nghĩa bảo hộ và duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu “Chúng ta phải duy trì hệ thống thương mại đa phương, giữ cho chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định, duy trì một môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác,” ông Tập nhấn mạnh.

Nhận định về “cuộc tấn công quyến rũ” của ông Tập, giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm từ Đại học New South Wales, Úc, cho rằng chuyến thăm này nhằm nêu bật vấn đề hàng hóa từ Trung cộng trung chuyển qua Việt Nam để tránh thuế quan của ông Trump.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, thuế quan mà ông Trump áp dụng đối với Trung cộng đã dẫn đến chiến lược “Trung cộng + 1”, với việc nhiều doanh nghiệp nội địa và quốc tế hoạt động tại Trung cộng dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Mới đây, cố vấn thương mại Peter Navarro của Tổng thống Trump đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng vấn đề quan trọng là việc Việt Nam đóng vai trò là điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung cộng, cũng như các gian lận phi thuế quan, chứ không chỉ là vấn đề mức thuế.

Trong chuyến công tác sang Mỹ để gỡ rối về thuế quan, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về một thỏa thuận thương mại mới có thể giải quyết cả các vấn đề về thuế quan và phi thuế quan.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam sẽ phải xuất trình tài liệu chi tiết chứng minh rằng đã các vật liệu của Trung cộng đã được hợp thức hóa ở Việt Nam, đủ để được dán nhãn made in Việt Nam,” ông Thayer nhấn mạnh.

Trước chuyến thăm của ông Tập, Việt Nam đã công khai tuyên bố rằng họ đang thực hiện các bước đi để chấm dứt gian lận thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, Giáo sư Thayer lưu ý rằng sau chuyến thăm, không có gì trong tuyên bố chung Việt Nam-Trung cộng được công bố chỉ ra rằng vấn đề nhạy cảm này đã được giải quyết. Xét cho cùng, vấn đề vận chuyển hàng hóa Trung cộng qua Việt Nam để đến Mỹ sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Hà Nội và Bắc Kinh để ngăn chặn các hành vi gian lận.

Theo giáo sư Vuving, hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều đang đi dây giữa Mỹ và Trung cộng không riêng gì Cộng sản Việt Nam. “Một nguyên tắc chủ đạo của chiến lược này là nghiêng về bên nào tốt hơn hoặc mang lại nhiều ích hơn,” chuyên gia về quốc phòng này nói thêm.  Nếu Trung cộng lợi dụng tình hình này, điều rất có khả năng xảy ra, một số quốc gia Đông Nam Á sẽ xích gần hơn về phía Trung cộng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ông đánh giá hiện tại thứ mà Hà Nội cần nhất vào lúc này là khả năng tiếp cận thị trường, nhưng đó lại không phải là điều Trung cộng có thể cung cấp. Dù vậy, ông lưu ý rằng thuế quan của ông Trump và chuyến thăm của ông Tập cho thấy rằng việc cố gắng đứng ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung có thể là vô ích không tránh khỏi dưới sự tập chú của chính phủ Trump

“Việt Nam đã nhận ra rằng có thể sẽ đến ngày họ không thể giữ thế trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Nhưng vì đây là điều mà Việt Nam ít muốn thực hiện nhất nên họ đã không thực sự chuẩn bị cho tình huống này. Và giờ khi điều đó xảy đến, họ bị bất ngờ và không kịp trở tay,” ông Vuving bình luận. “Hiện nay, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước cả Trung cộng và Mỹ,” ông nói thêm.

Dẫu vậy, vị chuyên gia từ Mỹ vẫn cho rằng Hà Nội vẫn hy vọng có thể đàm phán với Tổng thống Trump, nên không muốn làm phật lòng Tòa Bạch Ốc.

Giáo sư Thayer đồng tình rằng “Việt Nam đã bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Mỹ và Trung cộng” và đánh giá Hà Nội sẽ tiếp tục theo đuổi một lộ trình ổn định trong quan hệ với Bắc Kinh. “Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối đến cùng việc bị ép buộc phải chọn phe trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung cộng và Mỹ,” ông Thayer nhận định.

Theo ông, Việt Nam cần tiếp cận thị trường của cả Trung cộng và Mỹ. Nhưng Việt Nam còn có những lợi ích khác đang bị đe dọa, như đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ và hợp tác trong đổi mới khoa học và công nghệ, AI, an ninh mạng, chuyển đổi xanh… Để trả lời câu hỏi Hà Nội sẽ ngả về phía nào trong trường hợp bắt buộc phải lựa chọn giữa Trung cộng và Mỹ, Giáo sư Thayer lập luận rằng Việt Nam không thể ngăn cản Mỹ dưới thời ông Trump phá hoại luật pháp quốc tế, thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa, cũng không thể thay đổi địa lý là láng giềng của Trung cộng, vì vậy “Việt Nam sẽ ủng hộ các thể chế đa phương có nguồn gốc từ Đông Á và Đông Nam Á, trong đó Trung cộng là thành viên”. Còn theo Giáo sư Vuving, lựa chọn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố then chốt: lợi ích kinh tế, kinh nghiệm lịch sử và tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng. Vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông, luôn được xem là vùng nhạy cảm giữa mối quan hệ của hai chính phủ cộng sản Hà Nội và Bắc Kinh. Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung cộng, Việt Nam phải luôn giữ tâm thế cẩn trọng: một mặt phải bảo vệ chủ quyền, ghi nhớ những sự kiện lịch sử như Chiến tranh biên giới 1979 hay Gạc Ma 1988, nhưng đồng thời không khơi gợi hận thù với Trung cộng làm “ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam”.

Hà Nội lâu nay vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung cộng. Đi dây là chiến lược trong đó một quốc gia nhỏ phát triển quan hệ với nhiều cường quốc cùng lúc nhằm cân bằng ảnh hưởng từ các đối thủ lớn. Malaysia và Việt Nam là hai ví dụ điển hình nhất ở Đông Nam Á đã áp dụng thành công chiến lược này.  Vì vậy, dù các mức thuế mới của Mỹ là một đòn mạnh và làm phức tạp thêm nỗ lực cân bằng giữa Mỹ và Trung cộng của Việt Nam, nhưng theo chuyên gia từ viện Daniel K. Inouye của Bộ Quốc phòng Mỹ, thuế quan vẫn chưa đủ để khiến Việt Nam mất thăng bằng hoặc nghiêng hẳn về phía Trung cộng…

No comments:

Post a Comment