Viết cho ngày 30-4Lê Ngọc Luân
22-4-2025
Tiengdan
Từ lớp 1 đến lớp 9 được học lịch sử ngắn gọn từ sách giáo khoa (SGK) và qua lời dạy của thầy cô – trong tôi có cảm giác phấn khởi về cái ngày mà nhà nhà, người người treo băng-rôn, bảng hiệu thể hiện niềm vui mừng vì đã “Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Từ lớp 10 cho đến khi tốt nghiệp trường Luật TP.HCM bản thân cũng không có nhiều thay đổi vì kiến thức lịch sử hạn hẹp, nhưng giai đoạn này đến 30/4 cảm nhận cũng như bao ngày khác bởi lúc ấy nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc, hoà bình đã có nên vấn đề hiện tại là mỗi con người cần và nên làm gì để Đất nước, Tổ quốc phát triển.
Lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tôi khao khát trở thành luật sư và luôn nung nấu sau này sẽ chọn đường đi với một lý tưởng “phụng sự công lý” và nỗ lực học để thực hiện cho bằng được, dù bây giờ trải qua hành nghề thực tế mới “thẩm thấu” con đường này không hề dễ dàng chút nào, nói cách khác là cực kỳ gập gềnh đầy thử thách cam go vì nhiều yếu tố khác nhau, nhưng bản thân luôn tâm niệm “đã chọn thì không than vãn, hối tiếc” – làm đến khi nào không còn sức thì dừng lại.
Tốt nghiệp cử nhân luật, sau thời gian tìm nơi học việc lên bờ xuống ruộng – nhân duyên được vào làm cho một công ty luật chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn, ở đây có một luật sư sinh năm 1944 khi đến ngày 30/4 mọi người cũng bàn luận, và tự nhiên anh ấy bật khóc bởi điều đơn giản anh từng là người lính Sài Gòn. Lúc đó không hiểu vì sao anh lại khóc và tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, thời gian sau mới thấu hiểu về giọt nước mắt của người đồng nghiệp năm xưa!
Đến hiện tại, với cá nhân tôi 30/4 là một “ngày đặc biệt” vì nhiều lý do khác nhau. Nếu cho tôi chọn và gọi đây là ngày gì thì đó là ngày: “kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước”. Tôi thương những con người đã ngã xuống dù bên này hay bên kia bởi tất cả đều là người Việt Nam, mà đã là người Việt Nam thì bất kỳ người mẹ nào có con nằm xuống người mẹ đó cũng đau buồn – nỗi đau ấy nếu chúng ta không phải là mẹ làm sao thấu hiểu hết được. Thương lắm!
Nhìn lại lịch sử Việt hơn 4.000 năm sẽ thấy qua nhiều thời kỳ sơ khai và trải qua các thể chế, triều đại khác nhau khi có chiến tranh xảy ra – ngoài việc chống giặc ngoại xâm giữ nước hào hùng thì nhiều giai đoạn chính người Việt Nam lại đối đầu với nhau vì nguyên nhân, lý do, lý tưởng khác nhau. Tất cả mọi thứ rồi cũng khép lại để hướng đến tương lai tốt đẹp vì thời gian không thể quay trở lại để mong thế này hay thế khác. Cái quan trọng chúng ta học lịch sử, thế hệ con cháu hay lãnh đạo Đất nước cần nhìn lại lịch sử quá khứ để đúc rút ra bài học cho hiện tại và tương lai tốt đẹp mới là điều cần, nên làm.
30/4/2025 – cột mốc 50 năm có rất nhiều người vui mừng, hạnh phúc nhưng tôi nghĩ rằng niềm vui, hạnh phúc ấy làm sao thể hiện sự “hào sảng và trượng nghĩa”, không nên mang niềm vui, hạnh phúc ấy ép buộc người khác cũng như mình hay cho rằng không vui là không yêu nước, không biết ơn – suy nghĩ này là thiếu hiểu biết. Ngược lại, nếu người khác không vui, không hạnh phúc thì cũng không nên dè bỉu, chê bai niềm vui và hạnh phúc của người khác. Mỗi người một suy nghĩ, quan điểm riêng nên cần được tôn trọng – đó mới là giá trị thực sự của văn minh.
Vì sao, hãy nhìn các tấm hình dưới đây (tấm đầu chụp năm 1973, tấm thứ hai năm 1998), hai người cùng mang dòng máu Việt ở hai chiến tuyến với lý tưởng khác nhau và dù chiến tranh đang xảy ra có nhiều mất mát, niềm đau, khốc liệt nhưng họ đã khoác vai, truyền hơi ấm tình cảm cho nhau thì cớ làm sao chúng ta bây giờ – khi chiến tranh đã kết thúc lại mang quá khứ ra để chửi bới, phỉ báng nhau?
Bộ đội Bắc Việt Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội (trái) và người
lính Việt Nam Cộng hoà
Bùi Trọng Nghĩa, người Sài Gòn. Ảnh: Chu Chí
Thành
Tôi mượn lại lời kể của người hiện đang giữ bức ảnh này để mọi người rõ hơn: “Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc. Anh lính thủy quân lục chiến thấy một người cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm” – Thật tuyệt vời và tình cảm phải không?
Tôi trân trọng giá trị lịch sử từ ngày lập nước đến hiện tại, tôi yêu Tổ quốc và con người Việt Nam. Nếu bây giờ ra đường gặp ai vui, phấn khởi tôi sẽ mỉm cười cùng với họ. Ngược lại, nếu gặp ai đó im lặng hoặc đượm buồn thì tôi cũng sẽ suy tư chan hoà với họ bởi điều đơn giản:
“Đã là người Việt Nam thì phải luôn có một tấm lòng – tấm lòng ấy hãy dành cho nhau bằng tình thương của sự tử tế!”
No comments:
Post a Comment