Mai Quốc Ấn - Theo trenddimanche 27 avril 2025
Thuymy
Thậm chí có thể những trend đó mang màu sắc phá hoại từ “Hoa Nam tình báo Cục”!
Trend món ăn tỉnh nào ngon nhất dễ biến thành trend phân biệt vùng miền. Cứ đến ngày 30/4 thì cuộc tranh luận bên nào “giải phóng” bên nào lại là trend gây chia rẽ. Trước giờ có trend “bò đỏ” đấu “ba sọc”, trend “dư luận viên” đấu “đu càng” v.v... Nhưng nếu nhìn sâu vào phía sau những cuộc cãi vã vô mình đó, thì thấy những cái nick ẩn danh, ẩn mặt, tên giả, hình đại diện từ ăn cắp sẽ luôn đóng vai trò kích động.
Tôi chỉ thường tự hỏi: Nếu người Việt chia rẽ thì ai sẽ hưởng lợi. Hỏi cũng là trả lời vì mấy ngàn năm nay chỉ có tà quyền “đam mê” xâm lược nước ta mới có chiêu trò đê tiện đến thế.
Sắp đến ngày 30/4, ngày “triệu người vui cũng triệu người buồn” nhưng nhiều năm quan sát của tôi, vẫn luôn có một đội ngũ nào đó ẩn danh, ẩn mặt phía sau để kích động và chia rẽ. Dĩ nhiên, cũng có luôn những người “bên thắng cuộc” quen tâm thế bề trên “giải phóng miền Nam” và những người chưa xóa được nỗi buồn coi 30/4 là ngày “quốc hận”. Kẻ chia rẽ hiểu rõ điều đó lắm!
Xem diễu binh là nhu cầu của người dân yêu nước? Đúng, nhưng không đầy đủ. Việt Kiều gửi kiều hối từ nước ngoài về xây dựng đất nước có xem diễu binh đâu. Người không ở TPHCM không có điều kiện đi xem diễu binh vẫn yêu nước kia mà. Nhà khoa học đóng cửa nghiên cứu hay cô bác sĩ bận cứu người ở trong phòng mổ sẽ không cần phải đi xem diễu binh mới là yêu nước.
Chí ít họ hơn hẳn về tính cống hiến cho đời, khác xa những kẻ thiếu ý thức đi xem diễu binh mà xả rác, càng hơn cả những kẻ thiếu văn hóa muốn bỏ chồng đòi lấy quân nhân, miệng tục tĩu rụng trứng giữa đông người. Hay tệ hơn, gọi quân nhân Trung Quốc là “lão công” (chồng) một cách đầy thô tục và quên mất quốc thể.
Nên không thể áp đặt sự yêu nước cá nhân của mình theo hướng “đứng ngoài” các giá trị phổ quát!
Ông Tô Lâm vừa viết: “Chiến tranh không chỉ lấy đi sinh mạng của hàng triệu người, mà còn để lại những di chứng sâu sắc về thể chất, tinh thần, kinh tế - xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến cả những thế hệ sinh ra khi tiếng súng đã ngưng.”
Chẳng phải sự chia rẽ hôm nay chính là hậu quả của “những thế hệ sinh ra khi tiếng súng đã ngưng” bị ảnh hưởng đó sao! Và có thể khác biệt nhưng cần tôn trọng nhau vì “mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước.” (Tôi bội phục ai đã chấp bút cho ông Tô câu này!)
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề và nếu mang tiểu khí, tiểu lượng thì sao có thể đạt được sự bao dung mà trở nên lớn lên về tư tưởng, hành động, nhân cách để mà vị quốc?
Nên bài viết này chỉ xin tự nhận là một dạng “theo trend” của thời cuộc mới. Chỉ ngõ hầu mong ai đó còn chút lương tri mà nghĩ cho quốc vận hôm nay và tương lai.
Dẫu chưa/không được vậy thì cũng mong sự nhận thức đúng và âm mưu rẽ chia dân tộc này giảm đi - là giảm nụ cười tươi đầy âm hiểm từ phương Bắc.
MAI QUỐC ẤN 27.04.2025
No comments:
Post a Comment