Sunday, April 27, 2025

VNTB – CSVN lấy hình bà Cao Thị Nhíp để tuyên truyền lễ 30/4
Cảnh Chân
27.04.2025 2:25
VNThoibao



(VNTB) – Chính những đảng viên cốt cán trong hàng ngũ cộng sản cũng phải chạy trốn khỏi Chế Độ, bỏ phe thắng cuộc để chạy về phe thua cuộc, qua Mỹ tị nạn.

 Thành Hồ mấy ngày gần đây có làm nhiều áp phích đưa hình bà Cao Thị Nhíp để tuyên truyền về lễ 30/4 sắp tới. Nhưng buồn cười thay khi biết rằng người phụ nữ này hiện nay: đang ở Little Saigon, California, thủ đô người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.

Bà Nhíp có “tên cách mạng” là Nguyễn Thị Trung Kiên. Trước 1975 thì là biệt động Sài Gòn, làm tình báo với thân phận là giúp việc nhà cho gia đình một sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Tháng 4/1975, bà này làm nhiệm vụ dẫn đường cho quân đội cộng sản Bắc Việt tấn công vào Sài Gòn. Ngày 30/4 năm đó thì bà Nhíp dẫn đầu trên một chiếc xe tăng của Bắc Việt tiến vào chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt.

Lúc đó bà này được ông Đậu Ngọc Đản chụp một tấm hình để đời, và sau đó được đăng lên trang nhất số đầu tiên của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 5 tháng 5 năm 1975. Hình này của bà Nhíp nằm ở góc bên phải trên cùng, với dòng chữ chú thích “Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động 18 tuổi hướng dẫn xe tăng quân Giải Phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất”.

Tấm hình này cũng được xài nhiều lần để CSVN tuyên truyền. Rồi cũng nhờ hình này mà bà Nhíp nổi tiếng, được vào vai chính của một bộ phim tuyên truyền mang tên “Cô Nhíp”. Phim này từng đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên Hoan Phim Việt Nam lần thứ 4.

Nhắc lại câu chuyện giai đoạn đó để thấy bà này có sức ảnh hưởng như thế nào trong chính sách tuyên truyền của Đảng Cộng Sản. Nhưng sau quãng thời gian vinh quang đó thì bà Nhíp lại cho con đi Mỹ và Anh du học, sau đó bà cũng đi Mỹ định cư cùng con. Thà qua Mỹ sống cùng với những người mà bà từng gọi là giặc, chứ không chọn ở lại cùng những người đồng đội đồng chí mà bà từng đứng chung chiến tuyến.

Báo Biên Phòng của CSVN hồi năm 2021 có dẫn lời cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi cho biết: “Sau giải phóng, Nguyễn Thị Trung Kiên chuyển về công tác ở Công ty thương nghiệp tổng hợp quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Nữ biệt động này có 2 người con đều học rất giỏi, một người học đại học ở Mỹ, một người học ở Vương Quốc Anh. Cả 2 người con của Nguyễn Thị Trung Kiên đều thành đạt, gia đình hạnh phúc”. (1)

Ông Thi cũng có nói thêm một câu: “Bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau anh em Trung đoàn 24 thời đó thường hay nhắc tới cô với một tình cảm trìu mến, thân thương, ai cũng rất mong có dịp gặp lại cô để cùng nhau ôn lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt và rất hào hùng của những ngày cuối tháng 4 năm 1975”.

Tức là đã lâu rồi bà Nhíp không về lại Việt Nam để thăm lại đồng chí đồng đội, hoặc có về mà không muốn gặp lại đồng đội cũ.

Một người Việt tại Mỹ từng kể lại rằng: Mùa hè cách đây vài năm, ở thành phố Garden Grove, Nam California, tôi gặp lại Nhíp. Vẫn xinh đẹp như xưa nhưng khi được hỏi về ngày 29/4/1975, Nhíp trả lời: “Tôi đã quên rồi. Quên lâu lắm rồi”. Có lẽ chữ “quên” này là bà Nhíp muốn quên đi những sai lầm thời tuổi trẻ khi lỡ chọn sai phe.

Câu chuyện không riêng gì của bà Nhíp, mà nhìn rộng ra, hàng chục ngàn người là cộng sản về hưu, hoặc con cháu cộng sản, cũng chọn định cư ở Mỹ, trong âm thầm. Không muốn ở lại xứ sở cộng sản thiên đường, ở Mỹ cũng không dám nhận nguồn gốc cộng sản, không dám công khai với Đảng, với dân Việt Nam.

Quay lại chuyện sử dụng hình bà Nhíp để tuyên truyền cho chiến thắng 30/4. Đây chẳng khác nào thừa nhận là CSVN đã thắng nhưng không có được lòng dân, mà thậm chí chính những đảng viên cốt cán trong hàng ngũ cộng sản cũng phải bỏ chạy khỏi chế độ. Nhục nhã hơn, những người cộng sản thắng cuộc đó lại bỏ chạy về phe thua cuộc, qua Mỹ tị nạn.

———————–

Tham khảo

(1)https://www.bienphong.com.vn/bong-hoa-biet-dong-thanh-sai-gon-post439334.html

No comments:

Post a Comment