Cù Mai Công – « Tân Sơn Nhất choáng váng », tôi suýt choáng váng theo
mercredi 23 avril 2025
Thuymy
Nhưng tôi vốn thuộc dạng người tìm hiểu kỹ chứ không đọc tựa rồi giựt đùng đùng. Nên tôi đọc hết bài rồi mới rõ : Thì ra là nói chuyện ngày 28-04-1975, phi trường/phi cảng Tân Sơn Nhứt bị phi công của phía bên kia lái máy bay ném bom.
Do thói quen áp đặt từ của hiện nay lên bối cảnh xưa, bất chấp thực tế khách quan.
Xin loại trừ yếu tố chính trị vì sẽ cãi nhau, tranh luận vô tận, ở đây tôi chỉ nói về chuyện ngôn ngữ. Chẳng hạn, khi viết về Tân Sơn Nhứt từ thuở nó có tên riêng (làng) đến giữa thập niên 1980, tôi viết là Tân Sơn Nhứt vì khi đó bảng ghi tên nó vẫn là Tân Sơn Nhứt.
Sau đó và hiện nay, tôi viết là Tân Sơn Nhất, do thực tế khách quan người ta đã đổi tên nó - nhân danh chuẩn chính tả.
Những ý kiến theo trường phái chuẩn chính tả cực đoan, quá tả ấy quên mất, thậm chí đã vi phạm Hiến pháp năm 2013 : "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình".
Cha mẹ tôi gốc Bắc. Tuy sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, tôi vẫn dễ dàng nói giọng Bắc 54 - máu thịt mình mà. Tuy nhiên, tiếng, giọng, từ, kết cấu từ miền Nam, miền Trung cũng là tiếng Việt mình chứ có phải tiếng Tây, tiếng Tàu đâu.
Quay trở lại bối cảnh lịch sử khách quan, tên riêng (một nguyên tắc, nguyên lý trong ngôn ngữ : Tên riêng tuyệt đối cấm đổi, dù có sai). Tân Sơn Nhứt khi bị ném bom ngày 28-04-1975 phải viết là Tân Sơn Nhứt. Đó là tôn trọng bối cảnh lịch sử thời điểm đó.
Nếu không, có khi như tôi, nhiều người choáng váng.
Và đây chỉ là một trong vô số ví dụ hiện nay về cách dùng từ không phù hợp với thời điểm, bối cảnh, ngôn ngữ vùng miền…
CÙ MAI CÔNG 23.04.2025
No comments:
Post a Comment