Tiểu Vũ - Thân phận người dân trong chiến tranhmercredi 23 avril 2025
Thuymy
Chiến tranh luôn được kể lại qua những chiến công, những tuyên ngôn, những khúc tráng ca… Nhưng ít ai kể về thân phận người dân bị cuốn vào vòng xoáy ấy, bị bẻ cong đời mình theo những toan tính mà họ chưa từng được hỏi ý kiến.
Có ai đếm được bao nhiêu đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh mà chưa kịp biết đến sự dịu dàng của tuổi thơ?
Chúng học cách nhận diện tiếng bom như người ta học phân biệt âm thanh của mưa nắng. Chúng biết nằm rạp xuống đất khi nghe tiếng máy bay, biết giấu giọt nước mắt khi nhìn xác mẹ cha. Có ai hỏi chúng, chúng muốn lớn lên trong một thế giới thế nào? Hay chỉ mặc định rằng, trẻ con thời chiến phải học cách làm người lớn trước khi kịp làm trẻ con?
Người dân là những kẻ đứng ở giữa. Giữa hai lằn đạn. Giữa những lời hô hào chính nghĩa từ cả hai phía. Họ chẳng có chính nghĩa nào để theo ngoài việc muốn sống yên ổn. Họ trồng một luống rau, nuôi một bầy gà, chỉ mong ngày mai trời yên biển lặng. Nhưng rồi một ngày, luống rau thành hố bom, đàn gà tan tác trong những cuộc càn quét, mái nhà hóa tro bụi, người thân biến mất trong một khoảnh khắc. Không ai hỏi họ đứng về bên nào. Vì dù đứng về bên nào, họ cũng là kẻ chịu đau thương.
Chiến tranh giết người dân không chỉ bằng đạn bom, mà còn bằng đói nghèo, bằng những vết thương vô hình trong tâm hồn. Ai trồng lại niềm tin đã cháy rụi cùng mái tranh nghèo? Ai bù đắp cho những đứa trẻ mất cha mẹ? Ai xoa dịu trái tim người mẹ mất con? Không ai cả. Hoặc nếu có, cũng chỉ là những lời thăm hỏi hời hợt, đến từ những người chưa từng biết thế nào là mất tất cả.
Chiến tranh chưa bao giờ là câu chuyện của người dân, nhưng người dân lại luôn là chương mở đầu và kết thúc của nó. Mở đầu bằng máu, kết thúc bằng nước mắt. Và có lẽ, điều đau đớn nhất là: qua bao cuộc chiến tranh trong lịch sử, thân phận người dân vẫn thế – không tiếng nói, không quyền lựa chọn, không ai đòi công bằng khi mọi thứ đã qua.
Vì thế, nếu có ai kể lại về chiến tranh, xin đừng chỉ kể về những anh hùng hay những chiến công. Hãy kể cả về những người dân lặng thầm chịu đựng, về những đứa trẻ bị cướp mất tuổi thơ, về những người mẹ nuốt nước mắt vào tim, về những ngôi làng từng bị bom đạn của cả hai phe cày nát không còn dấu vết. Kể để ít nhất, nỗi đau của họ không bị lãng quên thêm một lần nữa.
TIỂU VŨ 22.04.2025
No comments:
Post a Comment