Wednesday, April 23, 2025

Lê Quang - Khi ký ức bị ép buộc phải đơn nhất
mercredi 23 avril 2025
Thuymy


Năm nay về Việt Nam, tôi ở Sài Gòn hơn hai tháng, đúng vào dịp kỷ niệm 30/4. Những dòng xe vẫn đông, người bán hàng vẫn đếm tiền, và thế hệ trẻ phần lớn không còn liên hệ gì với tiếng súng.

Bên dưới bề mặt đồng thuận được lấp đầy bởi tiêu dùng, ký ức vẫn phân mảnh. Những người từng sống qua cuộc chiến và sự im lặng kéo dài của cả hai phía là bằng chứng rõ nhất rằng, hòa hợp không thể là kết quả của một bản tin, nó cần thời gian và nỗ lực chính trị.

Cùng một khoảnh khắc lịch sử, hai con người - hai cảm xúc hoàn toàn đối lập. Trong chính sự không đồng nhất ấy, ta thấy bản chất phức tạp của ký ức dân tộc.

Những ngày “kết thúc” ở nơi khác cũng để lại di sản rạn vỡ. Ngày 9/5 ở Nga là lễ hội chiến thắng, nhưng với Đông Âu, đó là thời khắc một loại áp bức khác bắt đầu. Ở Đức, suốt nhiều thập niên sau Thế chiến II, chưa có một ngày lễ chiến thắng, có lẽ vì không có chiến thắng nào đủ toàn vẹn khi cái giá là chính máu của mình.

Ngày 8/5, Phát xít đầu hàng, được gọi là “Ngày Giải phóng” – không phải vì người Đức giành được tự do, mà vì họ được giải phóng khỏi chính hệ tư tưởng mà họ từng tôn thờ.

Berlin không có tượng đài chiến thắng, chỉ có những đài tưởng niệm Hồng quân cô đơn ở Tiergarten và Treptower Park. Trên các vỉa hè, khắp thành phố, là hàng nghìn viên đá nhỏ dưới gót chân khách bộ hành, khắc tên những người Do Thái bị sát hại, lặng lẽ như lịch sử vốn diễn ra mà không có nhạc nền. Trong mô hình ký ức của Đức, quá khứ không được huy hoàng hóa, mà được giữ lại để không phải lặp lại.

Diễn ngôn của người thắng thì đơn giản. Tôi cũng háo hức ngước nhìn dàn cường kích bay qua sông Sài Gòn sáng nay, như bất kỳ đứa trẻ lên mười nào. Nhưng chúng ta hiếm khi cho phép các ký ức được tồn tại bình đẳng.

Không có vùng im lặng dành cho người thất bại, người bị đi cải tạo, hay những ai không may đứng sai phía của lịch sử. Khi ký ức bị ép buộc phải đơn nhất, nó không thể chứa được thực tại. Đứng trước các mảnh rời của một cấu trúc xã hội đã phân rã, ta bàng hoàng vì nhận ra rằng tất cả đều đúng, và cũng vì thế mà khó sống chung.

Một quốc gia trưởng thành không thể xây trên ký ức tuyệt đối. Ở những nơi từng có chiến tranh, người ta xử lý quá khứ bằng những thiết chế ký ức: Nam Phi có Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Đức có Erinnerungskultur - một văn hóa tưởng niệm sâu sắc. Không ai ép ký ức phải giống nhau.

Ngày kỷ niệm có người xem diễu binh, có người thắp hương nhớ con ở nhà. Hòa hợp dân tộc không đến từ sự quên, mà từ chấp nhận rằng cùng một sự kiện, con người có thể vui, buồn, mất mát hay im lặng theo nhiều cách, và tất cả đều hợp lệ. Nó cũng không quá tốn kém cho những ai thích tuyệt đối hóa.

LÊ QUANG 22.04.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment