Thursday, April 24, 2025

Nhật Bản, đất hứa cho di dân mới Trung Quốc chạy trốn Tập Cận Bình
Thụy My
Đăng ngày: 24/04/2025 - 11:06Sửa đổi ngày: 24/04/2025 - 11:47
RFI

Le Figaro ngày 23/04/2025 có bài điều tra cho biết Tokyo nay là Hồng Kông mới : Nhật Bản trở thành nơi tị nạn của những người Trung Quốc chạy trốn bàn tay sắt của Tập Cận Bình.

Bảng quảng cáo một nhà hàng karaoke nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa ở Nhật Bản, tại lối vào trạm métro Ikebukuro ở Tokyo. Ảnh chụp ngày 04/09/2024. AP - Eugene Hoshiko

Sau Đức giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội có tiếp tục cởi mở ?

Trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay chủ yếu vẫn dành cho Đức giáo hoàng Phanxicô. Le Monde nói về « Sự dấn thân của một giáo hoàng », La Croix chạy tít « Nỗi xúc động trên toàn thế giới khi giáo hoàng Phanxicô từ trần », Le Figaro đăng ảnh các vệ binh Thụy Sĩ và Hồng y ở Tòa Thánh, với dòng tựa « Vatican chuẩn bị cho hậu giáo hoàng Phanxicô như thế nào ».

Le Monde đặt vấn đề về « Sự cởi mở của Giáo hội sau khi Đức giáo hoàng Phanxicô từ trần ». Nếu sự thay đổi của Giáo hội Công Giáo thường phải mất nhiều thập niên, có khi nhiều thế kỷ, 12 năm trị vì vừa qua được đánh dấu bằng quyết tâm mạnh mẽ chuyển dịch những ưu tiên - từ châu Âu sang thế giới, từ giáo điều sang thực tiễn xã hội, hướng về những tôn giáo khác và người ngoại đạo. Bên cạnh đó là giải quyết những tồn tại xưa nay như quản trị, các tai tiếng tài chính, tình dục.

Vị giáo hoàng qua đời ngay sau lễ Phục Sinh mang tính biểu tượng, nằm trong số những người kế tục tinh thần Công đồng Vatican II sau Đệ nhị thế chiến, mở cửa Công  Giáo với thế giới, đứng cạnh những người yếu thế, chủ trương đối thoại liên tôn giáo và đặt ra vấn đề vị trí của phụ nữ, độc thân của các linh mục. Giáo hoàng người Achentina còn đưa vào Tông huấn khái niệm sinh thái, có thể so sánh với giáo hoàng Lêô (Léon) XIII khi bổ sung vào vấn đề xã hội từ năm 1891. 

Lòng nhân ái và sự phức tạp của địa chính trị  

Le Figaro nhận xét, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, thứ Bảy tới sẽ tấp nập đến dự tang lễ của Đức giáo hoàng Phanxicô, là những nhân vật ưu tiên trong một sự kiện truyền thông toàn cầu. Nhưng ít ai trong số đó có thể tự cho là tín đồ tuân thủ tuyệt đối chủ thuyết, quan điểm hay cung cách ngoại giao của giáo hoàng La Mã thứ 266. Là nhà lãnh đạo tinh thần và nguyên thủ, giáo hoàng phải có những phẩm chất siêu việt để có được sự nhất trí - một khái niệm mà ngài không mong muốn.

Vị giáo hoàng gần gũi với người dân không phải là đại chiến lược gia về địa chính trị. Khác với giáo hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần trong việc làm sụp đổ khối cộng sản ; hay nhà thần học Bênêdictô XVI, người bảo đảm các giáo điều khỏi những tác động của thế gian ; Phanxicô là một giáo hoàng nhân ái, bảo vệ người nghèo, người đứng bên lề xã hội ở khắp nơi, nhưng thường bị choáng ngợp trước sự phức tạp của thế giới.

Ngài bênh vực cho hòa bình bằng mọi giá với niềm tin rằng không có cuộc chiến tranh nào là chính đáng, nhưng thường gây nhiễu cho thông điệp của Giáo hội mà không đóng góp được vào hòa bình như mong muốn. Người Ukraina không thể hiểu nổi vì sao lại được yêu cầu « giương cờ trắng » trước kẻ xâm lăng Nga. Người Armenia tìm kiếm sự ủng hộ khi Azerbaijan truy bức họ chạy khỏi Thượng Karabakh năm 2023.

Vatican đã khiến 12 triệu người Công Giáo ở Hoa lục phải chịu sự áp đặt của Bắc Kinh dưới quyền Tập Cận Bình về việc phong giám mục. Người Syria thấy vẫn có sứ thần của Tòa Thánh ở Damas cho đến khi tên bạo chúa Assad sụp đổ. Người Israel đánh giá lòng trắc ẩn của ngài có phần thiên vị, khi tối nào cũng nói chuyện điện thoại với linh mục người Achentina ở Gaza. Người Mỹ và « các nước phương Nam » cho rằng giáo hoàng quá tự do, người châu Âu thấy ngài xa cách...

Cả thế giới tiếc thương một con người thánh thiện, nhưng ý định tốt đẹp không làm giảm được sự rạn nứt giữa 1 tỉ 400 triệu người Công Giáo. Một người hành hương tìm kiếm hòa bình, nhưng hòa bình không phải luôn là công chính. Dù sao ít nhất Đức giáo hoàng Phanxicô là mẫu mực của tự do ngôn luận, tuy mang gánh nặng trọng trách.

« Virus Trump » tác hại hơn cả Covid

Trên lãnh vực kinh tế, trong bài xã luận mang tựa đề « Con virus Trump », Les Echos cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa có bản báo cáo đánh giá về tác hại của cuộc thương chiến do tổng thống Mỹ khởi động lên kinh tế thế giới.

Theo báo cáo đó, dự báo tăng trưởng năm 2025 và 2026 giảm xuống, nhưng thế giới sẽ không rơi vào suy thoái như trong đại dịch Covid năm 2020. Như vậy chiến tranh thương mại không tàn phá bằng cuộc chiến dịch tễ. Nhưng liệu có thể an tâm được hay không ? Hoa Kỳ, đầu tàu kinh tế, sẽ mất gần 1 điểm tăng trưởng trong năm nay. Trung Quốc sẽ phải rất vất vả mới đạt được tỉ lệ 4 %, kém xa kỳ vọng. Đức suýt suy thoái, và Pháp sẽ phải tự hài lòng với 0,6 %.

Nhất là khi hiểu được ý nghĩa phía sau bản báo cáo : con virus Trump có thể là virus có tác hại lâu dài. Sự rối loạn lập tức của thương mại thế giới, tác động gây lạm phát trung hạn của thuế quan, việc di dời các chuỗi sản xuất sẽ gây trở ngại lâu dài cho nhịp độ tăng trưởng của hành tinh chúng ta. Cho đến nay, Donald Trump vẫn tỏ thái độ bất cần về hậu quả những biện pháp kinh tế của ông. Cuối tháng Ba, Trump tuyên bố « Tôi hoàn toàn không quan tâm đến », cho rằng công cuộc chuyển đổi nước Mỹ phải có những hy sinh mất mát.

Nhưng nay tình trạng tệ hại của thị trường tài chánh bắt đầu gây lo lắng đến nỗi phải gây áp lực lên Jerome Powell, giám đốc Quỹ Dự trữ Liên bang (FED). Tổng thống Mỹ thứ 47 nói : « Kinh tế có thể chậm lại, nếu cái vị chậm chạp, "đại thất bại" này không giảm ngay lãi suất ». Les Echos đặt câu hỏi, ai có thể giải thích cho Donald Trump rằng chỉ có mình ông sở hữu kháng thể cho con virus mà ông đã thả lan tràn ra kinh tế thế giới ?

Le Figaro thì kinh ngạc trước tỉ lệ thuế quan khó tin mà Washington muốn đánh vào pin mặt trời từ châu Đông Nam Á : đến 3.521 % ! Mức thuế này nhắm vào các công ty đặt tại Cam Bốt, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, dựa vào cuộc điều tra từ tháng 4/2024 theo yêu cầu của Liên minh các kỹ nghệ năng lượng mặt trời Mỹ. Thực chất đây là đòn dành cho hai công ty Trung Quốc Hounen Solar và Solar Long PV-Tech.

Các khoa học gia chạy khỏi nước Mỹ, cơ hội cho châu Âu  

Cũng liên quan đến nước Mỹ nhưng về mặt khoa học, Libération chạy tít trang nhất « Các nhà nghiên cứu Mỹ : Phải chăng nước Pháp là phòng thí nghiệm để cứu vãn ? ». Việc ông Trump phá hủy nhiều mảng trong nghiên cứu khiến không ít nhà khoa học muốn lưu vong sang các nước khác. Đây là cơ hội lịch sử có thể thay đổi vận mệnh một nước nếu không phải là cả một châu lục.

Trong vòng chưa đầy 100 ngày, hàng ngàn nhà nghiên cứu bị sa thải khỏi các định chế khoa học danh giá, các trường đại học uy tín nhất thế giới bị tấn công, và nay đến động cơ chính trong sáng tạo của Mỹ đang bị đe dọa cắt mất phân nửa ngân sách. Đó là National Science Foundation, trung tâm khoa học, cơ sở của quyền lực mềm Mỹ, thực ra bắt đầu từ một sáng kiến Pháp.

Khi kỹ sư Vannevar Bush, cố vấn khoa học của tổng thống Franklin Roosevelt, năm 1945 hình dung ra một hệ thống tập trung dành cho nghiên cứu trong thời bình, ông dựa theo hai nguyên tắc căn bản : nguồn tài trợ từ ngân sách to lớn của quốc phòng, và các nghiên cứu do các nhà khoa học chọn lựa chứ không do viên chức hành chánh quyết định. Tổ chức này năm 1950 trở thành National Science Foundation, dựa trên ý tưởng của nhà vật lý Pháp Jean Perrin.

Năm 1935, Jean Perrin đã sáng lập Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, nay là CNRS, và được chính phủ cấp một phần ngân sách dành cho việc xây dựng chiến lũy Maginot. Ông Perrin cũng thành công trong việc thu hút đến Paris nhiều nhà khoa học chạy trốn sự đàn áp của phát-xít, trong đó có hai giải Nobel tương lai. Tham vọng hiện nay, kể cả việc sử dụng từ ngữ « tị nạn khoa học », có tầm vóc thấp hơn ý tưởng của Perrin được Roosevelt thực hiện. Nhưng chưa phải là quá trễ để đạt được mong muốn này.

Tokyo, một Hồng Kông mới cho người Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, Le Figaro có bài điều tra cho biết Nhật Bản đang trở thành nơi tị nạn của những người Trung Quốc chạy trốn bàn tay sắt của Tập Cận Bình. Cộng đồng người Hoa tại đây ngày càng lớn mạnh, thu hút những người bất đồng chính kiến và các tỉ phú muốn tránh khỏi sự suy thoái của nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Bài viết bắt đầu bằng một cuộc tranh luận sôi nổi của khoảng 15 người Hoa là sinh viên, trí thức, luật sư, về Donald Trump và Vladimir Putin, về Đài Loan...tại một ngôi nhà nhỏ gần trường đại học Waseda. Ông Lý, người sáng lập Diễn đàn Nhân bản ở Tokyo, cho biết những cuộc đối thoại như thế hoàn toàn không thể có được ở Trung Quốc ngày nay, thậm chí công an còn đến nơi trước khi những người tham gia tới.

Người luật sư 48 tuổi kiên trì đấu tranh cho quyền tự do cá nhân đã phải lưu vong sang Nhật năm 2022, sau khi giấy phép hành nghề bị thu hồi trong nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình. Các đồng nghiệp của ông bị bắt, ông thì bị giám sát và công an đã đến tận nhà. « Mọi tiếng nói tự do đều bị nghiền nát tại Trung Quốc, tôi phải tìm kiếm một môi trường an toàn cho gia đình » - ông giải thích.

Một triệu rưỡi nhà triệu phú Trung Quốc chạy khỏi Hoa lục năm 2024

Cộng đồng người Hoa tại Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng kể từ khi xảy ra dịch Covid, tăng hơn 17 % tính từ năm 2021. Đến năm ngoái, tổng cộng có 844.000 người Trung Quốc tại Nhật và con số này là hơn 1 triệu người nếu tính cả những người nhập cư thế hệ thứ hai. Dòng người trí thức, nhà hoạt động, sinh viên, cũng như các chuyên gia trẻ tuổi và nhà đầu tư đổ về đây để tìm kiếm cơ hội bên ngoài Vạn Lý Trường Thành. Bà Lưu Hà, vợ của cố thi sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, đã tìm thấy nơi ẩn náu tại Kyoto sau nhiều năm lưu vong ở Đức.

Đồng yen Nhật mất giá thu hút nhiều người tìm kiếm một chỗ trú thân và cơ hội làm ăn. Theo ông Lý, « Tokyo đã trở thành một Bắc Kinh thu nhỏ ». School Live Bar nổi tiếng ở Bắc Kinh vừa mở chi nhánh ở Roppongi, và thủ đô Nhật Bản nay có năm nhà sách chuyên về sách tiếng Hoa. Một Trung Quốc tự do mở ra với những tựa sách bị cấm đoán tại Hoa lục. Không chỉ giới trung lưu, mà cả những đại gia cũng tìm đến như Mã Vân (Jack Ma), sang đây sinh sống từ khi đế chế Alibaba bị đàn áp. Chỉ cách Thượng Hải 2 giờ 45 phút bay, Tokyo là một chọn lựa khác bên cạnh Dubai hay Luân Đôn, Singapore.

Đã có 15.000 triệu phú Trung Quốc ra đi trong năm 2024, một kỷ lục thế giới, theo Henley & Partners. « #Runriben » (Hãy chạy sang Nhật Bản) trở thành xu hướng trên mạng xã hội. Nhà văn Takehiro Masutomo khẳng định : « Tokyo nay là Hồng Kông mới ! ». Đa số di dân mới cố tránh gây chú ý để thoát khỏi những cặp mắt cú vọ của an ninh Trung Quốc, nay có mặt khắp năm châu. Các nhà ly khai cho biết cảm thấy tương đối an toàn ở Nhật Bản so với Hoa Kỳ. Một người thổ lộ không biết mối nguy nào sẽ dành cho mình, nhưng trong khi chờ đợi, nên tận hưởng tự do.

No comments:

Post a Comment