Thursday, April 24, 2025

Tháng 3/1975, cuộc di tản kinh hoàng trên con đường máu tỉnh lộ 7B (Phần 6)
Nguyễn Đình Nguyên
Posted on 24/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn

Tùy nghi di tản

Cuộc hành quân triệt thoái đã có manh nha thất bại ngay từ đầu, nhưng chỉ thực sự sau khi bị rơi vào thế trận pháo kích của quân Bắc Việt ba ngày sau đó. Lệnh tùy nghi di tản được phát ra trong quân đội khi Cheo Reo đã thất thủ và đoàn quân triệt thoái thì gần như bị bất hoạt. 

Hành quân mà không thể chủ động tạo được tuyến phòng thủ khi bị tấn công, lại bị trộn lẫn vào dân chúng thì chẳng khác gì làm bia tập bắn, không thể “đánh đấm” gì được, có quân có vũ khí cũng như không. 

Quân nhân bị bỏ rơi, tan đàn mạnh ai nấy thoát, nhưng đa số là lực lượng địa phương quân, bộ binh và các quân nhân có gia đình đi theo. Lính độc thân, đặc biệt là lực lượng Biệt động quân và Công binh vẫn còn chiến đấu và mở đường máu tiếp tục tiến về Tuy Hòa.

Vì đã có lệnh tùy nghi, nên ai không còn muốn chiến đấu, họ lập tức tự tước bỏ vai trò quân nhân vì sợ bị bắt, bị tiêu diệt. Không thể đếm xiết khắp nơi quân trang, quân cụ vương vãi. Một phút lính hóa thường dân. 

Trong số đó tôi đồ đoán cũng có ông cựu đại úy Thịnh hàng xóm tôi có kể ở trước, ngay trong chiều Chủ nhật khi vừa mới ra đi, rất bảnh chọe trong bộ đồ quân nhân hàm đại úy mới coóng mặc dù ông hồi hưu đã lâu. 

Trong những thời khắc hỗn loạn kinh hoàng đó, đạo tặc và chuyện lính dùng vũ lực cướp bóc của dân thì chỉ có nghe sau này nhiều người kể lại, nhưng thực ra tôi không tận mắt chứng kiến trong suốt cuộc hành trình của gia đình.

Khi vượt qua khỏi đèo Tuna, có quá nhiều chiến xa M48 còn bốc khói, tuột xích nằm chật cả lối qua. Còn nghe tin khủng khiếp hơn là trước đó trong lúc đang bị đạn pháo địch dội xuống, một phi đoàn A37 được gọi đến yểm trợ, nhằm giải vây, trong đêm đã ném bom nhầm ngay vào cánh Biệt động quân của mình, số thương vong lại tăng cấp bội. Đoàn quân dân sau đó như rắn còn đầu nhưng mất não, cố lếch về phía trước trong đạn pháo thay cơm.

Có lẽ hai ngày gì đó hay hơn, tôi không còn nhớ là mình có được ngủ hay không, nhưng chỉ nhớ là chạy. Con người khi ở vào ranh giới giữa cái sống và chết thì năng lượng tồn trữ được đánh thức và trở thành một sức mạnh phi thường. Suốt ba ngày ròng rã vượt đèo băng rừng chúng tôi không có một hạt cơm nào trong bụng, nước thiếu trầm kha, những đứa trẻ tụi tôi tơi tả như những tàu lá chuối sau cơn bão, nhưng gần như vẫn không dừng bước.

Hỡi bé thơ ơi!

Đã không được bú sữa mẹ từ khi mới chào đời do mẹ tôi bị băng huyết sau sanh nặng tưởng không qua khỏi, em gái út tôi lúc đó cũng vừa mới 8 tháng, lại thêm một cơn viêm phổi nặng thừa chết thiếu sống vài tháng trước khi di tản. Vốn đã nhỏ như trái bắp, còi cọc, em gần như đứt sữa non một tuần kể từ lúc bao sữa bị rơi mất xuống vực trong tai nạn xe. 

Vài hôm đầu, em còn có hơi sữa do má tôi xin được của mấy gia đình có con nhỏ hoặc có hôm được bú chực. Mấy ngày sau đó, chúng tôi hái những trái bầu của người thượng trồng trên rẫy hay mọc ven rừng, để ăn cầm đói và chống khát, đó cũng là thức ăn chính của em. Má tôi nhai và nhổ từng ngụm nước trái bầu non vào miệng, em nuốt ngon lành. 

Nhưng em lại bị tiêu chảy. Không thuốc, không sữa, không thức ăn. Nhưng không có cách nào khác, miệng nuốt nước bầu non, trôn vẫn liên tục tháo. Em lả đi và thoi thóp. Nhiều lúc má tôi phải vả vô mặt em thật đau để cho em tỉnh lại, nhưng giọng khóc yếu ớt, đôi mắt lờ đờ vô hồn, mặt tái, người lạnh ngắt. 

Không ai tin là em có thể sống được. Má tôi bọc em sát người để giữ hơi ấm.

Suốt mấy ngày đêm hỗn loạn, cảnh người lạc gia đình, trẻ lạc cha mẹ diễn ra từng giờ trước mắt chúng tôi. Từng tốp, từng tốp trẻ nhỏ nheo nhóc chạy xuôi chạy ngược miệng mếu máo gọi “Ba ơi! Má ơi!”. Tôi thấy có nhiều em bé tuổi chập chững vẫn hồn nhiên bò quanh xác mẹ. 

Lòng tốt của con người đối với con trẻ là bản năng nhưng đã đạt đến tận cùng. Nhiều người dẫn các em theo cùng để mong tìm gặp lại gia đình. Tôi thấy có nhiều chú lính cõng hoặc công kênh các em nhỏ bị lạc cha mẹ trên vai tiếp tục hành trình. Nhưng sau đó rồi đuối dần hoặc bị đạn pháo hoặc đành phải để lại một nơi nào đó trên đường. 

Nhiều trẻ lớn hơn thì cứ chạy bám theo dòng người trong hoảng loạn. Một vài đứa trẻ trạc tuổi hai anh em tôi lúc đầu chạy theo nhà tôi rồi sau vài lần đạn pháo cũng lạc đi đâu mất. Đến cả hai anh em tôi là con nít cũng đã phải trở thành người lớn thì không còn có thể giúp thêm ai được nữa. Ba má và dì tôi lo đói khát thì ít mà lo con cái bị thất lạc hoặc chết chóc thì nhiều.

Cửa tử

Lần lữa rồi chúng tôi cũng lê lết được đến bờ sông Ea-Pa (sông Ba), nhưng đoàn người trước đó vẫn còn ùn lại hơn quá nửa. Đoàn công-voa đi trước đã nhận ra rằng đoạn đường liên tỉnh lộ 7B đi tiếp từ đó từ Củng Sơn đến Tuy Hòa đã bị tắt. Đó là một bãi mìn được quân đội Đại Hàn để lại sau những trận đánh khốc liệt vào những năm 60s. 

Con đường không còn sử dụng đã lâu. Phá hủy mìn cấp tốc lúc này là chuyện bất khả. Công binh cố bắt cầu phao qua sông để mở đường về hướng Tuy Hòa. 

Thế nhưng vào thời điểm đó, đoạn đường gần ngả rẽ con sông Ba hướng về Tuy Hòa đã bị quân Bắc Việt chốt chận, lực lượng tiếp viện làm cầu phao bị ngăn cản. Phía đoạn lòng cạn của sông Ba đã bị đào sâu do chiến xa và tải nặng của quân đội vượt qua trước đó, nên tốp đi sau không qua được nữa. Ùn tắt tăng dần.

Những chiếc trực thăng Chinook bận rộn bay lượn trên bầu trời, chở theo những tấm cầu phao ghép, ghi sắt thả xuống bờ sông để công binh bắt cầu mở đường máu. Đoàn người lại chầu chực bên bờ sông, đói khát phải tỏa vô rừng kiếm cái ăn. Vẫn chỉ có lá rừng với bầu non cầm hơi.

Đêm xuống, cầu phao mới bắt được non nửa. Đang ra chỗ mé sông cạnh cầu phao lấy nước thì má và dì tôi hớt hải chạy về. Lệnh cả nhà và gọi mọi người xung quanh phải chạy gấp. Má và dì bảo chạy thì tụi tôi chạy, một số gia đình cũng chạy theo nhưng không ai rõ lý do. Chừng 5 phút sau đó, một vầng lửa chớp lên và tiếng nổ như bom, biển lửa bùng lên ngay chỗ chúng tôi vừa rời khỏi. 

Số là lúc xuống lấy nước, loáng trong bóng đêm má tôi thấy có một người đứng mé đầu cầu bị ngã xuống nước đánh tõm. Tưởng là bị trượt chân ngã, nhưng gần một phút sau lại có người khác cũng lại ngã xuống sông. Sau vài phút mất hút, không thấy ai trồi lên, má tôi sinh nghi hỏi dì tôi. Dì và má cùng lúc như nhận ra một điều nguy hiểm có lẽ “đặc công Việt Cộng” đánh mìn. 

Chỉ trong một phút phán đoán mà chúng tôi đã thoát được lưỡi hái tử thần lần nữa. Liên tiếp sau đó hàng loạt đợt mìn nổ, đoạn cầu phao cất chưa xong không còn để lại một vết tích gì. Bóng đêm ma quái trùm lên. Niềm hy vọng sớm được qua sông bị tắt ngấm. Đoàn người lại tiếp tục rơi vào cửa tử.

Không táng

Đang trong ngõ cụt thì như hạn gặp mưa. Trưa ngày hôm sau các trực thăng Chinook và Huey của quân đội được điều lên nhằm giải cứu dân chúng bị kẹt ở bờ sông. Mỗi đợt, từng chiếc máy bay đáp ngay xuống ven rừng, bãi cát trong tình trạng “trực chiến” –  cánh quạt vẫn quay vù vù. 

Từng đoàn người xiêu vẹo ùa đến mỗi khi một chiếc hạ xuống. Cát bụi bay mù. Sức mạnh của cánh quạt thổi dạt những người có thân hình bé nhỏ, nhưng không cản được khát vọng sống. Hầu như chỉ có đám trẻ khỏe mới có thể tiếp cận và được đưa lên máy bay. Hai anh em tôi tuy nhỏ bé nhẹ cân nhưng luôn trong tốp đầu, nhất là anh Ba tôi. 

Anh vẫn còn đôi giày Bata vải bố trên chân và anh vốn là một “chân sút” của đội banh đường phố, chạy rất nhanh. Anh bảo tôi “Đừng chạy như thế ngu lắm. Theo tao” Anh lom khom chạy trước, nép sau những người lớn để tránh cát đập vào mắt và tránh lực thổi cánh quạt, khi còn cách máy bay chừng chục mét là anh tách tốp chạy thục mạng về phía máy bay. Lúc nào anh cũng là người tiếp cận máy bay sớm nhất. 

Ba tôi khuyến khích hai đứa tôi cố lên được máy bay thì lên. Trong tình cảnh này thoát được đứa nào thì phải cố thoát. Má tôi thì không chịu, chết cùng chết. Má tôi bảo hai chúng tôi không được lên máy bay nếu cả nhà không kịp tới. Thế là dăm ba bận, chạy máy bay chỉ là những cuộc đua nước rút của hai anh em, luôn thắng cuộc nhưng thua trận vì không lên được máy bay, vì nhìn lại thì cả nhà tôi phía sau vẫn bị chôn chân trong bão cát.

Thảm họa xảy ra ngay sau một vài chiếc cất cánh. Đoàn người ào lên máy bay quá đông. Cái cửa cất phía sau của chiếc Chinook không tài nào đóng lại được, người ngồi tràn mép bửng, cất cánh lên rồi thì vẫn còn có người cố bám đu theo. Máy bay trực thăng Huey cũng chịu chung số phận. Sức chở chừng 15 người nhưng số người bám lên nó như một đàn kiến bâu mẩu bánh, kín nghẹt. 

Mỗi chiếc có dăm ba người đu vào chân máy bay. Chuyện gì đến phải đến. Từ tầm 5-10 mét độ cao trở lên, từng người, từng người vuột tay khỏi máy bay và rơi tự do. 

Hai anh em không lên được máy bay, phải ngồi cúi thụp xuống tránh cát vào mắt, chờ cả nhà tôi. Chán. Mỗi đứa chọn một chiếc, ngồi thi đếm người rơi. Có lúc hai anh em tôi không đếm kịp. Từng cụm năm bảy người có khi mười người bung ra khỏi bụng chiếc Chinook như là nhảy dù tập thể. 

Do phía trong người chật, cửa sau không đóng lại được nên bị ở trong đẩy bật ra ngoài. Uỵch, ngay trước mặt hai anh em một người rơi xuống, ngay lập tức thành một “túi thịt”, đầu lún sâu xuống cát, chân tay gãy rụp. Hoảng quá, chúng tôi phải lùi tránh xa bãi trống. 

Đoàn người vẫn không ngớt ùa tới mỗi khi một chiếc máy bay hạ xuống. Người vẫn tiếp tục rơi, tiếng nghe lộp độp như mít chín rụng, có người treo lủng lẳng trên cành cây. Một cuộc “không táng” người sống tập thể, một hình thức mai táng có lẽ có một không hai trong lịch sử cổ kim của Việt Nam, và cả trong tương lai!

(Còn tiếp)

N.Đ.N.

Tác giả gửi BVN

No comments:

Post a Comment