Tháng 3/1975, cuộc di tản kinh hoàng trên con đường máu tỉnh lộ 7B (Phần 5)
Nguyễn Đình Nguyên
Posted on 23/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn
“Huê Dung đạo”
Đã quá nửa khuya. Chưa có một dấu hiệu nào cho thấy cường độ pháo kích giảm xuống. Cứ vài phút là một ụ lửa mới bùng lên. Đoàn xe quân sự lẫn dân sự bị dính đạn pháo, từng dãy cháy rần rật, sáng cả một góc trời. Mùi khét của lốp xe và khói từng cuộn tỏa ra, xộc vào mũi cay xè, ngột ngạt.
Dì Tám bảo chúng tôi mò tay xuống đất tìm các bụi cỏ, lấy áo che mặt rồi ụp mặt xuống cỏ mà thở. Mẹo của Dì vậy mà hiệu quả, chúng tôi đỡ thấy ngộp. Nhưng tai hại cho đứa em gái kế của tôi. Vừa mới cúi mặt xuống thì bật lên khóc thét, má tôi quơ tay thì mới biết em tôi vừa mới chúi mặt xuống đúng ngay một bụi gai mắc cỡ.
Con số thương vong tăng dần. Dù trong đêm tối, nhưng giờ chúng tôi có thể nhìn thấy xác người la liệt qua ánh lửa cháy, tiếng rên la thảm thiết liên tục cất lên. Ba má và dì tôi miệng không ngớt niệm Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Không chỉ gia đình tôi, râm ran xung quanh là những tiếng cầu nguyện Phật, Chúa của những người đang còn sống sót.
Truyền tin báo về, ở phía trước, VC chận đánh ngang đèo Tuna. Phía sau thì Cheo Reo thất thủ, quân Bắc Việt đang “làm cỏ” thị xã. Đoàn người di tản như một con trăn khổng lồ bị chặt làm ba khúc. Đoạn đầu đã chạm bờ sông Ea-Pa nhưng cầu phao chưa xong; đoạn giữa kẹt dưới chân đèo Tuna cho tới Cheo Reo; đoạn cuối thì nghe đâu từ đó đổ lui về Mỹ Thạnh.
Dân chúng và binh lính ở đoạn sau thì gần như không còn đường tiến, sau này tôi được nghe lại là hầu như những ai rời Pleiku muộn vào ngày thứ Hai 17/3 thì đều quay lại. Đoạn đầu còn có cơ may về Tuy Hòa sớm. Gia đình chúng tôi lọt vào đoạn giữa, kẹt ngay dưới chân đèo, trong một lòng chảo, xung quanh là rừng núi.
Cảnh tượng chẳng khác nào quân Tào bị kẹt ở Huê Dung đạo năm xưa trong Tam quốc, tứ bề lửa đạn, địch vây trùng trùng. Suốt mấy tiếng đồng hồ đó, chúng tôi cũng chỉ chạy quanh. Tới không được, chạy lui cũng không tới đâu, và dân chúng ở phía sau cũng dồn tới.
Đêm chùng xuống, rồi tiếng pháo kích cũng thưa dần. Lực lượng BĐQ quyết định cắt rừng tiến sâu vào trong để tìm lối ra, lính đi tới đâu, dân bám theo tới đó. Ban đầu nhà tôi cũng chạy theo, vì chỉ loáng thoáng trong đêm người ta chạy thì mình chạy. Chỉ chừng hơn 15 phút gì đó thì dì tôi bảo cả nhà phải dừng lại.
Dì nói đoàn người đang bỏ lộ chính đi vào hướng núi, sẽ có nhiều bất lợi và dữ hơn lành.
Thứ nhất, dù có cắt rừng đi tắt, nhưng cũng là vào hang ổ của “mấy ổng”, thì chẳng khác đem mình vào hang cọp. Hơn nữa, với một tiểu đội nhí như nhà tôi thì không thể nào lội rừng, leo núi được, mấy đứa nhỏ sẽ chết hết.
Dì quyết định cả nhà phải quay lại và bằng mọi giá phải băng qua tuyến lửa, có nghĩa là tiếp tục tiến về phía trước, lợi dụng tình thế VC đang nghỉ cầm canh. Không chỉ có gia đình tôi, mà rất nhiều binh lính và dân chúng cũng làm như thế, liều mình băng về phía trước.
Trong đêm tối, chúng tôi len qua những đám cháy, dậm lên những xác người, có lúc dậm lên cả người bị thương đang còn sống, bị tay họ ôm quàng vào chân kêu cứu, tụi tôi run rẩy như là bị quỷ nhập tràng hiện hình… Mấy đứa tôi vấp ngã không biết bao nhiêu lần. Khổ thay, một đứa ngã là đứa kia cũng dúi dụi ngã theo, vì tay chúng tôi buộc lại với nhau thành đôi. Và cũng không còn nhớ bao nhiêu lần tôi ngã dụi lên những đống thịt mềm nóng hổi, nhầy nhụa, những cái xác người cháy khét lẹt.
Từ thời điểm này, chúng tôi không còn phương tiện cơ giới nào nữa, hầu như dân chúng đều chạy bộ bằng đôi chân trần kể cả những đứa con nít mới biết chạy. Vẫn còn một số quân xa sử dụng được, vài chiếc thiết giáp chạy đầu mở đường, một số xe lính cũng bám đuôi, nhưng giờ lệnh chỉ huy, quân xa chỉ được chở lính để tiến về phía trước mở đường máu.
Cánh quân và dân chúng cắt băng rừng rồi cũng không tránh được thảm họa, lọt ngay vào hang ổ của Việt Cộng chỉ sau vài tiếng. Lính và dân chết rất nhiều, và cả một liên đoàn BĐQ mất luôn hiệu lực chiến đấu, chỉ có một số ít người trốn thoát được, vẫn chưa biết lối đi, truyền tin tiếp tục báo về.
Đường máu
Trời hửng sáng mặt người rõ dần, trông ai cũng như những dị nhân thời tiền sử. Mặt mũi đen ngòm vì khói, hốc hác, bơ phờ sau một đêm trắng, hoảng loạn vì chết hụt. Bây giờ chúng tôi mới bắt đầu thấy sự chết chóc hiện ra sau một đêm mưa pháo của phía bên kia. Thây người ngổn ngang, già trẻ, gái trai, con nít không thể đếm xiết. Người mất tay, kẻ mất đầu, người cụt chân. Nằm đủ tư thế, nằm chồng lên nhau. Máu chảy ngấm đen cả đất, ruồi nhặng bắt đầu đánh hơi mùi tanh, bu đến từng đàn.
Cũng có rất nhiều người bị thương nặng nằm rên la, thấy chúng tôi đi ngang qua đưa tay ra vẫy, miệng thì thào kêu cứu, ánh mắt trõm sâu mờ đục… Đoàn người vẫn lẳng lặng tiến về phía trước, hầu như không có ai dám nán lại để cứu giúp. Không ai có thể biết cách nào để tự cứu mình thì cũng không còn cách gì để giúp đỡ người khác trong lúc này. Tâm lý sợ hãi vẫn đè nặng, ai cũng cố tiến về phía trước càng nhanh càng tốt.
Chúng tôi đang vượt đèo Tuna, nhưng không dám theo lộ công binh mở lối mà lội rừng men lộ. Bữa ăn cuối cùng của chúng tôi là chạng vạng đêm hôm trước, mỗi đứa được một nắm cơm to bằng cái trứng vịt với canh rau rừng. Tất cả mọi thứ còn lại đều bị cháy hoặc vùi theo đợt pháo kính trong đêm.
Mặt trời đã chéo mặt, chúng tôi đói lả vì chạy suốt đêm và sáng tới giờ. Đói và khát làm lũ trẻ chúng tôi mắt mờ, chân run, bước không vững.
Tội nhất là hai đứa em gái kế của tôi, chúng nó phải chạy bộ theo chứ anh tôi và tôi không cõng nổi. Đứa em kế của tôi tệ hơn, chân đất liên tục dẫm gai mắc cỡ, chân nhảy lò cò, nhưng chân này vừa nhấc lên thì chân kia lại dẫm phải gai. Nó khóc thét và ngồi thụp xuống không chịu đi nữa.
Năn nỉ không được, má tôi đành phải quát “Đứa nào không đi thì bỏ lại hết!”. Nó bật dậy như cái lò xo, lại cò cò nhảy theo, một tay víu vào tôi, nước mắt lưng tròng miệng thất thanh “Má ơi, đừng bỏ con, má ơi!”. Hai anh em lại xiu vẹo bấu vào nhau “Ráng đi em!” tôi an ủi, anh em tôi tiếp tục đuổi theo đoàn người tiến về phía trước.
Trên lối đường mòn, rất nhiều hành lý vương vãi của đoàn người đi trước đêm qua bỏ lại trên đèo, lẫn xác xe và xác chết. Anh Ba tôi, vụt chạy về phía đó trong sự ngỡ ngàng của ba má tôi. Má tôi gọi giật nhưng anh dường như bỏ qua tai, chạy rất nhanh. Cắm đầu vào đống đồ đạc mà bươi, chừng vài phút anh tôi chạy ngược lại với hai bọc cơm sấy trong tay tìm được trong đống đồ đó. Mọi người cũng làm theo, vì ai cũng đều đói cả.
Cả đoàn người đều dừng lại nghỉ để kiếm cái gì đó bỏ bụng, chủ yếu là tìm đồ ăn sót lại.
Một phút nhanh trí của anh tôi, làm chúng tôi cầm hơi được bữa sáng. Từ giờ phút đó, anh Ba tôi, 11 tuổi trờ thành một vị cứu tinh thứ hai trong gia đình, và hai anh em tôi được nới lỏng sự giám sát hơn, thành hai đứa con trai trưởng để lo vòng ngoài trong sự tin tưởng. Hai chúng tôi tự nguyện đi tìm nước.
Má tôi sợ bọn tôi bị lạc. Anh Ba tôi bèn hiến kế. Hai đứa chạy lại bẻ mấy cây nhỏ, lấy dây rừng nối lại thành cái cây sào khá cao, cởi áo buộc vào đầu sào, bảo má tôi cầm sào giơ lên. Thế là hai anh em tôi chạy đi kiếm nước, khi quay về cứ tìm hướng cái sào có cái áo má tôi giơ lên vẫy mà về.
Trong lúc nghỉ chân, anh em chúng tôi lại sà vào các đống đồ đạc tìm thức ăn, nhưng chẳng còn gì. Mọi thứ của cải khác giờ không còn ai màng nữa. Hai anh em nhặt được một túi vàng lá, hí hửng cầm về. Bị ba má tôi quát một trận “Chết tới nơi không lo, lo tìm vàng. Không phải của mình đừng có đụng tới” , “Cầm vàng là xui lắm, có đem bỏ lại đi không!”. Hai thằng tôi tót ra ngoài, bẻ từng tấm vàng lá ra thành những miếng hình vuông, chơi đánh đáo với nhau. Mọi người xung quanh chẳng ai màng ngó chúng tôi.
Nghỉ chưa kịp thở thì mọi người lục đục lên đường. Lại pháo kích.
Những quả đạn pháo không hẹn giờ tiếp tục ập lên đầu chúng tôi. Hai anh em tôi bị hất văng ra sau, khi đó mới kịp hoàn hồn để bịt tai, chổng mông cắm mặt xuống đất như lời Dì Tám dặn. Khói, đất cát văng lên mù mịt. Đầu tôi ong ong, hai tai ù đặc, ngực căng như cái trống, tim thì không biết còn ở trong hay đã bắn ra ngoài lồng ngực.
Kinh hãi nhất là ngay trước mắt tôi một hũng đất do quả đạn pháo xới lên sâu hoắm, đứa trạc tuổi anh tôi vừa cùng chơi đánh đáo với tụi tôi bỗng dưng biến mất chỉ trong tích tắc, không ai thấy xác nó đâu. Tàn binh BĐQ tiếp tục chiến đấu mở đường máu tiến về phía trước. Nhưng chúng tôi vẫn không thấy Việt Cộng ở đâu cả, chỉ có pháo từ trong núi dội ra.
Lại hỗn loạn, kẻ chạy xuôi, người chạy ngược, loanh quanh như gà mắc dây. Không còn thời giờ, Dì Tám bảo tất cả chúng tôi phải băng qua làn đạn mà tiến tới, chứ tình hình là phía đằng đuôi chắc chắn bị khóa rồi, phía trước thì bị chặn đầu. Trong tình thế này, đứng lại cũng chết, chạy lui hay tới cũng chết. Dì tôi bảo khi họ bắn chận đầu là cố ý dồn đoàn người về phía sau, thì cứ thà chạy tới, còn có ít cơ may để thoát.
Chúng tôi vừa bò, vừa lếch, vừa lom khom chạy dưới làn đạn pháo xẹt nổ trên đầu. Trận pháo kích trong đêm tối chúng tôi chủ yếu là thấy lửa cháy, giờ ngay trước mắt chúng tôi mục kích những thước phim mà không thể có một phóng viên chiến trường nào, không có một đoạn phim Hollywood nào có thể diễn tả được cả.
Đạn chụp trên đầu, đạn nổ tung bốn phía. Người ngã xuống như rạ, hết lớp nọ đến lớp kia. Xác người văng ra từng mảng, bắn vọt lên cao, vắt vẻo trên những cành cây. Máu phun thành vòi, máu chảy lai láng. Người bị thương nhẹ máu me đầy người cố chạy, người bị thương nặng cố lếch.
Chúng tôi lại đạp lên những xác người mà chạy. Giá như (cố) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mặt vào thời điểm đó thì “Bài ca dành cho những xác người” phiên bản hai sẽ ra đời, hẳn phải còn rùng rợn hơn “xác người nằm quanh đây… xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng”.
Nước. Cả đoàn người ào xuống ruộng.
Đùng… Đoàng… Người tiếp tục gục xuống ruộng.
Vừa dứt tiếng pháo, mọi người ào ngay xuống trở lại không chút sợ hãi, vì từ sáng giờ chỉ có nhai lá rừng lấy sương đêm cầm khát. Nhưng giờ nước ruộng chang một màu máu. Máu loang nhanh hòa vào bùn theo dòng người bì bõm xuống tranh nhau nước. Vị lợ, ngai ngái của bùn với vị mặn và tanh của máu trong từng ngụm nước không còn làm chúng tôi buồn nôn.
Chúng tôi đã uống máu đồng loại của mình.
(Còn tiếp)
N.Đ.N.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment