Tháng 3/1975, cuộc di tản kinh hoàng trên con đường máu tỉnh lộ 7B (Phần 4)
Nguyễn Đình Nguyên
Posted on 22/04/2025 by Boxit VN
Boxitvn
Dì Tám
Dì là em gái út của má tôi, thứ tám nên gọi là dì Tám (thực ra khi đó tụi tôi gọi dì là cô). Dì gắn bó với nhà tôi từ lúc dì mới 8 tuổi, khi mà ba má tôi mới rời quê lên lập nghiệp ở Pleiku. Năm nào mùa màng dưới quê vãng thì dì lên để phụ giúp ba má tôi.
Dì sinh ra và lớn lên ở Bình Định, vùng “xôi đậu” mà bà ngoại tôi vẫn thường nói là vùng đất “ngày Quốc gia, đêm Cộng sản”. Nếu không gọi là đa số thì cũng phần nhiều các gia đình ở Bình Định, đặc biệt ở thôn quê đều có người nhà phục vụ cho cả hai bên. Đây là một vùng đất dữ trong những năm chiến tranh.
Ban ngày lính về đóng bót, dời dân, bắt tù dồn ấp những gia đình có người phục vụ cách mạng. Hễ đến mặt trời lặn thì quyền “sở hữu dân chúng” thuộc về mấy ông du kích Việt Cộng. Là đồng bằng, nhưng hầu như cách núi không xa, trên đó là cứ địa của mấy ổng, nên nói “mấy ông trên núi”.
Đêm xuống là du kích về làng, khi thì làm “tòa án mặt trận” (xử bắn những người làm cho chính phủ VNCH, và để lệnh xử bắn lại trên xác), xử án âm thầm, khi thì xử án vắng mặt, khi thì thu gom gạo thóc để đem lên núi. Việt cộng cũng chính là con cháu trong làng hoặc ở quanh quẩn trong vùng đó mà thôi.
Cho nên, nhà nào có bao nhiêu nhân khẩu, ai có con làm cho “Mỹ Ngụy”, ai có con “nhảy núi” hoặc có người “đi tập kết” họ nắm rành trong tay. Rồi chuyện tập kích, công đồn, hành quân (từ lính đi hành quân ở quê tôi được hiểu là lính VNCH đi lùng, càn quét Việt Cộng), đụng độ giữa hai bên là chuyện cơm bữa ở Phù Mỹ quê tôi. Chính vì lẽ đó mà dì út tôi có quá nhiều kinh nghiệm “chạy giặc”.
Năm đó dì 21 tuổi, lên Pleiku ăn Tết, nhưng dì bị kẹt lại và trở thành một thành viên bất đắc dĩ trong chuyến di tản “chiến thuật” này. Và cũng vì thế mà bao nhiêu chuyện xảy ra tiếp theo, đều có dấu ấn của dì tôi để lại. Dì là vị cứu tinh cho gia đình tôi.
Màn đêm rách toác
Nếu tôi nhớ không nhầm là từ giữa trưa ngày thứ ba hoặc thứ tư của cuộc hành trình, đoàn gần như kẹt cứng ở Cheo Reo, theo ước tính có lẽ chỉ mới đi hơn quá nửa đoạn đường. Mấy chú truyền tin cho biết là hiện tại lực lượng công binh đang nổ lực bắt cầu phao ở đoạn sông Ea-Pa phía trước, chắc cách chừng vài chục km, vẫn chưa thông.
Thực ra là cả đoàn công-voa (convoy) đã lay lắt từ ngày hôm trước rồi, đi ít mà nghỉ thì nhiều. Mọi người đâm ra lo lắng vì con đường liên tỉnh lộ 7B nghe bảo vài trăm ki-lo-mét mà bỗng hóa dài vô tận. Lương thực đem theo cạn dần, nước uống gần như quá khan hiếm. Ai cũng đen nhẻm vì nắng gió, hốc hác vì khát uống thiếu ăn đã đành, giờ vẻ lo âu gần như thường trực.
Kẻ chạy lên, người chạy xuống nghe ngóng tình hình. Tất cả đều chỉ là tin truyền miệng từ người này sang người khác. Nhưng những tin tức này có vẻ khá chính xác vì nhận được từ lực lượng quân đội triệt thoái. Anh Ba tôi và tôi cũng luôn tìm những dịp xe dừng nghỉ chân này để đi “thu thập tình hình chiến sự”.
Tôi được biết phía trước đó không xa chúng tôi sẽ phải vượt qua một cái đèo nữa là đèo Tuna, rồi sau đèo đó mới tới Củng Sơn, đập Đồng Cam rồi băng qua con sông Ea Pa (sông Ba) mới tới được Tuy Hòa. Lực lượng quân đội VNCH lúc đó tôi thấy đa phần là Biệt Động Quân (BĐQ), di chuyển trên những chiếc GMC cỡ lớn và Dodge, sĩ quan thì đi trên Ríp lùn (M-151).
Ngoài ra Thiết giáp trên các chiến xa M48 là chủ yếu, và một số M113, và Bộ binh cũng có nhưng BĐQ là đa phần. Lân la hỏi chuyện các chú bảo BĐQ được lệnh đi mở đường và bảo vệ cho đoàn quân triệt thoái vì đây được coi là đội quân thiện chiến và tinh nhuệ nhất cùng với Thiết giáp của quân đoàn II, vì QĐII không có Dù cũng như Thủy quân Lục chiến (TQLC).
Gặp rất nhiều chú BĐQ đóng quân từ Kon Tum, các chú bảo lực lượng được lệnh triệt thoái theo kiểu cuốn chiếu, tức là Kon Tum được rút đi đầu tiên, rồi mới tới Pleiku… nhưng nhiều nhóm bị kẹt lại phía sau là do nấn ná chờ gia đình đi cùng, chứ đoàn mở đầu đã tiến về phía trước, mở đường cho công binh bắt cầu phao.
Tại thời điểm đó, tôi áng chừng số lượng dân chúng có thể gấp 4 đến 5 lần số lượng quân đội. Quân đội đa phần là đi đầu và khóa đuôi, nhưng thực tế càng về sau lính và dân gần như trộn lẫn với nhau do tắc nghẽn đường.
Khi mà loạt đạn pháo đầu tiên cất tiếng, thì mọi người gần như ai cũng đều đã tìm cho mình và gia đình một chỗ để ngả lưng chờ sáng, với hy vọng đường thông để tiếp tục cuộc hành trình. Đoạn nghỉ này trông có vẻ như là một cái thung lũng, phía xa hai bên là rừng và núi, gọi là xa nhưng cũng chỉ chừng vài cây số. Hầu hết mọi người đều cố tìm chỗ ngủ gần xe của mình nhất để tránh lạc đường.
Có gia đình ngủ ngay dưới gầm xe, thường là gia đình của chỉ huy. Nằm dưới gầm xe an toàn, nhất là không bị dẫm đạp khi nhiều người đi lại, đi vệ sinh, tìm nước trong đêm tối. Gia đình chúng tôi toàn lũ trẻ nên ba tôi lúc nào cũng bắt cả nhà không được rời xe quá xa. Chỉ có người lớn mới được đi lấy nước hoặc nấu ăn. Hai anh em tôi được “đặc cách” vì là hai con trai lớn nhất trong nhà, nhưng cũng không được chạy quá tầm mắt của ba má và dì. Tuy nhiên, đó mới chỉ là chuyện của lúc này.
Mọi người chưa kịp định thần là đạn đến từ hướng nào, nổ ở đâu. Chỉ chừng một vài phút sau đó đồng loạt những tiếng u u, veo véo trên đầu, từng vệt lửa xé màn đêm thành những vạch đan chéo sáng lóa, bầu trời bị xé toang. Ngay sau đó lửa bốc lên đồng loạt với những tiếng nổ ùng oàng. Đoàn người bắt đầu vùng dậy tháo chạy tán loạn. Má tôi cuống quýt gọi cả nhà cùng chạy theo. Ba tôi thì ngăn lại bảo không chạy được vì phần con nhỏ, trời tối sẽ bị thất lạc mà quan trọng hơn là rời xa xe, rồi không có cơ hội tìm lại được xe nữa.
Dì Tám bình tĩnh đến lạ và lập tức trở thành vị tổng tư lệnh trong gia đình. “Anh chị cần phải bình tĩnh, để em xem xét đã. Nhưng trước hết là phải gom lũ nhỏ lại”. Ba tôi cõng em gái giữa (3 tuổi rưỡi), má tôi bế gái út (8 tháng), dì em gái áp út (2 tuổi rưỡi), anh Ba tôi-11 tuổi, dắt em gái thứ hai (5 tuổi rưỡi) và tôi-9 tuổi dắt tay em gái kế (7 tuổi). Dì bảo ba má tôi lấy áo ra buộc mấy đứa nhỏ chặt vô người như người thượng địu con, rồi dì xé một cái áo khác làm dây buộc tay bốn chúng tôi lại với nhau thành đôi một.
Sau đó dì bảo mọi người phải ngồi yên, nép sát vào sườn xe để tránh dẫm đạp, và cắm đầu xuống đất, hai tay ôm lấy đầu, che tai. Dì nói không được chạy theo đám đông như thế rất nguy hiểm, phần bị dẫm đạp, phần vì chưa biết hướng đạn bắn như thế nào, đạn gì, mà chạy thì chẳng khác nào lao vào chỗ chết sớm hơn. Dì lách ra và nghe ngóng, sau loạt đạt thứ hai, trong khi mọi người đã túa ra như ong vỡ tổ chạy ngược về phía sau thì dì quay lại chỗ chúng tôi.
Lệnh đầu tiên dì ra là phải lập tức rời xa ngay đoàn xe càng sớm càng tốt. Ba tôi không chịu vì ông sợ thất lạc xe. Dì tôi dứt khoác là nếu không rời đây trong vòng mấy phút nữa là cả nhà lãnh đủ. Má tôi áp lực ba tôi phải nghe theo dì. Dì ra lệnh vứt bỏ hết mọi thứ còn lại, trừ mấy cái ruột nghé vàng mà người lớn đeo trong lưng.
Cả nhà không chạy theo đoàn người, mà phải cắt ngang qua lộ, tiến về phía núi, nơi hướng lửa đạn bắn ra. Một cách di chuyển lạ đời so với phản ứng bản năng của mọi người lúc đó. Dì ra lệnh phải tách ra khỏi đoàn người hỗn loạn càng nhanh càng tốt, chỉ chạy khi có ánh chớp lửa lóe lên để có thể thấy nhau, và phải dừng lại khi không thấy người trong gia đình. Khi dừng lại phải gom và ôm chặt lấy nhau.
Ba phút sau, nhà tôi vừa cách đoàn xe và người chừng hơn 300 mét, ém mình vào hõm đất vệ rừng dưới một lùm cây thấp, một ụ lửa bùng lên ngay đúng chỗ xe mà chúng tôi vừa rời khỏi, một biển lửa hừng hựt như miệng núi lửa phun trào, tiếng nổ từ như bình xăng, lốp xe vang trời. Trong ánh bùng lên của lửa, tôi thấy cả những bánh xe văng lên trên cao. Tiếng gào thét, la khóc, rên rỉ kêu cứu trong hoảng loạn vang động, xé toạt màn đêm yên tĩnh của núi rừng. Gia đình tôi chết hụt lần thứ nhất.
Trong lúc nằm ẩn nấp, dì tôi cấp tốc giảng giải những bài học căn bản về di tản, để chuẩn bị đối phó những giờ căng thẳng tiếp theo, mà theo dì đây chỉ mới là món “điểm tâm”. Dì nói tình hình hết sức nguy hiểm vì đoàn triệt thoái đã bị lực lượng quân chính quy Bắc Việt tấn công chứ không phải quân giải phóng hay Việt cộng tầm thường.
Dì bảo tiếng đại bác “u… u… rồi đùng đoàng” là tiếng đại bác 122 ly (122 mm Howitzer), còn tiếng “chiu…chíu uỳnh uỳnh” là của đại bác 130 mm (130 mm towed artillery), rồi những tiếng tiểu liên “cắc… đùng” là AK47 mà mấy loại này chỉ có quân chính quy Bắc Việt mới có được.
Như vậy dì tôi phán đoán là bên kia (Cộng sản) bị động, nhưng giờ đã đánh hơi được đoàn quân triệt thoái theo tỉnh lộ 7B, nên đã điều quân từ Ban Mê Thuột qua để đánh lõng. Và như vậy thì dự hậu rất xấu.
Dì tôi dặn, mỗi lần nghe tiếng đại bác nổ, thì đó mới chỉ là quả đề-pa (départ) chỉnh tầm và cự ly, chắc chắn sau đó chừng vài phút sẽ là những loạt kế tiếp và thường các loạt sau họ bắn ra xa hơn loạt trước chứ ít khi gần hơn.
Do đó, khi nhìn vị trí nổ của loạt đạn đầu thì phải chạy ngược, gần về phía hướng đạn bắn ra chứ không nên chạy ra xa, khả năng sẽ dính các loạt đạn sau nặng đô hơn nhiều. Dì tôi dặn thêm, khi chạy tránh pháo kích là phải tránh xa các mục tiêu chính đó là các đoàn xe quân đội, xe cơ giới, các mục tiêu cố định như nhà vì đó là phương tiện vận chuyển thiết yếu, hay kho, nơi trú ẩn mà khi tấn công đó là các điểm mà quân địch luôn hướng đến trước tiên.
Nói thì nói thế, nhưng tình thế lúc đó thì quá hỗn loạn, các em tôi khóc thét, còn tụi tôi thì tim đập thình thình, chân run rẩy, bước không vững lấy đâu mà chạy. Tất cả đều không còn dép trong chân, trừ ba tôi có đôi giày Quya (Cuir – Henry Cuir) và anh Ba tôi còn đôi giày Bata vải bố. Nhưng nỗi sợ vượt qua tất cả, chúng tôi chẳng biết đã dẫm lên biết bao nhiêu là gai rừng và đá nhọn.
Phía bên quân đội VNCH cũng có sự đánh trả. Lửa đạn khạt ra từng những chiến xa của Thiết giáp, và lực lượng BĐQ. Nhưng thực sự là chỉ biết bắn vu vơ về phía sườn núi nơi xuất phát hướng đạn của đối phương.
Trong khi đó đoàn thiết giáp gần như bất động giữa dòng người xe kẹt cứng, trở thành những mục tiêu ngắm bắn cố định. Màn trời thì bị đan lưới lửa, tiếng đại bác gầm từng đợt, tiếng gầm rú của chiến xa, những loạt đạn liên thanh của đại liên, tiểu liên… Tiếng gào thét kêu khóc thảm thiết vẫn vang lên không ngớt…
Mọi thứ lý thuyết chiến trường đều trở nên vô dụng. Trong đêm đen, chỉ có đạn tránh người chứ người không còn biết đường nào để tránh đạn. Lúc này điểm xạ cũng chẳng cần mục tiêu, đạn rơi như rải vào đoàn dân không thấy đường chạy, không một nơi trú ẩn. Quân đội thì bị bó tay, kẹt trong đám dân chúng.
(Còn tiếp)
N.Đ.N.
Tác giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment